Những người thầy mở lối về nẻo thiện
(Dân trí) - Họ là những người uốn nắn cho học trò viết từng chữ cái, uốn từng động tác để có một nghề sau này. Chỉ khác một điều, họ được gọi là cán bộ chứ không phải là thầy, cô giáo. Và học trò của họ là những con người đã một thời lầm lỗi.
Trại giam số 6 Bộ Công an đóng tại xã miền núi Hạnh Lâm huyện Thanh Chương, Nghệ An là nơi chấp hành án phạt của hơn 3.000 phạm nhân. Trong số đó có một bộ phận không nhỏ hoàn toàn mù chữ và những lớp xóa mù cho phạm nhân đã được mở ra.
Trung tá Nguyễn Viết Sinh - Đội phó giáo dục phân trại số 1 cho biết: “Hàng năm trong số phạm nhân thụ án tại đây có khoảng từ 45-60 phạm nhân bị mù chữ hoặc bị tái mù. Phần lớn họ là những phạm nhân đến từ những vùng nông thôn, miền núi cao, đặc biệt là những phạm nhân người dân tộc thiểu số. Có những phạm nhân vào trại đã khá nhiều tuổi nên việc tiếp thu rất hạn chế nên có tâm lý ngại học”.
Với sự uốn nắn của những người thầy - cán bộ quản giáo, nhiều phạm nhân đã được xóa mù chữ.
Để mở những lớp học văn hóa (chủ yếu là học Tiếng Việt và học Toán), Ban giám thị trại giam đã phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Thanh Chương và Trường tiểu học Thanh Lâm trong việc biên soạn giáo án, tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ xóa mù. Trung bình mỗi năm Trại mở 2 lớp xóa mù, mỗi lớp kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên để phạm nhân có thể đọc, viết thành thạo và thực hiện những phép tính đơn giản thì đó là một quá trình lao động vất vả của những người cán bộ làm công tác giáo dục trong trại giam.
“Có những phạm nhân là người dân tộc thiểu số, ngay tiếng Kinh họ còn chưa nghe và nói được chứ không nói gì đến việc có thể đọc và viết được tên mình. Với những “học sinh” này chúng tôi phải nhờ đến những phạm nhân người dân tộc phiên dịch hộ. Hay có những phạm nhân chúng tôi phải cầm tay đưa từng nét chữ. Bàn tay đã từng gây tội ác, đã qua cái thời cầm bút, cầm phấn quá lâu nên không thể đưa đi theo những nét chữ cán bộ hướng dẫn. Có khi “hai thầy trò” gần như đánh vật với nhau mới ra được một chữ cái”, Trung tá Sinh kể.
Còn Trung úy Kim Dung - người trực tiếp đứng lớp xóa mù vẫn còn nhớ như in một “học trò” đặc biệt của mình: “Đã mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in phạm nhân L.X.G. Tôi nhớ không phải là những hành vi tội ác mà G. đã thực hiện trước khi vào trại mà là quá trình học cực kỳ gian khó của phạm nhân G.
Nếu như mất một buổi để hướng dẫn phạm nhân học được một chữ cái thì với G. phải mất thời gian gấp 3-4 lần. Dạy hôm nay thì nhớ nhưng đến ngày mai thì G. quên sạch. Hôm đó học đến chữ O, G. lại tiếp tục không thuộc bài nên tôi phạt ngồi viết chữ O trong suốt 3 buổi học liên tiếp. Cuối cùng thì G. cũng có thể hoàn thành chương trình xóa mù, mặc dù thành tích không tốt như các phạm nhân khác”.
Những con chữ đầu đời được học trong Trại giam số 6, Bộ Công an.
Bao nhiêu năm dạy chữ nhưng Trung úy Dung, Đại tá Sinh chưa bao giờ nhận được một bông hoa, một món quà nhỏ cho ngày Hiến chương các nhà giáo từ các học sinh của mình. Cũng thấy tủi thân nhưng những người thầy - cán bộ trại giam này lại có những niềm vui ít ai có được.
“Có những phạm nhân viết được một chữ cái hay lần đầu tiên viết được tên mình một cách hoàn chỉnh đã không giấu được niềm vui, chạy lại khoe “cán bộ ơi, tôi viết được chữ rồi, viết được cả tên tôi rồi”. Những lúc như thế thì bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn chúng tôi dường như đã quên hết, chỉ còn lại niềm vui và tự hào về những gì mình đã làm được”, Trung úy Kim Dung tâm sự.
“Kiếm cần câu” cho phạm nhân
Cùng với việc giáo dục văn hóa, pháp luật cho phạm nhân thì công tác đào tạo nghề tại Trại giam số 6 được đặc biệt quan tâm. Đại úy Trần Duy Phong - Đội trưởng hồ sơ giáo dục Trại giam số 6 cho biết: “Có tay nghề và có một việc làm với thu nhập ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân là điều kiện quan trọng để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. “Nhàn cư vi bất thiện”, bởi vậy dạy nghề cho phạm nhân trở thành nhiệm vụ trọng tâm của hơn 20 cán bộ giám dục trực tiếp tại các phân trại”.
Hiện tại, phạm nhân thụ án tại Trại giam số 6 được theo học 1 trong các nghề: khâu bóng da, sữa chữa xe máy - ô tô, mộc dân dụng, làm lông mi giả, tóc giả, xây dựng, đan len, mây tre đan… tùy thuộc vào khả năng của từng người.
“Đào tạo nghề cho đối tượng là phạm nhân rất khó bởi lẽ nhiều người trong số họ do lười lao động nên dẫn đến phạm tội. Khi vào đây, một số đối tượng tỏ ra không hứng thú với việc học nghề. Bởi vậy trước tiên chúng tôi phải “đả thông tư tưởng”, giúp phạm nhân có quan niệm đúng đắn hơn về lao động và biết quý trọng giá trị lao động. Có những đối tượng chúng tôi phải rất kỳ công và kiên nhẫn mới truyền được nghề cho họ”, cán bộ quản giáo Bùi Thị Thanh Mai chia sẻ.
Trong 6 năm làm quản giáo tại đây, quản giáo Mai - bộ phận làm lông mi giả cũng không nhớ mình đã truyền nghề cho bao nhiêu người. Nhọc nhằn, vất vả và nhiều khi có cảm giác mình bất lực trước những “học trò” khó bảo - những tay anh chị cộm cán giang hồ không quen lao động chân tay. Có những phạm nhân thời gian hướng dẫn để họ thành thạo trong công việc phải gấp 3-4 lần những phạm nhân khác.
Thế nhưng động lực lớn nhất để những cán bộ quản giáo phấn đấu chính là niềm tin và hy vọng sau này khi mãn hạn tù, những phạm nhân này sẽ có một công việc ổn định, có thể kiếm được những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình. Và hơn hết, có một nghề trong tay giúp phạm nhân tự tin, bớt đi mặc cảm về những lỗi làm của mình để tái hòa nhập cộng đồng.
Và trên thực tế, từ những tay anh chị cộm cán, nhiều phạm nhân bước ra khỏi trại giam với một cái nghề học được ở đây đã có những thành công nhất định. Nhiều phạm nhân đã trở thành ông chủ, bà chủ và xây dựng những cơ sở sản xuất thu nhận những người cũng đã một thời lầm lỡ như họ. Với quản giáo Mai và những người làm công tác đào tạo nghề tại Trại giam số 6, đấy là niềm vui, là động lực để họ quyết tâm phấn đấu nhiều hơn trong việc truyền nghề cho phạm nhân.
Mở lối về nẻo thiện - còn lắm trăn trở
Bao nhiêu người đã được xóa mù, bao nhiêu người đã được đào tạo nghề trong thời gian thụ án tại đây chính những người cán bộ quản giáo làm công tác giáo dục tại Trại giam số 6 cũng không thể nhớ được. Thế nhưng trong tâm trí của họ vẫn canh cánh một nỗi niềm về chuyện đời, chuyện nghề.
Đại úy Trần Duy Phong tâm sự: “Đào tạo nghề là một vấn đề nhưng giải quyết việc làm cho phạm nhân sau khi mãn hạn tù mới là vấn đề cốt lõi trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay xã hội vẫn còn cái nhìn khắt khe với những người có quá khứ lầm lỗi. Trong khi sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đang rất khó khăn trong tìm việc làm thì cơ hội dành cho những phạm nhân sau khi ra trại rất hạn chế”.
Làm thế nào để phạm nhân sau khi mãn hạn tù có thể sống được bằng nghề đã được học trong trại giam là trăn trở của các cán bộ quản giáo làm công tác giáo dục tại Trại giam số 6, Bộ Công an.
Mặt khác, theo đại úy Phong, hiện tại một số hình thức đào tạo nghề chưa phù hợp với phạm nhân. “Đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp như trồng rau, chăn nuôi cho phạm nhân là người thành thị thì đến khi ra trại họ cũng không có cơ hội để tìm việc làm hay có nơi để phát huy kiến thức đã học được. Còn những nghề như khâu bóng da, sản xuất lông mi, tóc giả chẳng hạn, các phạm nhân sau khi mãn hạn tù cũng không thể tìm được việc làm bởi các cơ sở sản xuất các mặt hàng này không nhiều, trong khi đó họ không thể tự mở cơ sở sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ”, đại úy Phong cho biết thêm.
Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm, đó là trăn trở chung của những cán bộ quản giáo làm công tác giáo dục tại Trại giam số 6 Bộ Công an. Bởi vậy, Đảng bộ, Ban giám thị trại giam đã quyết định tổ chức các hội nghị gia đình phạm nhân tiêu biểu với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh vào trước dịp đặc xá. “Từ hội nghị này, các doanh nghiệp đã có cách nhìn khác về những phạm nhân, đặc biệt là những phạm nhân cải tạo tốt và được đặc xá ra tù trước thời hạn. Tại hội nghị này, các doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng hàng trăm phạm nhân, có doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 200 phạm nhân khi họ mãn hạn tù. Đó là tín hiệu tốt cho công tác đào tạo nghề của chúng tôi, thực sự có ý nghĩa trong việc chống tái phạm”, Đại tá Nguyễn Viết Hoàn - Giám thị Trại giam số 6 Bộ Công an cho biết.
Chia tay những cán bộ quản giáo làm công tác giáo dục, đào tạo tại Trại giam số 6 khi lớp xóa mù thứ 2 trong năm 2011 sắp được khai giảng, khi gần 3.000 phạm nhân đang miệt mài trong các xưởng nghề, chúng tôi thấy vui lây với niềm vui giản dị nhưng cũng rất đáng tự hào của họ. Đường về nẻo thiện đang dần mở ra trước mắt của hàng nghìn phạm nhân. Con đường đó đang được những “người thầy” - cán bộ trại giam mở lối đi.
Hoàng Lam - Nguyễn Duy