Những vấn đề giáo dục tranh cãi “không hồi kết” năm 2017
(Dân trí) - Nữ thủ khoa trường đại học sư phạm từng được vinh danh lại thất nghiệp ở nhà nuôi lợn, cô giáo mầm non công tác 37 năm ngã khuỵu khi nhận mức lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng. Hai câu chuyện giáo dục tưởng như “nghịch lý” đã đặt ra những vấn đề tranh cãi không lời kết trong qua năm qua.
Thủ khoa ở nhà chăn lợn – Vì đâu nên nỗi?
Đầu tháng 10/2017, câu chuyện nữ Thủ khoa Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) – tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2 không tìm được việc làm, hơn 1 năm nay ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ... thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp không còn mới. Nhưng đến một thủ khoa sư phạm từng được vinh danh, lại không kiếm được việc phải về nhà nuôi heo, thì khiến nhiều người lạ lẫm đến mức thảng thốt. Câu hỏi đặt ra, là điều gì đã khiến một thủ khoa của một trường Đại học có tên tuổi lại thất nghiệp?
Có người cho rằng đó là sự ế ẩm của thị trường ngành nghề sư phạm, nơi mà tại kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ cần mỗi môn 3 điểm là có thể trở thành thầy, cô giáo trong tương lai. Cái sự “vơ bèo, vạt tép” này đã khiến thị trường hỗn loạn, cung cao hơn cầu.
Nhiều người lại đặt vấn đề, phải chăng việc đào tạo lâu nay hoàn toàn không gắn với nhu cầu cả về mặt số lượng, chất lượng và chính nhà trường chưa gắn được những hoạt động đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực?
Song, số đông cũng bày tỏ một câu thở dài ái ngại cho nữ thủ khoa mang tâm lý “thích vào biên chế nhà nước”. Luồng dư luận này nhận định, một nguyên nhân cũng không kém phần quyết định, đó là việc tuyển chọn theo công thức 4 ê “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ” và “trí tuệ” xếp cuối cùng. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT lo ngại: “Thủ khoa còn thất nghiệp, thì liệu hàng trăm sinh viên khác xếp bên dưới thủ khoa sẽ như thế nào? Và hàng ngàn sinh viên ngành này ở rải rác các trường khác liệu có rơi vào cùng cảnh ngộ với cử nhân Hà? Phải chăng thị trường tuyển dụng của chúng ta chưa thực sự minh bạch chọn đúng người và xếp đúng việc?”.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - nữ thủ khoa nên tự nhìn lại mình và hãy thực tế hơn.
Trả lời PV báo Dân trí, ông Vũ Mạnh Cường - nhà báo kiêm giảng viên về báo chí, truyền thông quan điểm: “Chính sách trải thảm đỏ tuyển dụng thủ khoa ở một vài địa phương đã vô hình trung khiến nhiều thủ khoa trở nên thụ động. Họ ngồi chờ xem bao giờ thì thảm đỏ được trải ra và mình có thể ung dung bước lên tấm thảm đó”.
Theo ông, một số thủ khoa không hề thực sự là người giỏi và năng động mà chỉ mải mê học gạo, quên trang bị cho mình những kỹ năng mềm. Họ cũng ít chịu va chạm với xã hội để có trải nghiệm giao tiếp thực tế nên thất nghiệp là điều không quá khó hiểu.
Ở một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng, nữ thủ khoa thất nghiệp vừa đáng thương, vừa đáng trách. “Điều đáng thương và cũng đáng trách là nữ thủ khoa ngồi chờ đợi và kiên quyết chờ đợi vào cái nơi mà cô ta và những người thiếu tự tin luôn muốn tìm tới là sự an nhàn và ổn định trong môi trường biên chế công chức nhà nước”, ông Lê Luân - một luật sư tại Hà Nội nhận định.
Người này cho rằng, cái bằng thủ khoa không có mấy ý nghĩa khi bước chân ra ngoài đời (làm việc). Do đó, chúng ta vẫn đã, sẽ và còn bắt gặp chuyện cử nhân toán đi làm bốc vác, cử nhân luật đi bán bún đậu mắm tôm, thạc sỹ đi bán dâm,… không thiếu những "bi kịch" của giáo dục hiện nay.
“Đó chính là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, là bệnh thành tích (và tính học vẹt) cũng như không có môi trường để những người học (thực tài) có cơ hội làm việc và cống hiến”, ông Luân nhận định.
Thủ khoa thất nghiệp, vì đâu nên nỗi? Câu hỏi này vẫn đặt ra những tranh cãi không lời kết.
Song cũng có người đặt câu hỏi: “Thủ khoa chăn lợn thì sao nhỉ”? Sao cứ nghĩ đi học lại phải là ông nọ bà kia? Vả lại, cánh cửa này khép lại tức là đã có một cánh cửa khác mở ra. Với những kiến thức đã có, em hãy chịu khó tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi để phấn đấu trở thành một người nuôi lợn giỏi.
“Cải cách” tiền lương giáo viên, bao giờ biến chuyển?
Câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã làm "dậy sóng" dư luận cả nước năm qua.
Sau khi Báo Dân trí đăng tải sự việc, dư luận cả nước có nhiều băn khoăn. Nhiều người cũng thử đặt phép tính và vẫn không hiểu tại sao mức lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan với quá trình công tác 37 năm (hơn 22 năm đóng bảo hiểm xã hội - BHXH) lại thấp đến vậy. Liệu có sự nhầm lẫn/ chưa chính xác nào ở đây khiến cô giáo thiệt thòi?
Ngày 30/10, ông Hoàng Văn Minh (Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh) trả lời cho biết trường hợp cô Trương Thị Lan, nguyên giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn, hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng mỗi tháng hoàn toàn đúng quy định và không phải cá biệt. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 200 giáo viên mầm non đang hưởng lương hưu bằng với mức lương cơ sở - 1,3 triệu đồng.
Theo đó, nguyên nhân khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non thấp, đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này thấp. Thêm nữa, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.
Dư luận xã hội, các nhà giáo đã có ý kiến về sự bất cập trong việc trả lương cho giáo viên mầm non và tiểu học trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc cần phải có cuộc “cải cách” tiền lương đối với giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác, không phải rơi nước mắt lúc về già nhận lương hưu thấp đến khó tin.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tiền lương giáo viên không phải câu chuyện Bộ GD&ĐT có thể quyết định. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ, đề xuất phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực.
“Đứng về mặt nhà nước thì quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, đến lúc về hưu nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì sống sao được?”, Bộ trưởng Nhạ xót xa.
Mới đây, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề xuất lương của nhà giáo sẽ xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo đó, tại điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã có nội dung mới. Cụ thể, Điều 81 trong dự thảo nêu:
“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi băn khoăn, liệu bao giờ thì lương giáo viên tăng để lương hưu giáo viên cải thiện. “Cái gì nó cũng phải có quy trình, muốn tăng hay giảm, cũng phải trình. Phải đợi mà chẳng biết đợi đến bao giờ?!”, một độc giả cảm thán.
Một giáo viên lo lắng: “Chuyện tăng lương mỗi năm lại gieo vào trong tâm trí của giáo viên chúng tôi những hy vọng, chờ đợi, buồn vui lẫn lộn, và sợ rằng việc tăng lương cho giáo viên cao nhất trong thang bậc lương chỉ mãi ngủ im trên những trang giấy mà thôi. Đến bao giờ mới thực hiện và thực hiện nó như thế nào?”
Lệ Thu