Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

(Dân trí) - Chả cứ tại Việt Nam, mà đã từ rất lâu, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chuyện thầy yêu trò đã là chuyện không mấy được cổ vũ. Tuy nhiên, tình yêu có lý lẽ riêng của nó mà không một rào cản nào có thể cấm đoán được một cách tuyệt đối.

Bằng chứng là lịch sử học đường thế giới đã chứng kiến rất nhiều những mối tình thầy trò được liệt vào hàng kinh điển.

Giáo sư triết học lỗi lạc Martin Heidegger: “Anh sẽ không bao giờ được gọi em là người đàn bà của mình”

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

Giáo sư triết học lỗi lạc Martin Heidegger và Hannah Arendt. Cuộc đời Martin Heidegger- vị giáo sư lỗi lạc của Đại học Marburg, một trong những bậc thầy của triết học thế kỷ 20- có lẽ sẽ bớt đi nhiều thi vị và tranh cãi nếu không “vướng” vào mối tình đầy ngang trái với cô sinh viên mới bước qua tuổi 18 tên Hannah Arendt.

Vào thời điểm năm 1924 khi mối tình của họ bắt đầu, Martin Heidegger đã là một nhà triết học nổi tiếng còn Hannah Arendt mới là cô sinh viên đang theo học tại khoa triết học trường Đại học Marburg (Đức) nơi ông giảng dạy. Danh tiếng quá lớn, sự minh triết và vốn ăn nói quá duyên dáng của Martin Heidegger đã ngay lập tức khiến cô sinh viên trẻ Hannah Arendt ngưỡng mộ đến choáng ngợp. Còn Martin Heidegger dù đã là một tay lão luyện tình trường cũng không thể cầm lòng trước vẻ đẹp tươi trẻ và sự thông minh hiếm có của cô sinh viên triết. “Gái ham tài, trai ham sắc”, Martin Heidegger và Hannah Arendt “đổ vào nhau” cuồng nhiệt như một sự đương nhiên.

Bất chấp địa vị xã hội, tuổi tác quá chênh lệch, chưa kể, Martin Heidegger đã là người có gia đình với hai đứa con và người vợ gốc Đức cứng rắn tên Elfride. Ngây thơ và lụy tình, Hannah Arendt tin rằng mình là tình yêu của Martin Heidegger. Tuy nhiên, Hannah Arendt không hiểu hết được điều vị giáo sư nói với mình: “Anh sẽ không bao giờ được gọi em là người đàn bà của mình” nghĩa là Heidegger không bao giờ ly dị vợ.

Không phải chỉ từ sự căn ngăn cản quyết liệt của Elfride, bởi quyền lực từ gia đình Elfride mà còn bởi Arendt là người Do thái còn Heidegger lại là thành viên một đảng thuộc Đức quốc xã và công khai ủng hộ để chế phát xít của Hitler vào thời kỳ đó.

Để quên đi mối tình sâu đậm, Hannah Arendt buộc lòng chuyển tới sống tại Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai và họ ngừng liên lạc với nhau từ đó.

Sau này, Hannah Arendt lấy chồng- Heinrich Blücher, một người rộng lượng với quá khứ của vợ. Tuy nhiên, cuộc tình với Martin Heidegger vẫn là dấu hằn khó phai, đầy day dứt trong suốt phần đời còn lại của người phụ nữ này.

Nhà sinh vật học Alfred Kinsey và Clara Kinsey

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

Alfred Kinsey là một nhà sinh vật học người Mỹ, giáo sư về côn trùng học và động vật học. Alfred Kinsey được biết đến với vô số thành công trong nghề, trong đó đáng kể và thu hút sự chú ý của dư luận nhất là việc ông thành lập Học viện Nghiên cứu Tình dục, Giới và Sinh sản tại đại học Indiana (Mỹ); cùng với các đồng sự trong nhóm Kinsey đưa ra một công trình nghiên cứu dài hạn về “Hành vi tình dục ở nữ giới”.

Cuốn sách được đánh giá là có sức mạnh như một quả bom nguyên tử với đầy những vấn đề “nhạy cảm” như: quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ và sex tiền hôn nhân, thủ dâm.

Ngoài một sự nghiệp viên mãn, ông trời ưu ái còn ban tặng cho vị giáo sinh sinh vật học này một cuộc tình đắm say với kết thúc có hậu. Trước khi gặp Clara Bracken McMillen, Alfred Kinsey-dù là một chuyên gia nghiên cứu tình dục- giới và sinh sản- lại là một người xa lạ với những buổi hẹn hè với bạn gái. Đơn giản bởi ông được sinh ra trong một gia đình theo hệ phái Tin Lành Methodist rất nghiêm túc, chuyện khiêu vũ, hút thuốc lá, dùng rượu hay hẹn hò bạn gái… hoàn toàn bị cấm.

Cuộc đời Alfred Kinsey chỉ sang một trang mới khi gặp Clara Bracken McMillen. Ngay lập tức họ có cảm tình với nhau. Chỉ có điều éo là họ đang ở hai thái cực khác nhau: Clara đang là sinh viên tại trường đại học Indiana còn Alfred Kinsey đang là giáo sư giảng dạy ở đó. Nhưng thật may mắn là cả hai đều vượt qua được rào cản tâm lý.

Cuộc tình thầy trò rốt cuộc cũng tiến tới hôn nhân. Họ có với nhau 4 đứa con. Chuyện tình của họ thi vị đến mức đã được dựng thành phim với đôi diễn viên Liam Neeson - Laura Linney vào vai Alfred Kinsey và Clara

Nhà tâm lý học Nathaniel Branden và Ayn Rand

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

Nathaniel Branden –nhà tâm lý học và nhà văn nổi tiếng người Canada-người cùng với Robert Sternberg đưa ra 10 bí quyết để có một tình yêu lãng mạn- cũng chính là người cũng đã từng có cho mình một cuộc tình lãng mạn hết mức.

