Nghệ An:

Những lớp học lấy bảng đen chêm vào mái ngói

(Dân trí) - Mưa ướt đầu cô giáo, ướt luôn cả các cháu mầm non. Hôm mưa lớn, các cô phải “sáng tạo” che chắn, có cô cho các cháu chui vào gầm bàn tránh mưa.

Mấy cây đa cổ thụ trơ lá, cành gốc hằn những u sần nằm chắn trước mặt hai dãy nhà cấp bốn ở xã Nam Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) nhìn xa như trong khuôn viên của một trạm kho giống cũ kỹ từ những năm 80, 90. Đó là trường mầm non nơi con trẻ có thời ấu thơ gắn liền với những trận nước lụt dâng đến ngang lưng chừng lớp học, với trường lớp cũ kỹ mối mọt hỏng chỗ này sụt chỗ kia.

Cô Nguyễn Thị Nhung, 54 tuổi - hiệu phó Trường mầm non Nam Cường cho biết: “Lụt to nhất là cách đây 3 năm, năm 2011, buổi tối chỉ thấy mưa rả rích, sáng hôm sau đến trường nước đã ngập đến hiên nhà. Nước lên từng giờ, nước lên thì các cô kê đồ cao lên, đến khi không kê được nữa thì bàn ghế cũng nổi lềnh bềnh trong phòng cả”.

Cô Nhung kiễng chân với tay lên nóc tủ đựng hồ sơ để diễn tả mức nước năm ấy, mô tả: “Sách vở hồ sơ của các cô cũng bị ngấm nước hết. Đồ chơi đồ hàng của các cháu ngấm nước xong bốc mùi rất khó chịu, vì toàn là bìa các tông, tre nứa, keo dán bết lại với nhau”. Lụt qua, xã Nam Cường và các xã vùng chịu lụt 5 nam (5 xã vùng bên kia sông Lam) của huyện Nam Đàn được đón bao nhiêu đoàn về cứu trợ, giúp đỡ.
 
Các dãy nhà cấp bốn của trường tồn tại 40, 50 năm nay, vốn dĩ là nơi dạy học của trường cấp 1 xã Nam Cường. Trước đó, các lớp mầm non trong xã phân tán rải rác từng xóm, rồi được gom lại tập trung, lấy 6 phòng học của cấp 1 để thành điểm trường cho các cháu “lớp lá, lớp mầm”.

Đến năm 2000, cấp 1 của xã chuyển sang cơ sở mới khang trang hơn, các em nhỏ được “thừa hưởng” thêm 4 phòng học nữa. Giữa hai dãy nhà cấp bốn là nơi các cô lập bếp núc, chỗ để xe, cầu trượt cho các bé và văn phòng của “lãnh đạo trường”. Cô hiệu phó Nhung có 32 năm đi chăm trẻ, chia sẻ văn phòng với cô hiệu trưởng Trần Thị Hoa và hàng lô lốc tủ đựng hồ sơ, máy tính, đồ chơi trẻ em trong phạm vi hơn 12 mét vuông.

Cô Nhung dẫn chúng tôi đi qua lần lượt từng phòng học, đã đến giờ ăn trưa rồi đi ngủ của các cháu mầm non. Có lớp các cháu nằm im phăng phắc, nằm đối chân nhau sắp hai hàng ngang quy củ, chăn kéo lên tận ngực say sưa ngủ. Cô trông trẻ miền quê dáng vẻ vất vả chăm cả chục đứa con mọn, ngồi lặng yên một góc phòng. Ở một lớp khác, thấy có người lạ và ánh đèn chớp máy ảnh, nhiều cháu lục cục bò dậy, huyên náo. Phòng học, dưới ánh đèn, các bức tường hiện lên màu vàng vọt hoặc sáng bợt bạt màu của lớp vôi quét nhiều lần, nhiều chỗ lở lói. Khung cửa sổ có thanh chắn bằng gỗ xỉn màu, các cánh cửa sổ không còn hình dáng nguyên vẹn, mối mọt ăn nhăm nhở.

Phòng nào cũng mang nét chung ở mái ngói, nhìn từ dưới lên, những tấm bảng đen không biết từ khi nào được chêm vào các viên ngói không theo thứ tự. Ngói vỡ, hổng, có chỗ nứt toác, những ngày mưa nước theo dòng chảy tong tóc vào lớp học. Mưa ướt đầu cô giáo, ướt luôn cả các cháu mầm non. Hôm mưa lớn, các cô phải “sáng tạo” che chắn, có cô cho các cháu chui vào gầm bàn tránh mưa.

Cô giáo tên An dạy lớp bé 4 tuổi cười ngượng trước cảnh lớp học huyên náo của mình, các cháu đang ở tuổi tò mò với mọi thứ, rất mất thời gian để điều hành cho cả lớp yên ổn: “Nhiều lúc trời mưa cũng khổ, thấy tội cho các cháu. Mái ngói thì phải chêm các tấm bảng đen để mà hạn chế nước dột đổ xuống. Nhưng chỉ chống được mưa nhỏ thôi, mưa to thì răng cũng có nước chảy xuống lớp”.

Trường ở vùng chịu lũ nên cũng mang một hình ảnh đặc biệt. Dưới bước chạy của con trẻ, và lối đi lại vào lớp của giáo viên, ngay trên thanh xà của mái hiên, các con thuyền gỗ nhỏ được gác chờ sẵn.

Trường mầm non xã Nam Cường năm học này có 265 cháu từ độ tuổi 2 đến 5, được chia làm 10 nhóm lớp. Cả trường từ lãnh đạo đến nhân viên có 14 cô biên chế, 1 cô hợp đồng huyện, 8 cô hợp đồng trường (trong đó có 5 cô dạy và 3 cô cấp dưỡng), theo quy định thì trường còn thiếu 2, 3 giáo viên nữa.

Sau trận lụt không ngờ năm 2011, mầm non Nam Cường được đầu tư xây dựng một cơ sở mới, với ý định chuyển cô trò sang nơi mới an toàn, thuận lợi hơn.

Các cô chỉ biết dự án từ trên rót xuống, trường mình là người thụ hưởng, người ta cho gì thì dùng nấy chứ không biết cụ thể chi li như thế nào. Nhưng trường mới với 3 phòng học, mỗi phòng rộng trên 70m2, nằm trong khuôn viên rộng tới 4.000 m2, từ cuối năm 2011 đến nay vẫn để vậy.

Cô Nhung chia sẻ: “Nhà trường có ý định cho các lớp 5 tuổi sang học vì theo quy định trẻ 5 tuổi là phải phổ cập, nhưng chỗ mới chưa có tường bao, chuyển các cháu sang không yên tâm. Với nữa cũng không có cổng, không nước, không nhà vệ sinh, nên chưa chuyển được”.

Các lớp học mới được đầu tư gần 1 tỷ đồng, theo cách tính toán đơn sơ của các cô giáo thì: “Còn cần 200 triệu nữa thì mới đủ, mới chuyển các cháu sang học được”.

Địa điểm đặt trường mầm non mới xã Nam Cường nằm cạnh một con đê nhỏ, không có đường đi thẳng xuống mà phải từ phía sau đi vào. Ngôi nhà với 3 phòng học khá khang trang hiện đại. Phòng học, cửa chính cửa sổ xây dựng theo lối mới, tiện dụng, hứa hẹn là một môi trường tốt để chăm dạy các trẻ mầm non.

Có điều, những phòng học này nằm lẻ loi giữa cánh đồng trồng lạc. Bao quanh là cây lạc xanh ngăn ngắt. Ngay sát trước cửa của dãy nhà, luống đất được người dân xới tơi lên, chuẩn bị cho một thửa lạc mới. Đất tốt, lại bỏ không uổng phí, bà con ở xung quanh tận dụng trồng lạc từ năm này qua năm khác. Hơn 2 năm trôi qua, vụ lạc nào cũng được mùa, chỉ có 3 căn phòng của trường mầm non mới Nam Cường là cửa đóng im ỉm.

