Thanh Hóa:

Những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

(Dân trí) - Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất... là những thực trạng mà ngành Giáo dục Thanh Hóa đang phải đối mặt trước thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Thiếu hàng nghìn giáo viên Tiểu học

Thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa này có 15.249 cán bộ, giáo viên (GV) cấp Tiểu học. So với chỉ tiêu biên chế được giao còn thiếu 3.073 người. Tính đến năm 2020-2021, nhu cầu GV để tổ chức dạy 2 buổi/ngày là gần 19.000 người.

Những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - 1
Tỉnh Thanh Hóa còn thiếu hàng nghìn giáo viên bậc Tiểu học.

Ghi nhận tại huyện Quảng Xương cho thấy, bậc Tiểu học hiện có 704 biên chế GV. So với chỉ tiêu biên chế tỉnh giao còn thiếu 46 GV. Trong khi đó, để đảm bảo số lượng GV đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày thì địa phương này cần 915 GV. Như vậy, so với nhu cầu, huyện Quảng Xương còn thiếu hơn 200 GV.

Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT Quảng Xương, cho biết: Chỉ tiêu biên chế của Quảng Xương mới được giao ở mức tối thiểu là 1,2 GV/lớp. Trong khi đó, địa phương có 30/31 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia phải học 2 buổi/ngày, cần đảm bảo 1,5 GV/lớp.

Do đó, hiện nay phần lớn các trường chuẩn quốc gia chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày. Hơn nữa, năm học 2019-2020, số học sinh vào lớp 1 trong toàn huyện sẽ tăng thêm.

Trong trường hợp, UBND tỉnh Thanh Hóa không có cơ chế tuyển dụng thêm GV để đủ định mức 1,5 GV/lớp thì địa phương này sẽ khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm học 2020-2021.

Không chỉ tại huyện Quảng Xương, mà việc thiếu GV Tiểu học cũng đang là thực trạng tại huyện Thạch Thành.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Thành, thông tin: Những năm gần đây, số lượng học sinh vào lớp 1 ngày càng tăng, mỗi năm toàn huyện tăng hơn 1.000 học sinh.

Theo định mức tối thiểu 1,2 GV/lớp thì huyện Thạch Thành hiện còn thiếu gần 200 GV Tiểu học. Còn khi thực hiện chương trình GDPTM theo quy định 1,5 GV/lớp để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, thì địa phương này còn thiếu rất nhiều GV Tiểu học.

Trong khi đó, biên chế tỉnh giao không tăng dẫn đến tình trạng thiếu GV trầm trọng. Nhiều trường Tiểu học trên địa bàn phải huy động hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ra đứng lớp do thiếu GV. Nhiều trường chuẩn quốc gia không tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo đúng quy định.

Những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - 2
Do thiếu giáo viên, nên việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày rất khó khăn.

Còn tại huyện Quan Hóa, hiện còn thiếu 87 GV so với biên chế tỉnh giao. Đặc biệt, bậc Tiểu học thiếu GV Tin học và Ngoại ngữ.

Huyện Quan Hóa có 20/52 trường chuẩn, tuy nhiên, chỉ có một số trường chuẩn là có GV Tiếng Anh và Tin học.

Đây không phải là vấn đề của riêng các địa phương mà là thực trạng chung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Khó khăn lớn về cơ sở vật chất

Không chỉ khó khăn về GV, cơ sở vật chất (CSVC) cũng đang là bài toán nan giải đối với các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước thời điểm triển khai chương trình GDPT mới.

Theo chương trình GDPT mới, môn Tin học, Ngoại ngữ sẽ là môn bắt buộc. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn các trường chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn học này.

Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT Quảng Xương, chia sẻ: Hiện nay, tại huyện Quảng Xương không có biên chế GV Tin học ở bậc Tiểu học. Trong khi đó, theo quy định, trường chuẩn quốc gia bắt buộc phải có phòng học Tin học. Nhiều trường chuẩn quốc gia, phòng Tin học phải đóng cửa do không có GV giảng dạy. Máy móc không hoạt động thường xuyên nên hư hỏng, gây lãng phí.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống phòng chức năng cho các trường Tiểu học trên địa bàn cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, mà nguồn kinh phí của địa phương lại rất hạn hẹp...

Không chỉ các trường ở khu vực miền xuôi, điều kiện CSVC là vấn đề rất nan giải đối với các địa phương ở khu vực miền núi với nhiều điểm trường lẻ.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Ngô Phi Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT Quan Hóa, cho biết: Khó khăn nhất của huyện Quan Hóa là CSVC trường học còn nghèo nàn, thiếu thốn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, điểm trường lẻ.

Mặc dù, với nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong việc xóa phòng học tranh tre, nứa lá... Nhưng hiện nay, bậc Tiểu học tại huyện Quan Hóa vẫn còn gần 40 điểm trường lẻ.

Những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - 3
Không chỉ thiếu giáo viên mà cơ sở vật chất cũng đang là vấn đề nan giải đối với nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa.

Bài toán đặt ra đối với thực trạng nhiều điểm trường lẻ là việc bố trí, sắp xếp GV dạy 2 buổi/ngày vô cùng khó khăn. Theo ông Hùng, việc tính chỉ tiêu biên chế GV căn cứ vào sĩ số học sinh chứ không căn cứ vào đặc điểm từng vùng. Đối với các huyện miền núi có nhiều điểm lẻ, nhu cầu GV sẽ nhiều hơn so với chỉ tiêu biên chế được giao.

Ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết, theo kế hoạch, đầu tháng 5/2019, Bộ GD&ĐT sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tập huấn cho cán bộ cốt cán, sau đó sẽ lần lượt tập huấn cho cán bộ quản lý, GV về chương trình GDPT mới.

Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay của ngành giáo dục Thanh Hóa là đội ngũ GV. Do những năm gần đây số lượng học sinh tăng, nhưng biên chế GV không thay đổi, dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu GV. Trong khi đó, chương trình GDPT mới yêu cầu tối thiểu định mức 1,5 GV/lớp để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.

Với số lượng biên chế GV hiện nay, đến năm 2020-2021 Thanh Hóa sẽ thiếu rất nhiều GV Tiểu học, đặc biệt là GV tiếng Anh, Tin học. Theo ông Long, nguyên nhân là do lâu nay những môn học này là môn tự chọn nên khi các địa phương xây dựng phương án tuyển dụng GV thường chỉ ưu tiên tuyển GV văn hóa còn thiếu.

Ngoài ra, điều kiện CSVC của nhiều trường học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng.

Ngành giáo dục Thanh Hóa đang chỉ đạo các địa phương từng bước khắc phục khó khăn để đảm bảo đến năm học 2020-2021, đủ điều kiện triển khai chương trình GDPT mới.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm