Nỗi niềm giáo viên hợp đồng: Lãnh đạo các trường và ngành Giáo dục nói gì?
(Dân trí) - Nhiều giáo viên miền núi Quảng Nam muốn thoát khỏi cái tên “hợp đồng” nhưng vì nhiều lý do, các cô thầy vẫn chưa được vào biên chế; cuộc sống của các “giáo viên hợp đồng” rất vất vả, hàng ngày vẫn đến lớp với nỗi lo cơm, áo, gạo tiền, lo cho tương lai…
Như Dân trí đã phản ảnh trong bài viết Vất vả trăm bề của giáo viên vùng cao mang tên “hợp đồng”, nhiều giáo viên (GV) đứng lớp ở vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nhiều năm nhưng hai chữ “biên chế” vẫn còn xa vời. Lương “hợp đồng” không đủ sống nhưng vì yêu nghề, yêu học sinh vùng núi thiếu thốn nên các cô vẫn say mê với nghề.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Trà Don cho biết, trường có 26 GV, cán bộ quản lý và nhân viên. Trong số này có 2 GV hợp đồng. Vì GV chính nghỉ thai sản nên trường “hợp đồng” với 2 GV khác dạy thế chỗ, dạy “đỡ” mấy tháng.
Vậy lương các GV hợp đồng này ai trả? Thầy Chín cho hay, lương của các cô hợp đồng được lấy từ lương của các cô nghỉ thai sản trả. Một tháng sau khi trừ bảo hiểm, mỗi cô chỉ còn được 3 triệu đồng.
Học sinh vùng cao đến trường kiếm con chữ đã rất vất vả, để giáo viên vùng cao có cuộc sống ổn định, yên tấm bám trường bám lớp hiện cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cần giải quyết
“Đời sống các cô khó khăn lắm, ở luôn trong trường chứ không về nhà, tiền ở đâu mà về. Cả tháng mới về nhà một lần ở TP Tam Kỳ, huyện Thăng Bình. Các cô có khi dạy không hết năm, khi nào GV chính thức đi dạy lại thì các cô “hợp đồng” phải nghỉ”, thầy Chín nói.
Theo thầy Chín, nhiều bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc không có GV. Để dạy cho các em, trường phải phân GV trái môn dạy. Thầy Chín cho biết, hai môn này toàn huyện Nam Trà My chỉ có 2 trường có GV. Năm ngoái, trường tiết kiệm nên mời GV dạy được một năm, còn năm nay do không có tiền nên trường phân GV Âm nhạc dạy Mỹ thuật.
Ở huyện miền núi Nam Trà My, các GV hợp đồng vài tháng rất nhiều, cuộc sống rất vất vả. Thầy Chín kể có trường hợp cô giáo từ dưới đồng bằng lên đây công tác, khi có con thì chồng cô phải bỏ việc đi theo lên để giữ con. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ các cô phải đi lên giữ cháu cho con đi dạy…
Một làng vùng cao huyện Nam Trà My. Để đến đây dạy học, giáo viên phải băng rừng lội suối rất vất vả
Trao đổi với PV Dân trí về các trường hợp “hợp đồng”, ông Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng Giáo dục Nam Trà My cho biết, toàn huyện có 714 cán bộ, GV; trong đó có hơn 500 GV. Ông Thuận ước tính có khoảng gần 10% là GV “hợp đồng huyện”. Còn số GV “hợp đồng trường” để bổ sung cho các GV nghỉ thai sản thì chưa thống kê.
Ông Thuận cho hay, tỉnh đang cắt giảm biên chế theo Nghị quyết 19, còn Phòng thì đang tính toán cân đối lại, nếu thiếu GV thì đăng kí thi tuyển viên chức, ai thi đậu thì mới được vô biên chế, còn ai không thi đậu thì cũng chịu dù có dạy lâu năm.
Để giải quyết số GV “hợp đồng” yên tâm công tác, ông Thuận cho hay vừa rồi tỉnh có họp và đưa ra kết luận cố gắng có điểm ưu tiên cho số GV hiện đang “hợp đồng”, cũng nhằm để giải quyết GV thiếu ở các huyện.
“Theo kết luận của lãnh đạo tỉnh, những GV hợp đồng mình sẽ có hướng ưu tiên cộng điểm thi, ví dụ một năm cộng 1 điểm hay 2 năm cộng 1 điểm gì đó để các cô có điều kiện hơn; hay là ưu tiên cho các GV này bằng cách nào đó để có điều kiện thi đậu”, ông Thuận chia sẻ.
Trưởng Phòng Giáo dục Nam Trà My cũng cho hay, huyện đang tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy nên không cho biên chế về nữa, vừa rồi huyện cũng cắt giảm 83 biên chế sự nghiệp giáo dục. Huyện yêu cầu Phòng Giáo dục sắp xếp lại các điểm trường, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm… sau đó mới tính toán định biên thừa thiếu ra sao mới bổ sung.
Hiện nguồn kinh phí để nuôi các GV hợp đồng, Phòng Giáo dục huyện lấy từ nguồn các biên chế đã chuyển đi. Ông Thuận giải thích: Ví dụ tỉnh giao cho huyện 600 biên chế nhưng có 30 người chuyển đi nhưng không bị cắt thì huyện lấy nguồn từ đó để trả cho các GV hợp đồng.
Đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài vẫn là cần có chính sách ổn định để các thầy cô vùng cao yên tâm đứng lớp, cống hiến, đưa con chữ lên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, đóng góp cho sự phát triển giáo dục ở địa phương.
Công Bính