Các cô mầm non xót trẻ, xót cho cả 3 phòng học xây xong mà chưa được dùng. Các cô cũng ý nhị: Không được chuyển sang thì cũng thiệt thòi cho cô cho trò, nhưng mà báo chí phản ánh thế này không biết bên trên người ta có làm nhanh hơn không? Các cô ở dưới chỉ biết chăm trẻ, chuyện đầu tư xây dựng lớn bé thế nào thì các cô không hiểu hết được. Chỉ mong nhanh nhanh có trường để cô trò không vất vả nữa...

Trước vấn đề trên, ông Thái Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Công trình 3 phòng học mới nói trên được xây dựng từ Quỹ phòng chống thiên tai với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản đã xong, song một số công trình phụ trợ khác vẫn chưa có như nhà vệ sinh, nước nôi, nhà bếp, bờ tường bao… nên chưa thể chuyển các cháu sang học được. Trong khi đó ngân sách địa phương chúng tôi không có nữa, nên chúng tôi đang phải huy động mọi nguồn lực để làm những công trình phụ nói trên để tháng 9 năm nay sẽ đưa các cháu sang học”.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, cho biết: “Năm 2011 trường được xây dựng từ Quỹ thiên tai hỗ trợ và đã xây dựng xong. Dự tính sau khi xong sẽ chuyển các cháu từ địa điểm cũ sang địa điểm mới. Tuy nhiên, năm 2013 thì địa phương có nhận thông báo dự án sống chung với lũ của Ả Rập xê út tài trợ và cũng được phê duyệt làm ở địa điểm này (dự án đã duyệt và chuẩn bị khởi công trong năm 2014 với 8 phòng học, 2 tầng - PV) nên việc chuyển các cháu sang học ở điểm mới trong thời gian này khi mà công trình chuẩn bị thi công thì không đảm bảo cho các cháu học được”.

 Dưới đây là một số hình ảnh trường mầm non Nam Cường xuống cấp nhưng cô trò vẫn phải bám trụ để nuôi giữ các cháu, trong khi đó, một ngôi trường mới xây dựng khang trang thì đang bỏ trống: 

Trên mái ngói của ngôi trường cũ những tấm bảng đen được dùng che chắn những lỗ hổng...
Trên mái ngói của ngôi trường cũ những tấm bảng đen được dùng che chắn những lỗ hổng...

Chỗ ngủ của các em chỉ là những tấm gỗ hộp đóng lại đặt trên nền nhà cũ kỹ.
Chỗ ngủ của các em chỉ là những tấm gỗ hộp đóng lại đặt trên nền nhà cũ kỹ.

Các em phải đi ra nhà vệ sinh giữa trời mưa hay nắng... như thế này.
Các em phải đi ra nhà vệ sinh giữa trời mưa hay nắng... như thế này.

Cửa vào lớp cũng chỉ là cánh cửa gỗ đã mục...
Cửa vào lớp cũng chỉ là cánh cửa gỗ đã mục...

Cửa vào lớp cũng chỉ là cánh cửa gỗ đã mục...
Phía trên trần nhà, những chiếc thuyền nhỏ được gác sẵn để đối phó với những trận lũ lụt bất thường khi nước dâng lên.

Các em học dưới lớp trần nhà, mái ngói dột nát tứ bề.
Các em học dưới lớp trần nhà, mái ngói dột nát tứ bề.

Các em học dưới lớp trần nhà, mái ngói dột nát tứ bề.
Những giờ nghỉ, cô trông cho các em ngủ, vì nơi ngủ cũng không có nên các cô phải dành chỗ cho các em.

Hai dãy nhà học cấp bốn...
Hai dãy nhà học cấp bốn...

Giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
 
Giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, một ngôi trường mới xây thì không có nhà vệ sinh, không đường vào ... và một thửa đất lớn trước thì được người dân dùng trồng lạc.

Nguyễn Phê - Danh Thắng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm