Tuyển sinh bán công bậc THCS năm học 2005 - 2006:
Những ngôi trường... đìu hiu
Chưa bao giờ công tác tuyển sinh của các trường bán công lại lâm vào cảnh khó khăn như thế! Nhiều trường vẫn thiếu học sinh, dù điều kiện nhập học chỉ là tốt nghiệp tiểu học, trong khi ngày khai trường đã gần kề...
Một mùa tuyển sinh vắng bóng học trò
Theo phân tích của Ban giám hiệu (BGH) các trường bán công (BC): Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 công lập năm học 2005 – 2006 khá cao (83,3%). Đây chính là nguyên nhân gây ra cảnh thiếu học sinh cho các trường.
Tỉ lệ ngoài công lập bị thu hẹp còn 16,7%, vậy mà trường BC còn phải chia sẻ HS với các trường dân lập, tư thục chất lượng cao, đang quảng cáo chiêu sinh rầm rộ.
Trên bình diện lợi ích cộng đồng, BGH các trường vui mừng khi có nhiều HS vào công lập với mức học phí thấp. Nhưng “giật mình nhìn lại” hoàn cảnh tuyển sinh hiện tại, các trường BC “lại thương mình xót xa”.
Trường THCS BC Kiến Thiết (quận 3) đề ra chỉ tiêu 6 lớp nhưng giờ chỉ tuyển được 4 lớp. Trường BC Phan Sào Nam, quận 3 mỗi năm tuyển 7, 8 lớp 6; năm nay chỉ còn 5 lớp với sĩ số đạt “chuẩn” (45 HS/lớp). Trường BC cấp 1 – 2 Chi Lăng (quận 4) có nguồn cấp 1 tại chỗ nay bị giảm 3 lớp.
THCS Lý Phong (quận 5) ngỡ rằng vừa được đầu tư xây mới dễ hút HS, nhưng tuyển sinh cũng không đủ chỉ tiêu. Tương tự, các trường BC ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp… cũng đang ngồi đợi HS.
Nhiều trường BC đang kiến nghị chuyển sang công lập. Các trường THCS BC như Chu văn An, Văn Lang (quận 1), Kim Đồng (quận 5), Sông Đà (quận Phú Nhuận), Phú Mỹ (quận Bình Thạnh), Ngô Quyền (Tân Bình) đã chuyển hẳn sang mô hình công lập cách đây vài năm.
Năm học 2005 – 2006, các Trường THCS BC Đồng Khởi (quận 1), Bạch Đằng (quận 3), Khánh Hội A (quận 4) … vui mừng khi được trở lại công lập. Bà Trần Thị Minh Thi, Hiệu trưởng Trường Khánh Hội A, so sánh: “Tuyển sinh ở công lập khỏe hơn nhiều. HS cứ đúng tuyến là vào, trường khỏi phải mỏi mòn đợi chờ HS”.
Giáo viên gặp nhiều khó khăn
Trường BC phải tự cân đối thu - chi, do vậy sĩ số HS giảm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập giáo viên và hoạt động nhà trường. Giáo viên công lập ngoài lương cứng hàng tháng còn được hưởng 35% tiền phụ cấp đứng lớp. Giáo viên BC bị “cắt” hết các khoản chế độ, dạy tiết nào hưởng tiết nấy.
Tiền trả theo tiết thấp không thu hút được GV giỏi về dạy BC, còn GV tay nghề “cứng” lại xin chuyển qua trường công lập. “Đầu vào” của BC kém, lại phải tổ chức lớp học từ 50 em trở lên “thu mới đủ chi”, nên dạy trường BC vất vả gấp mấy lần dạy trường công.
Cơ sở vật chất của các trường BC hầu hết xuống cấp, không sân chơi, thiếu phòng bộ môn, phòng học xuống cấp. Kinh phí mua sắm trang thiết bị thường được ưu tiên cho công lập. Trong khi đó, các trường BC phải dành một phần học phí thu được để tự đầu tư.
Ông Lý Văn Ru, Hiệu trưởng Trường Kiến Thiết, cho biết: Nhiều năm nay nhà trường ao ước có một máy projector phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. Nhưng máy này giá đến 100 triệu đồng, trường không mua nổi nên đang chờ ngân sách Phòng Giáo dục cấp.
Rõ ràng, dạy và học ở BC có nhiều cái khổ. Chưa hết băn khoăn về việc HS không có tiền đóng nếu thực hiện tăng học phí hệ BC lên 90.000 đồng/tháng (theo Nghị quyết của HĐND TP) thì giờ lại tiếp tục nỗi lo thiếu HS, thiếu kinh phí hoạt động.
Trả lại công lập cho trường bán công?
Vào những năm 1990, mục tiêu ban đầu khi chuyển đổi các trường công lập sang BC là nhằm “dành phần ngân sách của trường BC để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở những khu vực phát triển giáo dục khó khăn”.
Giờ đây, ngân sách tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho vùng ven, ngoại thành luôn cao hơn nội thành, trong khi đó, các trường BC THCS luôn đau đầu với bài toán “thu không đủ bù chi”, các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… phải hỗ trợ các trường BC trong khu vực trả lương 3 tháng hè cho giáo viên biên chế.
Bấy lâu nay, đối với câu hỏi “Trường BC có nên tồn tại hay không?”, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Không nên để tồn tại loại hình nhập nhằng công không ra công, tư chẳng ra tư. Đặc biệt, với mô hình BC bậc THCS, cần phải sớm chuyển đổi, cho các trường trở về nguồn gốc công lập của mình, nhằm đảm bảo mục tiêu đến 2010 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học của TPHCM.
Điều này không đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước vì thực chất, các trường BC THCS hiện tại nằm ở các vùng địa bàn khó khăn, người dân không có khả năng gánh chịu chi phí giáo dục (nhiều quận trì hoãn việc tăng học phí BC trong học kỳ 2 năm học 2004 – 2005).
Ở TPHCM, việc thu hút được các nguồn lực của xã hội vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, cái mà hiện nay Nhà nước không thể bao cấp, là điều không quá khó khăn. Nhiều trường phổ thông dân lập, tư thục chất lượng cao ra đời vài năm nay chứng tỏ lĩnh vực giáo dục được các nhà đầu tư quan tâm. Cần phải có cơ chế rõ ràng để thu hút đầu tư của doanh nhân, nếu muốn mở rộng xã hội hóa giáo dục.
Số lượng trường BC bậc THCS chưa đến 20 trong tổng số 230 trường THCS (tỉ lệ 13%), vậy mà đội ngũ giáo viên và HS của các trường nghèo này phải gánh chịu nghịch lý: không nuôi nổi mình nhưng phải hỗ trợ những vùng khác?! Đã đến lúc các nhà quản lý lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng các trường.
Theo Hồng Liên
Sài Gòn giải phóng