Những tiếng khóc nghẹn của học trò nhỏ phía sau camera
(Dân trí) - Phía sau camera của học trò trong lớp online có thể là những tiếng chì chiết, đòn roi và cả những đau đớn, tuyệt vọng...
Dạy học toàn nghe tiếng phụ huynh chửi con
Mỗi lần vào lớp dạy tiếng Anh online cho hai chị em nhà ở quận 7, TPHCM, cô giáo Trần Ngọc Thảo lại mất hết năng lượng.
Khi cô dạy học, mẹ hai bé cũng làm bếp, dọn dẹp ngay bên cạnh. Chỉ cần các bé chậm một chút, mất tập trung, chưa kịp trả lời câu hỏi ngay hoặc sai là phụ huynh vào la mắng, chửi bới thậm tệ. Bà dùng những từ như ngu dốt, bại não, ăn hại, kể cả lôi các con vật ra để ví với con.
Cô Thảo nhắn tin riêng, gọi điện nói chuyện với mẹ bé trao đổi để cô hỗ trợ, mẹ không nên can thiệp. Cô góp ý mẹ tương tác nhẹ nhàng với con. Nhưng cũng chỉ được vài ba hôm, tần suất la mắng, chì chiết con của phụ huynh lại tăng lên.
Những cố gắng của các bé đều không được mẹ ghi nhận. Chị như "phát điên" khi con trả lời chậm không được như kỳ vọng, thậm chí giật tóc, tát, kéo tai con .
Bực bội các chuyện về tiền nong, nhà cửa, ăn uống... người mẹ cũng cáu gắt với con. Khi con đang học, chị la rầy đủ chuyện nhưng lại yêu cầu các bé phải tập trung không được phân tâm.
Là giáo viên dạy ngoại khóa, cô Thảo có thể từ chối dạy học khi người mẹ can thiệp bạo lực trong giờ. Vậy nhưng, hai cô học trò lại mong được học vì giờ học của cô, các con... còn ít bị mắng nhất. Cô còn lên tiếng bảo vệ các con.
Cô Thảo tiếp tục dạy, nỗ lực trao đổi với người mẹ và không ngừng động viên, an ủi hai bé nhưng lòng nặng trĩu...
Giờ học nghe tiếng phụ huynh la mắng con là tình huống rất nhiều giáo viên gặp phải khi dạy học online. Có học trò vừa học vừa rớt nước mắt vì những lời chì chiết, la mắng và cả đòn roi từ phụ huynh.
Đây cũng là tình huống rất khó xử với nhiều giáo viên. Vì đối với vấn đề dạy con của phụ huynh, không phải lúc nào giáo viên cũng có thể can thiệp...
Cô Nguyễn Thùy Trinh, giáo viên ở Thủ Đức, TPHCM kể, có nhiều khi... phụ huynh lao vào la mắng con, giáo viên trở tay không kịp. Các em ê chề, tủi hổ trước thầy cô, bạn bè.
Mới đây, một phụ huynh vào hỏi cô về lịch kiểm tra, rồi bất ngờ... bẻ lái sang kể tội con. Hàng tràng những tiếng chê bai: "Nó lười học, chậm, ngu lắm cô ơi!" vang trước lớp, cô không kịp tắt mic...
"Bây giờ dạy học, lúc nào tôi cũng phải sẵn sàng thao tác có thể tắt mic của học sinh, phòng những tình huống không hay từ phía bên kia...", cô Trinh nói,
"Cho cô ôm con một cái nha!"
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1 ở Củ Chi, TPHCM chia sẻ, trong quá trình học online, nhiều em không tham gia học, hoặc học không làm bài...
Thay vì trách phạt, cô Phương tìm hiểu biết phía sau màn hình camera của lớp học online là cả một thế giới các hoàn cảnh. Có em bố mẹ là F0 đi điều trị gửi con cho hàng xóm, có gia đình phụ huynh thất nghiệp không đóng nổi tiền trọ, có em được gửi về quê, không có thiết bị học, hay đến giờ học chạy ra ngồi trước cổng nhà hàng xóm xài ké wifi. Có không ít em đang sống trong cảnh bạo lực từ chính người thân.
Có lần, cô Phương đang dạy online, nhìn thấy cảnh bé bị bà đánh, trái tim cô thắt lại...
Sau đó, cô Phương gọi tên bé ngọt ngào hơn, ấm áp hơn để con lấy lại cảm xúc, có thể tiếp tục học. Cô cũng đề nghị bà để cháu tự học với mình và các bạn, bà không can thiệp vào... Và không ít trường hợp khác cô cũng buộc phải yêu cầu để học trò tự học, phụ huynh không tham gia.
Biết rõ không phải hoàn cảnh nào của học trò, giáo viên cũng có thể can thiệp hỗ trợ. Theo cô Phương, nếu không thể làm gì, ít nhất cô cũng quan tâm, thông cảm, bao dung, chia sẻ hơn để học trò tìm thấy được một nơi an ủi.
"Có khi ở bên này màn hình, tôi nói với trẻ: "Cho cô ôm con một cái nha!". Để thấy cô trò đang rất gần nhau, đang ở bên nhau. Chỉ mong học trò bớt tủi hờn phần nào", cô Thanh Phương chia sẻ.
Dạy học online, thầy trò phải gánh nhiều áp lực về chương trình, bài vở, kiến thức. Cô trò cách nhau cái màn hình, tưởng rất gần nhưng có khi xa nhau vời vợi.
Sau camera, không đơn thuần là cảnh học trò không vào lớp, không chịu học, gắt gỏng, khó chịu, phá phách, chống đối. Mà có thể các em đang đối diện với khó khăn, nghịch cảnh, tổn thương, mất mát và cả tuyệt vọng... nếu không được phát hiện, hỗ trợ kịp thời.
Hoàn cảnh học trò vốn muôn màu, phức tạp. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục mang đến thêm nhiều áp lực đến với mỗi gia đình, mỗi phụ huynh, đến trường học, giáo viên... tác động trực tiếp đến trẻ nhỏ. Các em phải gánh hệ lụy của các vấn nạn thất nghiệp, bệnh tật, mất mát, tâm lý bất ổn... từ người lớn. Trong khi, học trò lại mất đi môi trường tương tác quan trọng là trường học.
Trước những tổn thương, mất mát, năm nay, ngành giáo dục TPHCM nhấn mạnh chủ đề quan tâm đến vấn đề sức khỏe, tâm lý học trò. Bên cạnh các kênh hỗ trợ chuyên môn về tâm lý từ các bác sĩ, chuyên gia, điều cần và gần nhất với học trò là sự bao dung, tế nhị, nhạy cảm của mỗi người thầy, trong mỗi giờ học, trong từng ánh mắt, lời nói...