Bạn đọc viết:
Nỗi lo học sinh miền núi bỏ học
(Dân trí) - Cứ vào năm học mới, thầy cô tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đều có một mối lo chung đó là tình trạng học sinh bỏ học.
Trước khi bước vào năm học mới, các nhà trường đều phân công giáo viên đi xuống bám bản, bám làng để vận động gia đình và các em học sinh để đến lớp..., đây là một nhiệm vụ nặng nề và vất vả cho các giáo viên ở đây. Nếu không xuất phát từ cái tâm trong sáng, với tinh thần cống hiến cao cả của giáo viên thì tình trạng bỏ học sẽ xảy ra phổ biến, mặc dù nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh khi tham gia học tập.
Tình trạng học sinh địa phương miền núi thường xuyên bỏ học là thách thức không nhỏ của nhà trường và chính quyền các địa phương. Vậy, đâu là nguyên nhân các em bỏ học, không thể duy trì các sĩ số trong các lớp học, nhiều lớp vắng đến mức phải hai, ba lớp nhập chung vào để dạy, theo tôi xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, hầu hết các địa phương miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu vào làm nông là chính; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ít quan tâm để việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình dẫn đến kinh tế đã khó lại càng khó khăn hơn. Những gia đình có con đã đủ tuổi đến trường nhưng phải phụ giúp cha mẹ để chăm em, lên nương rẫy để thu hoạch nông sản hoặc làm thuê, làm mướn để kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, khi đến mùa thu hoạch nông sản thì các em hầu như là lao động chính trong gia đình.
Thứ hai, giao thông đi lại tại địa phương miền núi rất khó khăn, hiểm trở, đặc biệt là mùa mưa lũ, các đoạn đường thường sạt lở, lầy lội cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các em bỏ học. Mặt khác, địa điểm từ nhà đến trường là quãng đường khá xa, rất ít phương tiện đi lại nên các em nản chí không muốn đến trường. Bên cạnh đó, học lực của các em thường rất yếu xuất phát từ nền tảng gia đình phải lao động từ sớm.
Thứ ba, nhiều gia đình của các em học sinh thiếu trách nhiệm quan tâm, nhắc nhở các em đến trường, không ít bậc phụ huynh cố tình bắt các em nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhiều trường hợp giáo viên chủ nhiệm đứng lớp phát hiện các em bỏ học, phải vào tận nhà để vận động nhưng kết quả các em đi học trở lại là rất thấp. Đối với những học sinh bỏ học khi giáo viên vào tận nhà thì các em thường chạy trốn, né tránh và không chịu gặp, còn phụ huynh các em không muốn cho con đi học nên thường nói thẳng mục đích và không chịu hợp tác trong việc động viên các em đi học.
Thứ tư, xuất phát từ một phần trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục các em cũng chính là nguyên nhân dẫn các em nghỉ học. Bởi, chưa có cách phân loại hợp lý giữa lực học của các em trong cùng một lớp, chưa bố trí giờ học riêng dành cho các học sinh yếu nên học sinh nào học lực kém thì thường giậm chân tại chỗ dẫn đến các em tự ái, xấu hổ với bạn bè nên nghỉ học. Bên cạnh đó, khi có học sinh nghỉ học chưa có sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân... cùng vận động, hỗ trợ để động viên các em đi học.
Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học tại các địa phương miền núi hiện nay. Để giảm thiểu tình trạng các em bỏ học cần phải phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và chính quyền, đoàn thể không chỉ đơn thuần là động viên các em đến lớp mà tùy từng trường hợp cụ thể cần xem xét đến từng điều kiện, hoàn cảnh của các em để có biện pháp hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho các em đến lớp. Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng các em bỏ học ngày càng gia tăng tại các địa phương miền núi hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
(Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)