Những phụ nữ gốc Việt thành công ở nước ngoài - Phần 2
(Dân trí) - Trong suốt nhiều thập kỷ, nhiều phụ nữ mang dòng máu Việt luôn nỗ lực không ngừng để đạt được thành công và làm rạng danh nước nhà trên toàn thế giới. Jenny Tạ, Michelle Phan, Kathy Phạm và Võ Cẩm Quy là những gương mặt nổi danh ở lĩnh vực kinh doanh, truyền thông xã hội, khoa học máy tính, công nghệ blockchain…
Jenny Tạ - “nàng lọ lem phố Wall”
Jenny Tạ, người được mệnh danh là “nàng lọ lem phố Wall” - là một trong những tỷ phú gốc Việt nổi danh tại Mỹ đi lên từ hai bàn tay trắng.
Được mô tả như nàng Lọ Lem bởi tuổi thơ thiếu thốn nhưng vươn mình thành công nhờ miệt mài cố gắng, Jenny Tạ đã hoàn thành chương trình Đại học tại Mỹ chỉ trong hơn 3 năm.
Lấy bằng cử nhân Công nghệ thông tin chỉ sau 3,5 năm, Jenny Tạ được mời vào làm tại công ty chứng khoán Shearson Lehman danh tiếng. Vừa đi làm, cô vừa tranh thủ hoàn tất khóa học thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Năm 25 tuổi, Jenny Tạ thành lập Vantage Investments và làm Giám đốc, quản lý 50 nhân viên, tất cả đều là nam giới người Mỹ thế nhưng thất bại đến sau đó cũng rất nhanh, một tháng công ty của cô thua lỗ tới vài chục ngàn USD và phải vay 100.000 USD của mẹ để vực dậy công ty.
Rút kinh nghiệm từ khoản thua lỗ đó, Jenny Tạ đã bình tĩnh phân tích thị trường và chỉ sau 2 tháng, đến năm 1999, cô đã xoay xở và trả đủ cả gốc lẫn lãi cho mẹ. Năm 2001, cô bán Vantage Investments thu về hàng triệu USD để theo đuổi một mục tiêu mới.
Năm 2004, Jenny Tạ tiếp tục thành lập và trở thành CEO của công ty chứng khoán Titan với nhiều dịch vụ như: tư vấn đầu tư chứng khoán, mua bán sáp nhập (M&A) và tăng vốn.
Năm 2013, Jenny Tạ quyết định mạo hiểm “lấn sân” sang lĩnh vực truyền thông xã hội được đánh dấu bởi sự ra đời của công ty Sqeeqee.com, chứng tỏ tham vọng cũng như tài năng của người phụ nữ gốc Việt mảnh mai này.
Người dùng ở Mỹ vô cùng hào hứng đón nhận ý tưởng táo bạo này của Jenny Tạ và Sqeeqee.com được đánh giá là một công ty lớn và có giá trị không dưới 1 tỷ USD. Đặc biệt, Jenny Tạ muốn phát triển mạng xã hội do mình sáng lập tại quê hương Việt Nam để mọi người cũng có thể kết nối và tìm kiếm lợi nhuận.
Michelle Phan - “phù thủy” trang điểm của Youtube
Michelle Phan là nghệ sỹ trang điểm nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Cô được mệnh danh là “phù thủy makeup” hay “triệu phú YouTube” nhờ sở hữu kênh video dạy trang điểm, làm đẹp nổi tiếng toàn thế giới với hơn 8 triệu người theo dõi.
Đại diện cho thế hệ trẻ gốc Việt hiện đại và năng động, Michelle Phan bắt đầu mở kênh Youtube cá nhân từ năm 2007 chuyên hướng dẫn trang điểm cũng như đánh giá nhiều loại mỹ phẩm nổi tiếng và nhanh chóng thu về 8 triệu lượt người theo dõi.
Sau 8 năm học hỏi, cô gái sinh năm 1987 đã sở hữu một công ty riêng được định giá 500 triệu USD và được vinh danh trên tạp chí Forbes trong danh sách 30 người trẻ tuổi xuất sắc nhất. Câu chuyện khởi nghiệp cũng như những khó khăn cô từng trải qua để đạt được thành công ngày nay đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Michelle Phan sở hữu sự nghiệp mà hàng triệu người mơ ước, được vinh danh trên rất nhiều những tạp chí nổi tiếng, thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa của Nylon và Forbes; tuy nhiên, Michelle Phan dần cảm thấy không hạnh phúc và phải trải qua cơn khủng hoảng tâm lý vô cùng tồi tệ.
Cuối cùng, nữ triệu phú gốc Việt đã quyết định chia tay Youtube để cân bằng lại cuộc sống. Tuy nhiên, đến ngày 16/9 vừa qua, nàng beauty blogger 32 tuổi đã khiến người hâm mộ vỡ òa khi đăng tải video “tái xuất” sau 2 năm ở ẩn.
Kathy Phạm, chuyên viên khoa học máy tính
Kathy Phạm (năm nay 34 tuổi), cô vừa làm việc trong nhóm nghiên cứu của Google vừa giúp mẹ điều trị bệnh ung thư máu tại Trung tâm Ung thư Stanford ở Palo Alto (bang California) từ năm 2004.
Ngày 8/10/2014, cô được mời tham gia nhóm thành lập Cơ quan Dịch vụ kỹ thuật số Mỹ (USDS). USDS trực thuộc văn phòng điều hành phủ tổng thống Mỹ, nhằm thay đổi dịch vụ công đạt hiệu quả như dịch vụ tư nhân.