Công việc đã khiến Nathaniel Branden có cơ hội được gặp mặt và làm quen với Ayn Rand. Ayn Rand khiến ông ngưỡng mộ bởi nữ nhà văn này chính là người sáng lập nên Objectivism- Chủ nghĩa khách quan – một phong trào triết học mà ông hết sức quan tâm và thích thú từ khi còn là một cậu bé 14 tuổi đọc cuốn "The Fountainhead". Nhờ sự sắp xếp của một fan hâm mộ, Nathaniel Branden được Ayn Rand chú ý. Niềm đam mê triết học đã khiến Nathaniel Branden trở thành học trò của Ayn Rand. Sau một thời gian làm việc, từ sự ngưỡng mộ qua trang sách, giữa cô và trò tiến dần tới một tình yêu say đắm tự lúc nào không hay, bất chấp thực tế cả hai đều đã có gia đình riêng. Nathaniel Branden thậm chí còn khăn gói tới sống tại căn hộ của Ayn Rand tại New York.

Tuy nhiên, dù say đắm là thế nhưng bản tính đào hoa của Nathaniel Branden đã khiến cuộc tình giữa họ không thể bền lâu. Mối quan hệ tình cảm của họ được duy trì tới năm 1968 khi Nathaniel Branden bắt đầu có tình cảm với một người mẫu trẻ.

Nhà bác học John Nash và Alicia Nash

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử
Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử

Không nhiều người biết rằng bộ phim nổi tiếng “A Beautiful Mind”- bộ phim đã giành tới 4 giải Oscar năm 2002- được lấy cảm hứng từ cuộc đời và cuộc tình của John Nash – nhà bác học người Mỹ nổi tiếng thế kỷ 20. A Beautiful Mind của đạo diễn Ron Howard tái hiện toàn bộ chặng đường gian nan của John Nash, từ khi còn là một sinh viên khoa Toán trường Princeton tới khi đứng trên bục vinh quang nhận giải thưởng Nobel năm 1994.

Trong giây phút tỏa sáng ấy, giáo sư John Nash tìm ra câu trả lời cho phương trình vĩ đại nhất trong cuộc đời mình - phương trình của tình yêu. Với ông, người vợ Alicia không chỉ là đầu gối tay ấp mà hơn thế, như ông tâm sự, là lý do để ông tồn tại, là lẽ phải của cuộc đời ông.

Để hiểu nhờ đâu, một tài năng xuất chúng, nổi tiếng cá tính và đầy kiêu hãnh như John Nash phải thốt lên những lời hàm ơn với vợ, phải quay ngược lại chuyện tình của họ. John Nash đã bà Alicia lần đầu tiên khi ông là một giáo sư và Alicia là một sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Chuyện tình giữa một người làm thầy và một người làm trò không hề thuận buồm xuôi gió. Chưa kể dù là người có trí tuệ siêu phàm, John Nash lại là người mắc chứng tâm thần phân liệt, cả đời ông chìm trong những con số, những công thức toán học và mắc chứng hoang tưởng nặng.

Nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả. Họ đã kết hôn vào năm 1957. Và cũng chỉ có tình yêu và sự ngưỡng mộ mãnh liệt của cô sinh viên năm nào dành cho người thầy của mình mới có thể níu giữ Alicia bên John Nash đến cuối cuộc đời, dù họ đã trải qua một thời gian ly hôn, trước khi quay lại sống chung với nhau vào năm 1970 và tổ chức lễ cưới lại vào năm 2001.

Nhiều người nói rằng cũng chính tình yêu, nghị lực bản thân và những nỗ lực điều trị đã đưa John Nash trở về với cuộc sống. John Nash đã dần phục hồi khỏi chứng tâm thần phân liệt và tiếp tục giảng dạy tại các viện nghiên cứu, các trường đại học cho đến khi ông được trao giải Nobel năm 1994.

Nhà cải cách giáo dục John Dewey và Alice Chipman

Những mối tình thầy trò “kinh điển” trong lịch sử


John Dewey (1859 - 1952) không chỉ là nhà triết học xuất sắc, nổi bật nhất của nước Mỹ đầu thế kỷ XX. Tư tưởng triết học và sự nghiệp giáo dục đồ sộ của ông đã bao trùm đời sống trí tuệ Mỹ suốt thế kỷ XX. Bên cạnh sự nghiệp “cải cách giáo dục” hay “xây dựng lại triết học”, John Dewey còn được người đời ngưỡng mộ bởi cuộc tình đẹp với Alice Chipman- một sinh viên cũ của ông.

Chuyện tình của họ bắt đầu khi John Dewey là giáo viên trợ giảng tại đại học Michigan còn Alice Chipman là sinh viên ở đó. Vị thế thầy trò không hề là rào cản cho chuyện tình cảm của họ. Họ giúp đỡ nhau trong công việc và tổ chức lễ cưới ngay sau khi Alice Chipman nhận bằng tốt nghiệp.

Cuộc sống vợ chồng của họ đầm ấm hạnh phúc. Cũng giống như trước khi cưới, họ luôn biết bổ trợ cho nhau, cùng nhau đạt được những thành công mới trong khoa học. Alice Chipman là nguyên nhân chính khiến Dewey chuyển sang quan tâm hơn đến mặt thực hành của triết học vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX. Ông đã nói rằng, vợ ông là người đã đưa cả “phần hồn và phần xác” vào công việc của ông và trên thực tế, bà là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tư tưởng sư phạm của ông.

Hồng Sâm (Theo The Huffington Post)