Những “sóng gió” tranh cãi giáo dục năm 2018

(Dân trí) - Có nên đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam; độc quyền xuất bản sách giáo khoa nhưng vẫn kêu lỗ; Công nghệ giáo dục vì sao 40 năm vẫn chỉ dừng lại ở thí điểm…, là những câu chuyện tạo nên “sóng gió” tranh cãi không hồi kết trong năm 2018.

Đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai: Nên hay không?

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức mang đến những ích lợi không thể chối cãi đối với an ninh kinh tế của quốc gia.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác - trong đó có nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, việc sử dụng tiếng Anh như một công cụ phát triển tài chính có thể dẫn đến sự mai một của các giá trị và tập tục truyền thống từ thời xa xưa.

Nếu học sinh, sinh viên quá chú trọng vào tiếng Anh, họ sẽ dành ít thời gian và sự quan tâm cho văn hóa truyền thống. 

hoc-tieng-anh2-1540046258253650524561.jpg

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN. 

 

Thể hiện quan điểm của mình trên báo giới, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chia sẻ, hiện Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh. Vậy nên, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam trước sau cũng phải thực hiện bởi thúc đẩy lớp trẻ học tiếng Anh.

“Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ, để sau này Việt Nam có thế hệ công dân sử dụng ngôn ngữ này giao tiếp với bạn bè trong khối ASEAN”, ông nói.

Theo GS Thuyết cho rằng, đề xuất trên phải được đưa vào trong luật, được Quốc hội thông qua. Cần phải xem nó có phù hợp với Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng nhận định, tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc đào tạo công dân toàn cầu. 

Công nghệ giáo dục: Tranh cãi 40 năm vẫn chưa dứt

Chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang lắng xuống sau 40 năm áp dụng thì bất ngờ, một clip đánh vần bằng ô vuông và hình tròn của một giáo viên được đăng tải trên mạng xã hội.

Đoạn clip ngắn của một giáo viên ở miền Tây, mở ra “sóng gió” tranh cãi về công nghệ giáo dục. Một luồng ý kiến ít ỏi nhưng mạnh mẽ, từ học trò, giáo viên… đăng đàn để ủng hộ ông, ủng hộ triết lý giáo dục làm sao để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của học sinh.

gs-dai-2-crop-15364593954431317764307.png

Dù sách công nghệ giáo dục và mô hình trường thực nghiệm có thể phải vi chỉnh để hoàn thiện hơn nhưng nhiều người tin, triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn sẽ tồn tại lâu dài. 

 

Mặt khác, một luồng thông tin nữa phản đối kịch liệt. Họ chế ảnh, họ viết facebook “ném đá”, đòi tẩy chay phương pháp giáo dục của ông. Một số người mong muốn, GS Hồ Ngọc Đại và những người ủng hộ ông cần đưa ra những bằng chứng thực tiễn để trấn an lòng người về hiệu quả chương trình này chứ không phải im lặng.

Ở tuổi ngoại bát tuần, GS Hồ Ngọc Đại đành phải phải đăng đàn, mở tọa đàm để lý giải về sách công nghệ giáo dục và cách đánh vần bằng ô vuông, hình tròn mà mình đang áp dụng ở trường thực nghiệm cũng như ở hơn 40 ngôi trường khác trên cả nước.

Được biết, tài liệu Công nghệ giáo dục đã trải qua 40 năm thăng trầm, trải qua nhiều lần thẩm định.

Mới đây nhất, năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại tới 2 lần.

Dù sách công nghệ giáo dục và mô hình trường thực nghiệm có thể phải vi chỉnh để hoàn thiện hơn nhưng nhiều người tin, triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn sẽ tồn tại lâu dài, bởi nó tương đồng với con đường giáo dục hiện nay ở những nước tiên tiến nhất, đấy là làm sao để học sinh được hạnh phúc chứ không phải áp lực vì điểm số.

Xuất bản SGK: NXB Giáo dục lỗ hay lãi ?

Thông tin với báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết kết quả kinh doanh SGK lỗ hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm liền và muốn tăng giá SGK. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy đơn vị này vẫn lãi 150 tỷ đồng dù doanh thu từ SGK chiếm khoảng 60% tổng doanh thu.

Nhiều người lập luận, NXB Giáo dục độc quyền làm SGK, “một mình một chợ” độc quyền làm mảng sách chiếm thị phần lớn như vậy thì khó có chuyện lỗ. 

sach-giao-khoa-5-15397931872112126665525.jpg

Một số người cho rằng, việc NXB Giáo dục lỗ hay lãi, chỉ có người trong cuộc biết. 

 

“SGK thường thay đổi nội dung liên tục. Nếu lỗ nhiều như vậy, tại sao họ cứ phải thay đổi nội dung để in mới làm gì? Việc thay đổi, in mới đó rất tốn kém, từ trả nhuận bút cho tác giả, biên tập, tiền giấy, mực, tới công in ấn…”, một chuyên gia nói.

Đáng nói hơn, mặc dù kêu lỗ nhưng NXB này vẫn chi chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh thu hàng năm.

Trong khi đó, chuyên gia khác cho rằng, NXB Giáo dục độc quyền làm SGK, tuy nhiên họ không được phép quyết định giá sách. Nếu NXB Giáo dục độc quyền, mà tự họ được phép đưa ra giá bán cho SGK thì họ mới có thể lãi được. Còn nếu Nhà nước kiểm soát giá SGK, cũng giống như việc bình ổn giá xăng dầu, điện… thì vấn đề độc quyền mà vẫn lỗ là chuyện có thật.

Một số người cho rằng, việc NXB Giáo dục lỗ hay lãi, chỉ có người trong cuộc biết. Tuy nhiên, Giá SGK được xem là vấn đề rất hệ trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình có con em đi học.

Trước khi đề nghị tăng giá, NXB Giáo dục phải khắc phục “lỗi hệ thống” trong hoạt động nội bộ của mình, sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả thiết thực hơn…, thay vì tìm cách tăng giá, đẩy cái khó về phía phụ huynh học sinh, đồng thời sớm làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong độc quyền in ấn, xuất bản SGK trong suốt nhiều năm qua.

Mỹ Hà

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm