Hậu Giang:

Nỗi khó khăn đến trường của học sinh tuyến dân cư "3 không"

(Dân trí)- Không điện, không đường, không nước sạch là những nỗi khổ của người dân xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Cũng chính “3 không” này mà việc đi lại của nhiều em học sinh ở xã Vĩnh Tường càng khó khăn và thêm lắm nỗi lo.

Xã Vĩnh Tường là một trong những xã vùng nông thôn sâu của huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), trong đó hầu hết trường học các cấp đều tập trung ở trung tâm xã nên học sinh cùng đổ về đây học. Do đó, việc đi lại của các em học sinh đang là những nỗi khó khăn của nhiều phụ huynh.

Đi học cùng con từ 5h sáng

Ngày 26/9, PV Dân trí đã về xã Vĩnh Tường để ghi nhận tình hình đi lại của các em học sinh nơi đây. Theo ghi nhận của PV, 3 trường học gồm: THPT Vĩnh Tường, Tiểu học Vĩnh Tường và Mẫu giáo Vĩnh Tường đều nằm gần nhau trên một tuyến lộ chính gần UBND xã nên ngoài cảnh hàng trăm em học sinh học tập, vui chơi còn có thêm hình ảnh của nhiều phụ huynh ngồi chờ con bên ngoài cổng trường.

 
Nhiều phụ huynh đậu xuồng ngồi chờ con trước điểm Trường Mẫu giáo Vĩnh Tường.
Nhiều phụ huynh đậu xuồng ngồi chờ con trước điểm Trường Mẫu giáo Vĩnh Tường.

Qua quan sát của PV, ngay phía bờ sông trước các trường học có rất nhiều chiếc vỏ lãi (một loại xuồng, ghe nhỏ là phương tiện đi lại của người dân vùng sông nước Nam Bộ) đậu chờ con của các phụ huynh có con em đi học ở đây. Trong khi con đang học ở trong trường thì các phụ huynh túm tụm ngồi nói chuyện với nhau. Trong câu chuyện mà chúng tôi nghe được, ai cũng bày tỏ sự ngao ngán với cảnh đưa đón con đi học hàng ngày.

Ngồi ôm một cháu bé trai trong lòng dưới xuồng, chị Nguyễn Thị Chi (ngụ ấp Tân Long) cho biết, chị có con là cháu Tô Thị Huỳnh Như đang học ở Trường Mẫu giáo Vĩnh Tường, chị đang ngồi chờ rước con về. Nhà chị Chi ở cách trường học đến hơn 3km nhưng không có đường lộ nên chỉ có thể đi bằng xuồng. “Sáng 4h phải thức dậy nấu cơm, giặt giũ rồi bắt đầu đưa cháu nó đi học. Từ nhà chạy xuồng đến trường nếu đi nhanh cũng mất hơn 20 phút, khi con vào học, tôi phải ngồi chờ đến 10h30 đợi con tan học rồi rước về. Năm nay học 2 buổi sáng chiều nên mỗi ngày phải đi lại đến 4 lần, tốn không ít tiền xăng dầu”, chị Chi cho hay.

Theo chị Chi, nếu ngày nào có việc thì phải mất đến 8 bận đưa rước. Sáng đưa đi rồi về nhà, trưa lại rước; đầu giờ chiều đưa đi rồi về, cuối giờ chiều lại rước rất bất tiện, chi phí lại tăng thêm. “Mỗi một buổi đưa rước tôi tốn trên 20.000 đồng tiền xăng, mình là dân nghèo nên số tiền này cũng không phải là nhỏ”, chị Chi chia sẻ.

Nhiều phụ huynh đậu xuồng ngồi chờ con trước điểm Trường Mẫu giáo Vĩnh Tường.
Gặp khi trời mưa nắng thì các phụ huynh cùng trú ngụ trong một căn nhà bán đồ ăn cho học sinh ngay trước cổng trường.

Cùng cảnh ngộ như chị Chi nhưng chị Nga (ngụ ấp Vĩnh Phú) lại càng khó khăn hơn bởi nhà khá xa trường. Chị Nga cho biết, chị có con đang học Mẫu giáo, từ nhà đưa xuồng đến trường mất hơn 30 phút. “Tôi thức từ rất sớm để chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, sau đó tất bật đưa con đi học rồi chờ đón con về. Trong khi đó chồng đi làm nên tôi phải bồng theo đứa con trai mới 17 tháng tuổi để trông luôn nên không có thời gian để lo công ăn việc làm gì nữa”, chị Nga bộc bạch.

