Những lưu ý “không thừa” khi dự thi ĐH, CĐ
(Dân trí) - Áp lực kì thi cộng thêm sự chủ quan của các sĩ tử chính là yếu tố gây ra những câu chuyện “dở khóc, dở cười” ở các kì thi. Chính vì thế để không lặp lại những “sai lầm” này thì sinh cần nắm chắc những quy định cần thiết.
Nên đến làm thủ tục dự thi
Theo quy định thì trong ngày đến làm thủ tục dự thi, nếu thấy có những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên, khối thi, trường và ngành học..., thí sinh phải báo cáo hội đồng tuyển sinh để điều chỉnh. Nếu bị mất thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo và làm cam đoan để uỷ viên phụ trách điểm thi xem xét, xử lý.
Trường hợp bị mất giấy báo dự thi, trong ngày đến làm thủ tục dự thi, thí sinh báo cáo lại việc đã mất giấy báo để hội đồng tuyển sinh kiểm tra hồ sơ gốc và cấp lại. Khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh cần nhớ mang theo phiếu ĐKDT số 2.
Về mặt nguyên tắc thì những thí sinh không có sai sót trong giấy báo dự thi thì không nhất thiết phải có mặt trong ngày này mà có thể làm thủ tục dự thi bù vào ngày hôm sau. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh thì việc có mặt làm thủ tục dự thi là rất cần thiết bởi đây sẽ là khoảng thời gian để thí sinh làm quen với phòng thi, địa điểm thi… để ngày hôm sau có thể đến dự thi an toàn.
Bên cạnh đó, trong ngày này thí sinh cũng sẽ được cán bộ phòng thi phổ biến quy chế thi và giải đáp những vướng mắc về vật dụng mang vào phòng thi… Điều này là khá quan trọng bởi nhiều năm qua có hàng trăm trường hợp bị xử lý do vi phạm quy chế thi.
Cẩn thận với những chú “dế”
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản.
Thí sinh không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xoá, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác.
Mặc dù quy định rõ ràng như vậy nhưng việc thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng điện thoại di động không phải là chuyện hiếm gặp ở các kì tuyển sinh. Đa số các trường hợp bị xử lý là do vô tình mang điện thoại vào phòng thi.
Có rất nhiều tình trạng “dở khóc, dở cười” xung quanh những “chú dế”. Có thí sinh đã an toàn tắt nguồn của điện thoại di động sau đó nhét sâu vào túi quần nhưng chẳng hiểu làm sao khi ngồi làm bài, điện thoại lại rơi ra và hậu quả bị đình chỉ thi. Thậm chí có trường hợp thí sinh đã tắt nguồn nhưng do cử động nhiều nên vô tình khởi động phát ra âm thanh “oan nghiệt” và rốt cục 12 năm ăn học trở thành công cốc.
Cũng có những thí sinh vô tình mang điện thoại vào phòng thi và quên tắt nguồn nên khi đang ngồi làm bài bất chợt có âm báo tin nhắn đến. Khi tiếng kêu báo hiệu có tin nhắn vang lên thì cũng là lúc thí sinh phải cay đắng ký vào biên bản đình chỉ thi.
Đáng buồn nhất là ở kì thi tuyển sinh năm 2008, một thí sinh đã hoàn tất bài thi rất tốt. Để xem còn bao nhiêu thời gian thì hết giờ thì theo thói quen thí sinh này thò tay vào túi quần lôi chiếc điện thoại ra và hậu quả là bị đình chỉ thi.
Mặc dù các câu chuyện liên quan đến “chú dế” được nhắc nhở khá nhiều ở các mùa tuyển sinh nhưng vẫn có sĩ tử mắc sai lầm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã từng khuyên thí sinh không nên dùng điện thoại trong những ngày thi. Bên cạnh đó những người nhà đi theo thí sinh cần phải có ý thức nhắc nhở để tránh những trường hợp bị đình chỉ đáng tiếc.
Đừng quá “phụ thuộc” vào giám thị
Vài năm tuyển sinh gần đây xuất hiện tình trạng thí sinh quá phụ thuộc vào giám thị. Chỉ khi giám thị nhắc nhở thì thí sinh mới nhớ điền vào, thậm chí có bài thi thiếu chữ ký nhưng thí sinh vẫn “hồn nhiên” nộp bài.
Theo quy chế tuyển sinh thì những bài thi không đúng quy trình, thiếu chữ ký giám thị sẽ bị loại bỏ và không chấm. Nói cách khác là thí sinh sẽ bị điểm 0 ở môn thi đó và coi như là không còn cơ hội trúng tuyển (bị điểm liệt).
Chính vì thế, trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi.
Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ, không nhàu nát, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng com pa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.
Một trong những điều thí sinh cần phải luôn nhớ, giám thị không có trách nhiệm chỉnh sửa đề thi vì thế không được nghe lời và làm theo đề sửa mà giám thị thông tin. Chỉ trong trường hợp chủ tịch hội đồng thi chính thức thông báo việc chỉnh sửa đề lúc đó mới có hiệu lực.
Mùa tuyển sinh năm 2009, trong buổi sáng thi môn Toán tại một hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ngay khi phát đề thi xong, các thí sinh được 4 giám thị trong phòng lưu ý rằng, câu I của đề Toán có sai sót. Sau đó các giám thị đã “đính chính” rằng: trong câu I hàm số mà đề đưa ra là có dấu trừ (-) ở đằng trước, rồi cho thí sinh tiếp tục làm bài. Tuy nhiên kết thúc buổi thi thì thí sinh mới tá hỏa là đề không sai và đành ngậm ngùi mất oan 2 điểm. Đối với kì thi ĐH thì với việc mất điểm “ngớ ngẩn” như vậy thì coi như cơ hội trúng tuyển hẹp dần.
Nguyễn Hùng