Kathy Phạm sinh ra và lớn lên ở Mỹ, là thế hệ người gốc Việt thứ hai tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia năm 2007, lấy hai bằng thạc sĩ tại học viện này và tại Viện Nghiên cứu kỹ thuật và khoa học ở Pháp (Supélec) với chuyên ngành khoa học mã hóa và tương tác người-máy, ban đầu Kathy Phạm làm việc trong lĩnh vực tư nhân với mong muốn sử dụng công nghệ thúc đẩy sáng kiến cải tiến.
Cô đã làm việc cho các công ty Google Health (nghiên cứu chuyển đổi dữ liệu y tế), IBM (xây dựng kho dữ liệu cho các bệnh viện) và Harris Healthcare Solutions (phát triển phần mềm mã nguồn mở chia sẻ thông tin về chăm sóc y tế giữa các bệnh viện).
Tháng 1/2015, Kathy Phạm là khách mời ngồi cạnh phu nhân tổng thống Michelle Obama tham dự lễ đọc thông điệp liên bang của tổng thống. Cô làm việc cho USDS đến tháng 3/2018 sau khi chứng kiến đội ngũ ban đầu 10 người đã tăng đến 200 người trong hai nhiệm kỳ tổng thống.
Hiện nay cô giữ vị trí đồng lãnh đạo chương trình Thách thức khoa học máy tính có trách nhiệm tại Tập đoàn Mozilla, đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu về đạo đức công nghệ tại Trung tâm Berkman Klein (Đại học Harvard), nghiên cứu viên cao cấp về quản trị sản phẩm và xã hội tại Trường Harvard Kennedy, tham gia hội đồng tư vấn của Viện Anita Borg về phụ nữ và công nghệ đồng thời làm cho Media Lab (Viện Công nghệ Massachusetts) tập trung nghiên cứu về vấn đề giao thoa giữa xã hội, đạo đức và công nghệ.
rang web của Nhà Trắng nhận xét niềm đam mê cải thiện dịch vụ công của Kathy Phạm xuất phát từ lịch sử gia đình. Cha mẹ cô định cư ở Mỹ với mong muốn cuộc sống tốt hơn. Mẹ cô có thể được điều trị bệnh ung thư máu khắp nước Mỹ mà không lo bảo hiểm từ chối chi trả nhờ Luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế với giá phải chăng (Obamacare).
Em trai cô - đại úy David Phạm - bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ tại Afghanistan và đã được trao tặng Huân chương Trái tim tím.
Võ Cẩm Quy, người phụ nữ với công nghệ Blockchain
Cuối tháng 5/2018, Hội nghị BlockShow Europe 2018 (hội nghị blockchain châu Âu) được tổ chức tại Berlin (Đức) trong hai ngày.
Nhân sự kiện này, hội nghị đã tổ chức cuộc thăm dò về hai hạng mục: phụ nữ và doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng hơn hết đến công nghệ blockchain châu Âu.
Mỗi hạng mục có 15 ứng viên. Doanh nghiệp được bình chọn là Công ty Bitfury của Hà Lan.
Về cá nhân, hơn 2.000 người tham gia đã bình chọn TS Quy Vo-Reinhard (tên Việt Nam là Võ Cẩm Quy) - giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Truy xuất thông tin sức khỏe (HIT) ở Thụy Sĩ.
TS Võ Cẩm Quy là thành viên đồng sáng lập và giám đốc phụ trách dữ liệu của HIT, đồng thời là diễn giả nổi tiếng. HIT ra đời vào cuối tháng 11-2017, xây dựng thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain về dữ liệu sức khỏe cá nhân, cho phép người sử dụng và bệnh nhân theo dõi quá trình sử dụng dữ liệu và tham gia kiếm tiền từ dữ liệu sức khỏe cá nhân.
Cá nhân/bệnh nhân là người cấp quyền truy cập dữ liệu của mình theo hợp đồng xác định điều kiện sử dụng dữ liệu. Người tìm kiếm thông tin dữ liệu có thể là nhà nghiên cứu thị trường, các cơ sở trường đại học hoặc các bệnh viện.
Trước khi tham gia HIT, TS Võ Cẩm Quy từng giảng dạy tại Việt Nam (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), lấy bằng tiến sĩ y - sinh học tính toán (computational biomedicine) tại ĐH RWTH Aachen (Đức), là giảng viên cao cấp tại ĐH Concordia (Canada) và ĐH Stuttgart (Đức), lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Thương mại và luật EBS (Đức).
Sau đó, cô trở thành người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp về phát triển enzyme với một đội ngũ trẻ ở Đức.
TS Võ Cẩm Quy là khách mời tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng tổ chức ở Pháp cuối tháng 3/2019 và Tuần lễ blockchain Việt Nam vào đầu tháng 3/2018.
Đam mê của TS Quy là đưa đổi mới vào xã hội để mọi người chia sẻ lợi ích như nhau. Về kế hoạch cá nhân, cô dự định nhắm đến các mục tiêu ứng dụng blockchain cho chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; giúp đỡ phụ nữ mà đặc biệt ở Việt Nam để thu hẹp khoảng cách giới, thay đổi nhận thức của nam giới và giúp phụ nữ nắm bắt công nghệ.
Lệ Thu
(Tổng hợp)