Chị Nga cho hay, chi phí đi lại cho con đi học từ tiền xăng dầu đến ăn uống đã mất đến 50.000 đồng - 60.000 đồng/ngày, riêng tiền xăng cũng đã chiếm hơn một nửa. “Nhà làm ruộng chứ cũng có làm gì ra tiền đâu nên chi phí này khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhưng không thể cho con nó nghỉ học được. Cha mẹ đã khổ rồi, để con cái khổ nữa sao mà cam lòng”, chị Nga giải bày.

Chị Nga vừa đi đón con học Mẫu giáo, vừa mang sữa theo cho một đứa con trai nhỏ.
Chị Nga vừa đi đón con học Mẫu giáo, vừa mang sữa theo cho một đứa con trai nhỏ.

Còn bà Nguyễn Thị Mai (ngụ ấp Tân Long) có đến 3 đứa cháu đang học Tiểu học và Mẫu giáo nên cũng phải lấy xuồng đưa rước mỗi ngày. Theo bà Mai, mỗi ngày 4 đợt đi về, chỉ tính riêng tiền xăng đã mất 30.000 đồng/ngày, chưa kể ăn uống của mấy cháu nhỏ. “Mấy đứa nó còn quá nhỏ không thể cho đi một mình được nên mình phải đưa rước hàng ngày. Mà đường từ nhà đến trường thì không có nên phải dùng xuồng thôi. Đưa rước cả ngày nên phải bỏ cả công việc làm chứ biết thế nào hả chú”, bà Mai nói.

Nhiều hộ gia đình không có xuồng ghe thì đi bộ để đưa con em đi học. Bà Mạnh (63 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuận) mỗi ngày phải đi đến 8 bận đưa rước đứa cháu ngoại đang học Mẫu giáo. “Tôi già cả rồi mà phải đi bộ hơn một cây số, mà lội 8 bận thì cũng đến tám cây số chứ đâu ít. Có lúc quần áo còn không kịp giặt vì cháu nó học đến 2 buổi nên mới rước về, loay hoay lại đưa đi tiếp, vất vả lắm”, bà Mạnh chia sẻ.  

Không chỉ các hộ trên mà theo ghi nhận của PV Dân trí, có rất nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Tường phải dùng xuồng để đưa đón con em mình đi học hàng ngày. Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương số học sinh đi học bằng xuồng cũng vài chục em. Trong ngày 26/9, khoảng hơn 10h30 sáng vào thời điểm tan học, PV Dân trí thấy có hàng chục chiếc vỏ lãi từ lớn đến nhỏ của các phụ huynh đậu dưới bờ sông để đón học sinh.

Học sinh tan học cùng xuống xuồng theo chân phụ huynh về nhà.
Học sinh tan học cùng xuống xuồng theo chân phụ huynh về nhà.

Nguyên nhân từ “3 không”        

Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều người dân cho biết nguyên nhân họ phải dùng xuồng đưa rước con em đi học là do các địa bàn này chưa có lộ giao thông nông thôn nên việc đi lại rất gian nan. “Địa bàn ở đây nói cho cùng là có đường nhưng xe đi không được, còn nếu đi bộ thì rất xa. Thật sự đi xuồng ghe rất bất tiện, rồi còn tốn kém tiền bạc, người dân chúng tôi cũng vì tương lai của con em mà đành chịu thiệt chứ biết kêu ai ”, một người dân ở ấp Tân Long, đại diện các hộ dân bày tỏ.

Theo các hộ dân, tại các điểm kênh Đầu Đất, Đầu Ngàn, Giữa Ngàn… hiện chưa có lộ giao thông nông thôn, chưa có điện và chưa có nước sạch cho người dân sinh hoạt nên cuộc sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến việc học của con em họ cũng lắm vất vả, cực nhọc.

Cha mẹ bận đi làm ăn, các cháu được bà đưa đón đi học.
Cha mẹ bận đi làm ăn, các cháu được bà đưa đón đi học.

Chị Nguyễn Thị Chi (ngụ ấp Tân Long) cho biết, nhiều tuyến kênh ở địa bàn đã được múc lên rồi nhưng không thấy nhà nước làm lộ nên đường đi không được bằng phẳng, nhấp nhô thấp cao đi lại rất khó khăn. Theo chị Chi, việc múc kênh cũng đã gần 2 năm nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh không lộ giao thông.

