Những kẽ hở trong cấp phát phôi bằng

Liên tục từ năm 2002-2008, trường CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp đã cấp bằng tốt nghiệp cho cả nghìn sinh viên theo học ở 5 ngành mà Bộ GD-ĐT chưa cho phép trường này mở. Đào tạo chui, nhưng trường này vẫn có được phôi bằng của Bộ để làm bằng tốt nghiệp.

Việc một trường có thể kiếm được hàng trăm phôi bằng để làm bằng tốt nghiệp cho sinh viên đào tạo chui không thể không khiến dư luận đặt câu hỏi về việc có kẽ hở trong việc cấp phôi bằng từ Bộ GD-ĐT. 
 
Những kẽ hở trong cấp phát phôi bằng - 1
 Ngành đào tạo chưa được Bộ cấp phép, có trường ứng phó bằng cách cắt xén chỉ tiêu và cả phôi bằng của các ngành khác để chuyển sang cho ngành mới mở mà chưa có phép. (Ảnh: SGTT)

Chặt mà vẫn hở 

Để được mua phôi bằng, các trường phải trình đầy đủ các loại giấy tờ có liên quan đến số lượng sinh viên đầu vào, đầu ra để Bộ GD-ĐT căn cứ vào đó mà quyết định năm đó sẽ bán bao nhiêu phôi cho các trường. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, số phôi các trường được mua bao giờ cũng cao hơn từ 5-10% so với con số thực tế nhằm bù đắp những trường hợp phôi bị hư hỏng vì nhiều lý do. Phôi hư phải được lập biên bản tiêu huỷ, phôi bằng còn dư phải báo cáo về bộ. Mã số của từng phôi được lưu vào sổ của trường để làm cơ sở đối chiếu sau này. 

Hiện Bộ GD-ĐT bán cho các trường phôi trắng và để cho các trường tự điền thêm thông tin vào bằng để cấp cho sinh viên. Đây chính là kẽ hở để các trường đào tạo “chui” lợi dụng. Cán bộ phòng đào tạo trường CĐ Bán công Quản trị doanh nghiệp từng thừa nhận với Bộ GD-ĐT là bằng tốt nghiệp mà trường này cấp cho hàng nghìn sinh viên đào tạo chui là phôi bằng mua được từ Bộ GD-ĐT.  

Theo ông Võ Văn Tuấn, trưởng phòng đào tạo ĐH Văn Lang, việc thất thoát phôi bằng là do Bộ không kiểm soát kỹ nên đã tạo kẽ hở cho các trường “lách”. Ví dụ: một trường được phép đào tạo ngành quản trị kinh doanh nhưng lại muốn đào tạo thêm ngành kế toán nhưng chưa được phép. Thế là thay vì đào tạo 80 chỉ tiêu ngành quản trị kinh doanh, trường này chỉ đào tạo 50 chỉ tiêu, dành 30 chỉ tiêu còn lại cho ngành kế toán. Khi lứa sinh viên ngành kế toán tốt nghiệp, hồ sơ xin cấp phôi bằng của 30 sinh viên ngành này sẽ nằm chung với hồ sơ của sinh viên ngành quản trị. 

Ông Tạ Quang Lâm, phó phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận xét rằng với cách làm trên thì bộ không biết được. 

Quản lý không nổi 

Bằng tốt nghiệp giả được làm từ phôi bằng thật

 

Những kẽ hở trong quản lý đã khiến một số lượng phôi bằng thật 100% được tuồn ra chào bán trên thị trường chợ đen phục vụ các đường dây làm bằng tốt nghiệp siêu giả.

 

Tháng 9/2008, một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã phải nhờ trường ĐH Sư phạm TPHCM xác minh bằng tốt nghiệp của một nhân viên. Kết quả kiểm tra cho thấy bằng là thật 100%, nhưng mã số của bằng không khớp số sê-ri của trường, chữ ký hiệu trưởng là giả mạo, và người tốt nghiệp không hề học tại trường ngày nào.

 

Cách đây ba tháng, trường ĐH Văn Lang cũng từng phải giúp một công ty du lịch giám định bằng của nhân viên. Kiểm tra thì thấy bằng và số hiệu trên bằng là thật nhưng tên người được cấp bằng thì bị cạo sửa một cách tinh vi.

Nhiều chuyên gia cho rằng với nhân lực hiện nay thì Bộ GD-ĐT khó kham nổi việc kiểm soát số lượng phôi bằng. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ ĐH Quốc gia TPHCM, thông thường hồ sơ đề nghị cấp phát phôi bằng của các trường thường đổ dồn vào thời điểm tháng 7 và tháng 8 để đến tháng 9 có bằng cấp cho sinh viên. Áp lực công việc của bộ phận kiểm dò khi ấy là rất lớn, nên có thể nhiều công đoạn đối chiếu, so sánh bị bỏ qua, cho đến khi phát hiện có tiêu cực từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, mỗi đợt sinh viên tốt nghiệp của từng trường, từng khoa là một quy trình khá phức tạp, vì bên cạnh những sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, còn có những sinh viên lưu ban các khoá trước, sinh viên bảo lưu điểm, v.v... 

Trước những bất cập trong quản lý và cấp phát phôi bằng như hiện nay, các trường kiến nghị rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải đưa công nghệ thông tin vào việc quản lý phôi bằng. Các trường cũng cần phải sử dụng công nghệ thông tin để quản lý sinh viên, kiểm tra được thông tin sinh viên đầu vào và đầu ra để phục vụ cho công tác kiểm tra đối chiếu số lượng cấp phôi bằng. Nếu không thực hiện được điều này thì với quy mô phát triển các trường đại học đang ngày một lớn, với hàng trăm ngàn lượt sinh viên của các hệ đào tạo tốt nghiệp mỗi năm, công tác quản lý của bộ phận cấp phát phôi bằng ở Bộ GD-ĐT thêm quá tải. Việc quản lý phôi bằng theo phương thức cũ sẽ tiếp tục xảy ra nhiều tiêu cực. 

Theo Phúc An
Sài Gòn Tiếp Thị