Những gì ảnh hưởng đến quyền học tập phải rất cân nhắc

(Dân trí) - “Việc học sinh vi phạm luật giao thông có thể có nhưng tôi chưa tán thành với quy định buộc thôi học một tuần nếu vi phạm nhiều lần”, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ về quy định gây tranh cãi của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Liên quan đến quy định mới đây của Sở GD&ĐT Hà Nội - tăng nặng hình thức xử phạt học sinh nếu vi phạm an toàn giao thông, nhiều hiệu trưởng Trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều rất tán thành.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu Trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, buộc thôi học không có nghĩa là thả nổi các em ở gia đình, địa phương để các em chơi bời lêu lổng. Trước khi xử lý, nhà trường phải mời cha mẹ học sinh đến làm việc. Một khi gia đình đã kí cam kết với nhà trường thì gia đình phải quản lý. Nếu vì lý do như công việc hoặc bận bịu không quản lý được, gia đình có thể giao học sinh cho nhà trường để cho các em lao động công ích.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng khẳng định, trường đã có nhiều biện pháp để hạn chế như: Hạ hạnh kiểm học sinh từng mức tùy theo vi phạm, mời cha mẹ học sinh đến làm việc... Tuy nhiên, trường rất đơn độc bởi sự vào cuộc thờ ơ của nhiều cha mẹ học sinh và một số cơ quan, đơn vị cạnh trường học không phối hợp.

Nhiều lần, nhà trường làm việc với các đơn vị và tổ chức cạnh trường để phối hợp không cho học sinh gửi xe máy nhưng họ chỉ cam kết được vài hôm rồi thả lỏng.

Trước những băn khoăn của rất nhiều độc giả, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã dành cho PV Dân trí cuộc phỏng vấn ngắn.

Thưa ông, quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc buộc học sinh thôi học 1 tuần nếu vi phạm luật an toàn giao thông mới đây đang có nhiều luồng ý kiến tranh cãi gay gắt. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Được biết quy định này hiện đang có nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Theo tôi, những suy nghĩ ủng hộ xuất phát từ thực tế có nhiều học sinh vi phạm về an toàn giao thông. Thực tế các em là người tham gia giao thông hàng ngày.

Thứ hai, lứa tuổi này rất hiếu động. Cho nên, việc vi phạm có thể có nhưng tôi thấy chưa tán thành với quy định buộc học sinh thôi học một tuần nếu vi phạm nhiều lần.

Theo quan điểm của tôi, các em có quyền được học. Khi có những biện pháp làm ảnh hưởng đến quyền được học của các em thì phải hết sức cân nhắc.

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Những gì ảnh hưởng đến quyền học tập phải rất cân nhắc
Ông Đỗ Mạnh Hùng: "Những gì ảnh hưởng đến quyền học tập phải rất cân nhắc"

Vậy theo ông, ngành giáo dục cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông tràn lan như bấy lâu nay nhưng vẫn đảm bảo được tính nhân văn và phương pháp giáo dục?

Tôi nghĩ, chúng ta có nhiều hình thức khác để giáo dục các em. Ví dụ, có thể công bố nêu tên tại các buổi chào cờ đầu tuần, thông báo về gia đình để nhà trường và gia đình phối hợp và có biện pháp giáo dục hoặc các hình thức khác, không nhất thiết buộc các em phải nghỉ học.

Ông nghĩ gì khi Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải rằng, buộc thôi học không đồng nghĩa với việc buông lỏng học sinh. Theo đó, nhà trường vẫn kết hợp với gia đình để giáo dục trong thời gian các em thôi học?

Việc nhiều gia đình cho rằng, để các em nghỉ học là một phần thả lỏng các em. Trong khi Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải, nhà trường và gia đình sẽ kiểm soát chặt chẽ học sinh nếu một khi các em vi phạm đến mức buộc bị thôi học, tôi cho rằng trên thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện quản lý các con.

Tôi lấy thí dụ, nếu trời lạnh quá, chúng ta cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, nhiều gia đình khó khăn, không thể ở nhà để trông con. Vì thế, nói cho nghỉ học thì gia đình quản lý chưa hẳn đã đúng bởi bố mẹ là công chức hoặc người lao động, họ đều phải đi làm nên sẽ rất khó quản lý.

Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, ông thấy việc Sở GD&ĐT ban hành văn bản này đã đúng thẩm quyền và đúng luật?

Lĩnh vực giáo dục trực thuộc Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Để có ý kiến xác đáng hơn, báo chí có thể tham khảo ý kiến của cơ quan này.

Tuy nhiên, về phía quan điểm của cá nhân tôi, những gì ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người và ở đây quyền của các em là quyền được học thì phải hết sức cân nhắc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Hà (thực hiện)

(Email:myha@dantri.com.vn)