“Gặp trời nắng thì đỡ chứ gặp trời mưa thì chỉ có xuồng ghe đi lại được thôi. Thêm cái nữa, những con kênh ở địa bàn tới mùa lục bình dày đặc cả kênh, xuồng ghe cũng chẳng thể đi được. Người dân chúng tôi phải gom tiền lại mua thuốc sâu xịt cho lục bình chết mới có đường kênh để đi. Nói chung nhiều ấp ở địa bàn đi trên bộ cũng khó, đi dưới sông cũng khổ lắm”, bà Nguyễn Thị Mai rầu rĩ nói.

Tay bồng tay đón chống xuồng cùng con ra về sau một buổi học.
Tay bồng tay đón chống xuồng cùng con ra về sau một buổi học.

Cũng theo các hộ dân, do con em họ còn quá nhỏ, đi lại bằng xuồng ghe cũng rất nguy hiểm. Đa số các cháu không biết bơi nên vào những mùa mưa, mùa nước lớn, khi đưa con cháu đi học họ cũng lo lắm. Khi chúng tôi hỏi, để đỡ tốn kém thì sao không đề nghị chính quyền địa phương mở một chuyến đò đưa đón chung cho các cháu. Đại diện một phụ huynh có con học Mẫu giáo tâm sự: “Nói thật là con em mình thì mình phải đưa đón đến nơi đến chốn chứ cũng không dám nhờ vả đến ai”.

Khi tiếp xúc với PV Dân trí, các hộ dân đều bày tỏ, hàng ngày hàng giờ họ mong muốn ngành chức năng tỉnh Hậu Giang quan tâm xem xét làm lộ để việc đi lại, trong đó có việc đi học của con em họ được thuận lợi hơn. “Có lộ rồi, xe đạp, xe máy đi được, chúng tôi sẽ đỡ vất vả và cũng ít tốn kém hơn với việc đi xuồng ghe rất nhiều”, một người dân nêu nguyện vọng.

Bơi qua sông...
Bơi qua sông...

Bơi qua sông...
...và chở nặng giữa sóng lớn, nhiều phụ huynh lo lắng nhưng cũng đành liều vì cái chữ của con em mình.

Về việc đường đi lại của người dân và học sinh, ông Nguyễn Văn Chính - phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Vĩnh Tường nhìn nhận: “Trên địa bàn xã vẫn còn nhiều tuyến dân cư chưa có lộ cũng như chưa có điện và nước sạch nên cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề”. Ông Chính cho biết, do chưa có lộ giao thông nên hiện có rất nhiều người dân phải hàng ngày đưa đón con đi học bằng xuồng. “Việc đưa rước địa phương không có hỗ trợ gì, chỉ có thể vận động bà con đi lại sao cho đảm bảo an toàn nhất”, ông Chính nói.

Còn việc làm lộ giao thông thì theo ông Chính, xã cũng đã báo lên huyện và đang chờ quyết định. “Tuy nhiên, qua khảo sát thì dự kiến thêm 1 hoặc 2 năm nữa có kinh phí mới có thể làm lộ giao thông cho bà con ở các tuyến này đi lại”, ông Chính phân trần.
 
Clip phụ huynh cùng con đi học ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang:


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Trao đổi với PV Dân trí về việc phụ huynh phản ánh cho học sinh học 2 buổi/ngày phần nào khiến việc đi lại của họ bất tiện, cô Trần Ngọc Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vĩnh Tường cho hay, chương trình phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày được thực hiện để bảo đảm sau khi trẻ vào lớp 1 sẽ mạnh dạn hơn. Do đó, việc này nhà trường cũng đã có bàn bạc và vận động phụ huynh học sinh cho trẻ đi học.

Cô Trần Ngọc Hoàng Yến cũng cho biết, qua khảo sát có rất nhiều em ở trường đang sinh sống trên những địa bàn xa, điều kiện giao thông đi lại khó nên nhà trường có đưa ra giải pháp là cho giữ trẻ tại trường. Tuy nhiên, theo cô Yến, do trường còn thiếu thốn cơ sở vật chất như thiếu nhà ăn nên cũng không thể giữ hết số trẻ.

Huỳnh Hải