Gia Lai:

Nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại “vùng khó”

(Dân trí) - Nhằm chuẩn bị cho năm học mới đang đến gần, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là những vùng khó khăn. Tại các huyện vùng sâu, vùng sa, công tác vận động học sinh đến trường đã được thực hiện, nhất là học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1.

Chuẩn bị chu đáo cho năm học mới

Bước vào năm học mới 2019-2020, toàn tỉnh Gia Lai có 774 trường mầm non, phổ thông (giảm 14 trường so với năm học 2018-2019 sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết số 19). Trong đó học sinh Mầm non là: 86.534 học sinh (tăng 1.822 học sinh); học sinh Phổ thông là: 311.700 học sinh (tăng 3.908 học sinh); học sinh giáo dục thường xuyên là 3.980 (tăng 817 học sinh).

Nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại “vùng khó” - 1
Nhằm tạo điều kiện học tập cho các em học sinh vùng khó tốt nhất, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm kiên cố hóa trường lớp, xây dựng thêm nhiều phòng học...

Ngoài ra, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên (với 973 chỉ tiêu) đáp ứng nhu cầu giáo viên giảng dạy trong năm học mới; phối hợp với các trường ĐH, CĐ, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy để tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.800 cán bộ, giáo viên cốt cán ở tất cả các bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và bồi dưỡng chính trị trong hè cho 161 cán bộ quản lý giáo dục nhằm cập nhật, tăng cường kiến thức, khả năng quản lý, phát huy năng lực tự học. Trong thời gian hè, đã mở nhiều lớp nhằm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số để chuẩn bị bước vào năm học mới. Kiểm tra giám sát công tác bảo quản, khai thác, sử dụng các trang thiết bị đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất trường lớp học.

Từ đầu hè đến nay, ngành Giáo dục đã phối hợp với cơ quan chức năng để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Cụ thể, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã sửa chữa, cải tạo trường lớp, nhà vệ sinh, bể bơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống nước sạch, hàng rào, bề kè, sân bê tông… với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư kinh phí 41 tỷ đồng cho 7 trường THPT để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mua sắm trang thiết bị lý hóa sinh, thiết bị giáo dục thể chất, thiết bị dạy học tối thiểu, máy vi tính, bàn ghế học sinh, máy chiếu… với tổng kính phí 61 tỷ đồng.

Một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trường học tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số cơ sở giáo dục đã chủ động sửa chữa phòng học, khuôn viên nhà trường, mua sắm các trang thiết bị,… bằng nguồn kinh phí của sự nghiệp giáo dục được giao cho trường và nguồn xã hội hóa.

Huy động học sinh “vùng khó” ra lớp

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại huyện Kbang, cách TP. Pleiku gần 100km, vì địa bàn huyện Kbang đa số là rừng, hệ thống đường đi lại khó khăn, hiểm trở nên ngành Giáo dục đã huy động thực hiện mô hình “nuôi bán trú ở nội trú”. Mô hình này đã giúp cho tỉ lệ duy trì sĩ số của các trường bán trú lên đến hơn 95%, chất lượng giáo dục vùng cao được nâng lên.

Nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại “vùng khó” - 2

Nhiều em học sinh lớp 1 được giáo viên kèm cặp trước khi vào năm học mới.

Trao đổi với chúng tôi, Thầy Nguyễn Nhật Thuấn (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) cho biết: “Trong năm học mới 2019 - 2020, trường có tổng số lớp 9 (Tiểu học: 5 lớp, THCS: 4 lớp). Học sinh 246, 100%  học sinh là người dân tộc Bahnar. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã tập trung giáo viên kiểm tra thống kê cơ sở vật chất đầu năm. Vệ sinh trường lớp, cắt tỉa cây, trồng chăm sóc các bồn hoa cây cảnh quanh trường. Bồi dưỡng chuyện môn, nghiệp vụ cho giáo viên về phương pháp giảng dạy học sinh người địa phương… Đặc biệt, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi heo, vịt, gà thường xuyên, nhất là nuôi giống heo bản địa của người Bahnar nhằm tạo thêm chất lượng bữa ăn cho học sinh”.

Nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại “vùng khó” - 3
Nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh đồng bào, các trường vùng cao đã mở lớp dạy trước cho học sinh lớp 1

“Do nhận thức và trình độ dân trí của bà con đồng bào chưa cao nên trong công tác vận động học sinh ra lớp, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương họp làng, họp phụ huynh nhằm rà soát số học sinh vào lớp 1 và phối hợp với phụ huynh vận động học sinh ra học sớm để tăng cường Tiếng Việt cho các em người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiên nay, nhà trường đã tách 30 học sinh lớp 1 ra làm hai lớp, phân công 2 giáo viên giảng dạy để tăng cường Tiếng Việt cho các em. Đồng thời, tập cho các em kĩ năng sống và làm quen với môi trường giáo dục, tránh cuộc sống tự do như khi ở nhà…”.

Ông Lê Thanh Hải (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kbang): “Hiện nay các giáo viên trên địa bàn đã tiến hành học bồi dưỡng nghiệp vụ và chính trị. Việc đi vận động các học sinh ra trường đang được thực hiện, nhất là những vùng sâu, vùng sa. Hiện nay kế hoạch tập trung trường vào ngày 26/8 nên mọi công tác chuẩn bị về ăn, ở cho các học sinh đang được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh ở “vùng khó” có môi trường học tốt nhất”.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm