Những điều đặc biệt dưới mái trường ở Trường Sa
Tôi đã từng đặt chân tới hầu khắp nẻo đường trên cả nước, đã chứng kiến nhiều điều đặc biệt trong các trường học, nhất là ở những ngôi trường vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng quả thực, ngôi trường ở đảo Trường Sa Lớn để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả.
Kỹ năng giao tiếp như học sinh thành phố
Vừa bước chân lên đảo Trường Sa Lớn, hình ảnh những em bé nhí nhảnh, hồn nhiên đã có sức cuốn hút đặc biệt với cánh phóng viên, nhà báo chúng tôi. Hầu như ngay lập tức, các ống kính máy ảnh, máy quay phim đổ dồn về nơi các em đang nô đùa. Có vẻ như tình yêu với hòn đảo nơi các em sinh sống đã hòa cùng với tình yêu dành cho các chú bộ đội hải quân đang ngày đêm canh giữ sự yên bình cho các em, cho bố mẹ, anh chị, bạn bè của các em. Bởi thế nên các em đều bận trên mình những chiếc áo nhỏ xíu được may theo kiểu mẫu áo bộ đội hải quân.
Như vô thức, bước chân đưa tôi tới nơi phát ra những âm thanh và hình ảnh đáng yêu ấy. Là học sinh ở vùng hải đảo xa xôi, nhưng các em lại tỏ rõ sự nhanh nhẹn, hoạt bát, có kỹ năng giao tiếp khá tốt với những người lạ. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với học sinh ở những vùng sâu, vùng xa khác.
Hầu như không nghỉ học
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Nhung cười tươi:
- Các anh thấy không? Lũ trẻ ở đây khỏe khoắn lắm. Có lẽ do môi trường trong lành, thời tiết thuận lợi nên các em hầu như không bị đau ốm. Thế nên lớp học của tôi lúc nào cũng đủ học sinh, bất kể trời nắng hay mưa.
Bằng quan sát, tôi nhanh chóng xác nhận sự đồng tình với nhận định ấy của cô giáo Nhung. Qua các trò chơi mà các em đang thể hiện, qua điệu cười nắc nẻ và qua cả làn da khỏe khoắn, sự dẻo dai của các em được thể hiện rõ ràng, như những chú cá nhỏ kiên cường tung tăng bơi lội giữa biển khơi ầm ào sóng vỗ ngoài kia.
- Con tên gì, học lớp mấy? Đi học như vậy, con có thích không?
Tôi lân la làm quen với cô bé đang chăm chú ngồi đọc sách. Sau khi tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Quỳnh Hương, 9 tuổi, là học sinh Lớp 3, Trường Tiểu học Trường Sa, cô bé cười ỏn ẻn:
- Dạ, con thích lắm, chú à! Đi học như vầy vừa được gặp bạn bè, được chơi vui, lại còn được học thêm nhiều điều. Cô giáo Nhung dạy tụi con hay lắm, dễ hiểu lắm, chú à!
Con trẻ thường nói thật. Vậy nên tôi cũng thấy dễ hiểu vì sao lớp học của cô giáo Nhung không mấy khi bị thiếu sĩ số như thế.
Đây cũng là điều rất đặc biệt, khác hoàn toàn với các lớp học ở vùng sâu, vùng xa khác, những nơi giáo viên phải thường xuyên đi vận động học sinh không bỏ học và vận động phụ huynh đưa con em trở lại trường.
Chuyển bài thi bằng tàu thủy
Ở trong đất liền, sau các kỳ thi đánh giá chất lượng năm học, bài thi của học sinh thường được niêm phong chặt chẽ và gửi về nơi chấm tập trung bằng các phương tiện đường bộ, chủ yếu là ô tô. Việc vận chuyển bài thi luôn được bảo đảm an toàn, nhanh chóng.
“Trồng người” nơi đầu sóng
Cảm thông với trẻ em trên vùng hải đảo, cô giáo Bùi Thị Nhung tình nguyện xin ra đảo Trường Sa dạy học, dù biết rõ con đường mình chọn sẽ nhọc nhằn hơn nhiều việc xin nhận công tác trong đất liền. Trên con đường mà mình đã chọn, cô giáo Nhung đã rất may mắn khi có được người chồng hiểu và cảm thông với mình.
Trong đất liền, mặc dù đã có công việc ổn định, nhưng chồng cô giáo Nhung, anh Đặng Thanh Chương, vẫn quyết định bỏ việc, tình nguyện cùng vợ ra đảo phục vụ công tác “trồng người” nơi đầu sóng, ngọn gió. Không phải ai cũng có đủ can đảm và nghị lực làm được điều mà anh đã làm.
Ra đảo, trong lúc chị đi dạy học, anh không ngại khó, ngại khổ ở nhà tăng gia sản xuất. Nhờ tấm lòng biết cảm thông, biết sẻ chia nên anh chị đang có được một gia đình hạnh phúc, vợ chồng trên thuận dưới hòa, con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ.
Còn nhiều, rất nhiều điều đặc biệt khác dưới mái trường giữa trùng khơi này. Xin được dẫn lại lời tâm sự cũng rất đặc biệt của cô giáo Bùi Thị Nhung: Tôi luôn cố gắng truyền đạt cho các em đầy đủ kiến thức ở mức cao nhất có thể, giáo dục đạo đức và nhắc nhở các em noi gương, tiếp bước cha ông bám biển, bám đảo, góp phần tích cực xây dựng huyện đảo Trường Sa vững mạnh.
Chia tay cô giáo Nhung, tôi luôn thầm cảm phục tấm lòng và tình yêu của cô dành cho học trò nơi đảo xa. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Định Phương (sinh năm 1964, một người dân sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn) rất tự hào khi kể về cậu con út Nguyễn Xuân An (sinh năm 1999) của mình. Ông Phương nói, An thường xuyên bày tỏ mong muốn sẽ tiếp nối cha ông bám biển, bám đảo. Nhắc lại câu chuyện của chúng tôi với ông Phương, tôi mong cô giáo Nhung có thể yên tâm rằng, lũ học trò nhỏ đã thấm nhuần những lời giảng của cô giáo, yêu biển, đảo quê hương như yêu chính bản thân mình…
Theo Quân Đội Nhân Dân