Những mặt tốt của du học

Nhiều người đang tỏ ra lo ngại khi thấy SV VN đi du học tự túc ở nước ngoài ngày càng nhiều. Có lẽ những mối lo ấy là không cần thiết vì dù xét về khía cạnh kinh tế hay giáo dục, du học có nhiều cái lợi…

Xét về khía cạnh kinh tế thuần túy, hàng triệu đồng ngoại tệ theo người ra học nước ngoài ấy không hề bị mất đi, mà chúng đang được đầu tư để sinh lợi nhiều hơn sau này.

 

Nếu xét về chất lượng giáo dục, việc đi học ở nước ngoài sẽ có chất lượng hoàn toàn khác với việc học trường “quốc tế” tại nước ta hiện nay, bởi không có trường nước ngoài nào có thể mang sang ta cả một hệ thống thư viện (vốn rất quan trọng cho việc tự nghiên cứu của sinh viên) thâm niên cả trăm năm với hàng triệu cuốn sách và có thể nối mạng với hàng loạt thư viện khác trên toàn quốc ở nước sở tại. Rồi hàng loạt giáo sư danh tiếng của các đại học quốc tế cũng khó có thể “thường trực” để tiếp xúc với sinh viên như ở đất nước của họ được.

 

Và bất cứ ai đã từng học ở các đại học uy tín của Âu - Mỹ đều thấy rất thường xuyên có các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học mỗi khi có những khám phá, những nghiên cứu mới trong các lĩnh vực khoa học hoặc những vấn đề mới trong quan hệ quốc tế.

 

Chẳng hạn khi học tại Louvain (Bỉ), SV từng được tham dự buổi nói chuyện - chất vấn của các nhân vật như ông Promano Prodi (cựu Chủ tịch EU) về mối quan hệ giữa EU và các nước Bắc Phi, ông Pascal Lamy (tân Tổng giám đốc WTO) về các vấn đề thương mại của EU. Hoặc khi nổ ra sự bất đồng gay gắt giữa EU và Mỹ về cuộc chiến Iraq, SV được ông cao ủy phụ trách quan hệ xuyên Đại Tây Dương của EU đến nói chuyện về mối quan hệ Mỹ - EU và hàng loạt những cuộc hội thảo chuyên đề khác nữa mà sinh viên được tự do tham dự và chất vấn. Đây thật sự là những cơ hội “mở rộng tầm mắt” mà chắc chắn sinh viên chưa thể có được khi học trong nước.

 

Việc thầy ta dạy học trò ta ở nước ngoài cũng hoàn toàn khác về chất so với khi ta dạy ta ở trong nước, bởi vì họ phải dạy cái mới của người chứ không phải cái “cũ người mới ta” như ở trong nước nên chất lượng dạy và học phải phù hợp với trình độ phát triển và khoa học của nước ấy.

 

Xét về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, việc học ở nước ngoài sẽ làm cho sinh viên dễ thành thạo hơn vì phải luôn sử dụng nó, trong khi ở trong nước sẽ không có cơ hội thực hành tiếng như thế được.

 

Một điều không kém quan trọng khác là việc đi học ở nước ngoài không chỉ lợi về mặt học thuật mà còn giúp sinh viên làm giàu thêm được nguồn vốn văn hóa của mình. Khi đi du học sinh viên sẽ học được rất nhiều thứ mới mẻ cũng như rèn luyện được những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống như biết sống tự lập bởi phải tự xoay xở, tự giải quyết lấy các vấn đề của mình chứ không thể trông chờ ỷ lại hay nhờ vả người khác được.

 

Đi du học, sinh viên còn có thể thiết lập cho mình một mạng lưới quan hệ với tầng lớp trí thức, với các nhà khoa học tại các quốc gia tiên tiến và nhờ mạng lưới quan hệ này sẽ có cơ hội học hỏi để phát triển hơn nữa trong tương lai. Những lợi ích này tiền bạc không thể mua được.

 

Vấn đề của việc du học thật ra không nằm ở chỗ ta được hay mất ngoại tệ mà là ở việc có bao nhiêu người thật sự học hành đàng hoàng nơi xứ người, bởi cũng có không ít trường hợp vì “sính” bằng cấp ngoại mà làm giàu cho những “nhà máy sản xuất bằng cấp” ở nước ngoài, trong khi về chuyên môn không hơn gì trong nước cả.

 

Rồi cũng có trường hợp nhiều bậc phụ huynh do “quản” không nổi con cái nên chọn giải pháp cho đi du học tự túc như một cách tự trấn an mình. Đây rõ ràng là những trường hợp ném tiền qua cửa sổ cần phê phán.

 

Theo Tuổi trẻ