Nồi bánh Tét ngày Tết của GS Việt kiều ở Mỹ
"Hôm nay con trai tôi hỏi: Ba có thể gửi cho con vài chiếc bánh tét cùng dưa món từ Việt Nam để con ăn Tết không? Tôi chợt nhớ hơn 15 năm qua, Tết năm nào tôi cũng cùng con gói một nồi bánh tét".
Ông Trương Nguyện Thành, 58 tuổi, quê gốc ở Quy Nhơn, Bình Định hiện là giáo sư của ĐH Utah, Mỹ.
Cận Tết Nguyên đán 2021, GS Trương Nguyện Thành có chuyến trở về nước công tác. Trải qua thời gian cách ly để phòng dịch Covid-19 theo quy định, năm nay ông sẽ đón Tết cổ truyền ở quê hương.
Giáo sư Trương Nguyện Thành kể, Tết Nguyên đán không phải là ngày lễ ở Mỹ nên việc giữ lại nét văn hóa này cho con cái trong các gia đình Việt ở nước ngoài là điều khó khăn. Không phải gia đình người Việt nào ở nước ngoài cũng làm được và cũng không phải ở nước ngoài nào cũng có thể làm được.
Đón Tết cổ truyền dân tộc thường rộn ràng hơn ở những nơi cộng đồng người Việt đủ lớn. Bởi những nơi này, dễ có tiệm nấu những món ăn truyền thống hay bán những món ăn ngày Tết đặc trưng. Vì vậy, các gia đình người Việt mới có chút không khí Tết cuối tuần với người thân và bạn bè.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ thường tổ chức Tết Nguyên đán vào dịp cuối tuần. Lễ Tết có văn nghệ, có thức ăn Việt và có thể thêm thi áo dài truyền thống dù mùa đông lạnh lẽo, đầy tuyết. Nhưng đây là cơ hội để cộng đồng người Việt đến với nhau, chúc cho nhau những lời tốt đẹp, ấm áp tình đồng hương.
Giáo sư Thành kể, hiện dịch Covid-19 ở Mỹ đang khá phức tạp. Dù đã có vắc xin nhưng việc chích ngừa cho dân mới chỉ bắt đầu. Do vậy, Tết Nguyên đán năm nay ở Mỹ, đa phần các gia đình Việt sẽ cúng ông bà và ăn uống trong phạm vi gia đình. Nếu gia đình nào mời bạn bè thì cũng rất hạn chế.
"Takara hỏi tôi: Ba ơi có thể gửi cho con vài chiếc bánh tét cùng dưa món từ Việt Nam để con ăn Tết không? Tôi chạnh lòng và chợt nhớ hơn 15 năm qua, Tết Nguyên đán năm nào tôi cũng cùng con trai gói ít nhất là một nồi bánh tét.
Một nồi bánh khoảng 12 chiếc, tôi giữ lại vài chiếc để cúng ông bà/cha mẹ, còn bao nhiêu thì đưa cho hai con của tôi. Thế nhưng có những năm chưa đến giao thừa con đã gọi điện thoại báo ăn hết bánh tét rồi. Chúng còn bảo "có bao nhiêu đâu ba, hai đứa con ăn sáng là hết một chiếc rồi". Một chiếc bánh tét của tôi dùng hơn nửa kg gạo nếp".
GS Trương Nguyện Thành kể, Takara bắt đầu học gói bánh tét từ năm lên 8-9 tuổi với những công việc đơn giản như làm sạch lá, cắt dây, xếp lá gói bánh rồi dần dần đến buộc dây. Năm 12 tuổi, Takara đã có thể tự gói trọn vẹn một chiếc bánh, nhưng vì một năm chỉ có thể thực tập một lần nên tay nghề không lên nhanh được.
"Lần đầu tiên tự gói được bánh tét Takara tự hào lắm. Con đánh dấu bánh để mang về khoe với mẹ. Taki - (một người con khác của GS Trương Nguyện Thành) thì khả năng kiểm soát những động tác nhỏ kém vì bị tự kỷ nên gói bánh tét là công việc khá khó đối với con".
Năm nay Takara học xa nhà, còn ông thì về Việt Nam nhưng vẫn đang dạy online ở ĐH Utah. GS Thành tiếc nuối vì năm nay không thể ngồi gói bánh tét với con.
"Có thể tôi sẽ không có nhiều cơ hội trong tương lai để làm việc này. Nhớ lại những ký ức quý giá, những câu chuyện trao đổi với con khi ngồi cùng gói bánh tét cảm xúc những ngày Tết ùa về.
Có lần tôi nói với con trai rằng, tên con là Takara Everest Truong, nếu viết tắt là "TET" đấy. Tôi cảm thấy ấm lòng vì đã lưu lại cho con một nét văn hóa của người Việt mà con sẽ luôn tự hào"- GS Trương Nguyện Thành kể.