Bài dự thi “Ký ức học đường”:

Nỗi buồn...

(Dân trí) - Năm 2002, trường tôi thiếu giáo viên giảng dạy môn Lý, Toán, Anh nên đã được Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ bổ trợ thêm 5 giáo viên về dạy bù. Trong 5 thầy cô, có hình ảnh một thầy giáo cứ in sâu vào ký ức của tôi, đó là thầy Dũng.

Ngày các thầy cô về trường nhận lớp, thầy trò trường tôi đã đón tiếp rất nhiệt tình. Thầy cô vốn là giáo viên của thành phố cử về, tôi không nhớ các thầy cô ở trường nào. Các thầy cô không quản ngại đường xa, nơi quê nghèo vẫn vui vẻ, hăng hái về dạy ở trường tôi.

 

Hôm đó thầy Dũng dạy lớp 8D giờ Lý, toàn bộ học sinh của lớp đều đến đúng giờ, riêng chỉ có Kiên “đầu gấu” là chưa tới. Một nửa thời gian trôi qua vẫn không thấy Kiên đến lớp, thầy đã buồn và giận nhiều lắm, gần hết tiết học mới thấy Kiên phóng xe đạp đến sân trường và đi vào lớp mà không hề xin phép thầy giáo.

 

Thầy liền nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc: “Kiên! Em làm gì mà giờ này mới đi học? Em có biết là đã hết một tiết học rồi không?”.

Cậu ta đứng bật dậy và nhìn chằm chằm vào thầy rồi nói một cách rất hỗn xược, cục cằn: “Đi chơi!”.

 

Nghe vậy thầy lại nhắc nhở lần nữa.

-“Em nói vậy là không đúng, em phải nói có chủ ngữ, vị ngữ thì người nghe mới lọt vào tai chứ! Em học lớp 8 rồi chứ đâu còn bé nữa. Cậu ta liền cáu gắt với thầy bằng một câu hỗn xược. Và sau khi nghe xong câu nói của Kiên, chúng tôi thấy thầy rất buồn và thất vọng.

 

Tất cả học sinh của lớp đều rất bất bình thay cho thầy trước một học sinh láo xược như vậy, nó không được đến trường mới đúng. Cậu ta đã phải ra ngoài, cậu ta lại cưỡi chiếc xe phóng đi mất hút. Những tiết học sau trôi qua, mọi lớp đều đã ra về cả chỉ còn lại lớp 8D đang học nốt. Cuối cùng tiếng trống tan trường cũng vang lên, Thầy Dũng đang đi, bỗng một viên gạch ném thẳng vào đầu thầy. Thầy và xe đạp ngã xuống đường. Ai cũng nhìn thấy người ném thầy là Kiên “đầu gấu”, cậu ta nấp ở đấy từ lâu đợi thầy về là trả thù. Chúng tôi chạy lại, đỡ thầy lên, một con mắt của thầy bị sưng và bầm tím, thầy không mở được mắt nữa. Hôm sau lớp tôi phải nghỉ giờ Lý. Chúng tôi chưa kịp thăm thầy thì thầy đã đi, trong lòng thầy chắc buồn nhiều lắm.

 

Câu chuyện buồn ấy đã làm cho tôi luôn cảm thấy day dứt, tôi nhớ thầy, mong gặp thầy và hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ được gặp thầy người thầy hiền hậu và đáng kính trọng biết bao!

 

Câu chuyện này có thật và tôi mong rằng sẽ không bao giờ xảy ra ở các ngôi trường nào khác nữa. Tất cả học sinh đều chăm ngoan, học giỏi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy cô và cha mẹ.

 

Nguyễn Thị Hợp

(Số nhà 229 khu 4 tổ 39A phường Gia Cẩm

 TP. Việt Trì - Phú Thọ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm