Những vấn đề "nóng" giáo dục tuần qua: Tiếng Hàn, tiếng Đức gây xôn xao
(Dân trí) - Tiếng Hàn, Đức sẽ được nâng cấp thành ngoại ngữ thứ nhất; hàng nghìn sinh viên xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường; Đại học Việt Nam lọt top thế giới...là những thông tin giáo dục đáng chú ý
Tiếng Hàn, Đức được "nâng cấp" thành môn ngoại ngữ thứ nhất
Theo Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ là ngoại ngữ thứ nhất (hệ 10 năm thí điểm) kể từ ngày 9/2/2021.
Theo quyết định này, học sinh học tiếng Hàn với tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá.
Cụ thể, từ lớp 3 đến lớp 5 (cấp tiểu học), việc dạy học Tiếng Hàn giúp cho học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cơ bản thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó chú trọng nhiều hơn đến 2 kỹ năng nghe và nói.
Ở cấp THCS (lớp 6 đến lớp 9), việc dạy học Tiếng Hàn tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hóa, xã hội dân tộc mình.
Theo quy định hiện hành, "ngoại ngữ thứ nhất" là ngoại ngữ bắt buộc.
Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc (và bây giờ thí điểm thêm tiếng Hàn Quốc và tiếng Đức) làm ngoại ngữ thứ nhất.
Ở cấp THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp dựa trên nền tảng chương trình đã được học ở các cấp dưới, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
Ngay khi được công bố, quy định tạo nhiều ý kiến tranh cãi khi cho rằng, học sinh sẽ bắt buộc phải học tiếng Hàn hoặc tiếng Đức trong chương trình giáo dục phổ thông.
Chiều 4/3, Bộ GD&ĐT cho biết, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu.
Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
Hàng nghìn sinh viên Hải Dương xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường
Tuần qua, đông đảo sinh viên trú tại TP Hải Dương đã đến lấy mẫu xét nghiệm dịch tễ để có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi trở lại trường học vào ngày 8/3.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương tổ chức 12 bàn làm việc cho cán bộ y tế tiếp nhận thông tin, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh và người có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện.
Sau một ngày lấy mẫu, các bạn sinh viên sẽ nhận kết quả và nếu âm tính có thể di chuyển lên Hà Nội để chuẩn bị bước vào ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Ông Phạm Văn Cường - Tổ trưởng tổ lấy mẫu xét nghiệm tự nguyện, CDC Hải Dương cho biết, bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 lượt sinh viên tới đăng ký. Từ 2/3-4/3, đơn vị đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 2.000 sinh viên.
5 ngành đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội được QS thế giới 2021 xếp hạng
Ngày 04/03 tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả bảng xếp hạng các trường đại học theo 51 nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực tại 1500 cơ sở giáo dục đại học thuộc 85 khu vực với khoảng 14000 chương trình đào tạo ở các trường đại học.
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực của tổ chức QS, ĐHQGHN có 5 lĩnh vực được xếp hạng. So với năm 2019, năm nay ĐHQGHN có thêm một lĩnh vực được xếp hạng là Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý, xếp hạng thứ 501 - 550 thế giới.
Trong khi đó, ngành Cơ Kỹ thuật, hàng không và chế tạo, năm 2019 có thứ hạng 451-500 thế giới, năm 2020 không được ghi danh trong bảng xếp hạng và năm 2021 lấy lại thứ hạng so với năm 2019.
Ba ngành đào tạo Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Toán học, Vật lý và thiên văn học vẫn tiếp tục duy trì xếp hạng trong Bảng xếp hạng theo lĩnh vực của QS.
Đối với ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý, ĐHQGHN là cơ sở duy nhất ở Việt Nam có ngành này được xếp hạng. Ngành được xếp hạng thứ 501 - 550 trong tổng số 1161 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng. Tuy lần đầu tiên được đánh giá xếp hạng, nhưng hai tiêu chí về trích dẫn và H-index của ngành được đánh giá khá cao (lần lượt là 61.6 và 65.1).
ĐH Bách khoa Hà Nội có 3 nhóm ngành được xếp ở vị trí 400 - 600 thế giới
Cũng theo bảng xếp hạng này, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có ba nhóm ngành đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 400 đến 600 tốt nhất thế giới.
Cụ thể, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành được xếp hạng bao gồm Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; và Toán học.
Theo kết quả, Bách khoa Hà Nội xếp vào nhóm 401-450 trường đại học tốt nhất thế giới ở nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo. Dù giảm 50 bậc so với năm ngoái, Trường vẫn giữ vị trí số một trong nước ở cả hai nhóm ngành này.
Năm nay, với nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm 551-600 thế giới trong khi xếp hạng năm ngoái là 451-500. Nhưng Trường vẫn đứng đầu Việt Nam ở nhóm ngành này.
Còn ở nhóm ngành Toán học, Bách khoa Hà Nội giữ vững vị trí 451-500 trên thế giới và thứ hai trong nước. Năm ngoái, lần đầu tiên Toán học của Trường lọt vào bảng xếp hạng QS.
Thanh Hóa: Khởi tố, bắt tạm giam nam sinh lớp 11 đánh bạn vỡ sọ não
Ngày 5/3, Công an huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bá Thuận (SN 2003; trú tại thị trấn Lang Chánh; học sinh lớp 11A5, Trường THPT Lang Chánh) để điều tra về hành vi "Giết người". Các quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam bị can đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn vào ngày 4/3.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh cũng cho biết, nhà trường đã nhận được thông báo về sự việc và sáng ngày 5/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lang Chánh đã tới trường thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Bá Thuận.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, ông Phan Thanh T. (trú tại khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh), bố của nam sinh Phan Thanh L. (SN 2004; học sinh lớp 11A6, Trường THPT Lang Chánh) đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố Nguyễn Bá Thuận (SN 2003; học sinh lớp 11A5, Trường THPT Lang Chánh) sử dụng gậy sắt tấn công con trai mình vào khoảng 11h 30 phút ngày 14/1 trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến nam sinh L. gục ngay tại chỗ và được thầy cô, nhà trường đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh cấp cứu và được xác định bị vỡ sọ não.
Đề thi tốt nghiệp THPT gắn sát với dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về nội dung ra đề thi tốt nghiệp THPT 2021 tới đơn vị chuyên môn tại cuộc họp ngày 5/3.
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tiến hành đúng tiến độ. Dự thảo quy chế thi, văn bản hướng dẫn đã được đăng mạng lấy ý kiến rộng rãi và tiếp tục được hoàn thiện.
Dự kiến thời gian tập huấn quy chế, hướng dẫn thi sẽ được thực hiện trước ngày 1/4. Việc xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo được thực hiện theo đúng kế hoạch. Hiện nay, đề thi tham khảo đang được rà soát để công bố trong tháng 3.
Nhấn mạnh từ khóa "ổn định", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát thật kỹ và dự báo các tình huống có thể xảy ra để chủ động phương án, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, trung thực, khách quan và công bằng; đặc biệt phải bảo đảm đúng mục đích là đánh giá được chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông và là căn cứ quan trọng để sử dụng cho nhiều mục đích khác.
"Chúng ta giữ ổn định kỳ thi, nhưng không vì ổn định, công việc đã quen mà chủ quan, dẫn đến sơ suất không đáng có", Bộ trưởng nêu rõ.
Với nhiệm vụ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi, Bộ trưởng lưu ý, câu hỏi thi phải phản ánh được nội dung chương trình và phạm vi giới hạn trong điều kiện cụ thể của năm học chịu tác động của dịch bệnh. Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên, học sinh; trong đó rất chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại học sinh.