Những đề toán gây tranh cãi trên mạng năm 2014
(Dân trí) - Trong năm vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài toán học sinh chứa những điểm rất lạ, gây ra tranh cãi, xôn xao không dứt. Điều này càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của phụ huynh nói riêng và cộng đồng nói chung đến giáo dục.
Bài toán tính tuổi thuyền trưởng
Tháng 6/2014, trên mạng xã hội đã rất xôn xao với đề bài Toán: "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?". Với bài tập này, có nhiều ý kiến cho rằng không có lời giải, học sinh cần phát hiện ra sự vô lý của vấn đề.
Tuy nhiên, khi tác giả của bài toán - nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của trường ĐH Sài Gòn lên tiếng, dân mạng lại bàn tán về nó ở khía cạnh “tư duy độc lập” của học sinh trong trường học hiện nay.
Nhà giáo Phạm Đình Thực cho biết cách ra đề kiểu này không phải mới, lạ với thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến, do đó học sinh bỡ ngỡ và không tìm ra câu trả lời phù hợp, thuyết phục.
Trong bài toán có 2 phần: những cái đã cho và cái phải tìm (câu hỏi của bài tập). Câu hỏi của bài toán không đúng vì trong các dữ liệu đã cho không có yếu tố, thông tin nào liên quan đến tuổi tác của thuyền trưởng. Tác giả đã cố tình lồng ghép đề toán này nhằm tập cho trẻ thói quen đọc kỹ đề, phân biệt cái đã cho và phải tìm trước khi giải.
Từ bài toán này, không ít độc giả và các nhà chuyên môn cho rằng, nên thay đổi phương pháp dạy học, không nên dùng thói quen cũ bắt học sinh có lựa chọn thuần nhất, thụ động trong việc tiếp cận và xử lý kiến thức.
Đề Toán World Cup 2014 của PGS Văn Như Cương
Trước khi trận chung kết World Cup 2014 diễn ra, PGS Văn Như Cương đã đăng tải đề toán lý thú tặng những người ham mê bóng đá, tạo thành cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội: “Có N đội bóng tham gia tranh chức vô địch bằng cách đấu loại trực tiếp. Hỏi có bao nhiêu trận đấu tất cả?”.Ghi chú: lời giải đẹp nhất của bài toán này chỉ gồm ba câu, học sinh tiểu học đọc đều hiểu hết”.
Ngay sau khi đề bài được đưa ra, có nhiều người cho rằng phó giáo sư đã cho thiếu dữ kiện nên không có lời giải, ví von đây như bài toán “con cừu - tuổi ông thuyền trưởng” trước đó. Bên cạnh đó, cũng có những thành viên khác lại đưa ra đáp án: (N-1) trận đấu.
Nhận được những câu trả lời này, thầy Cương đã tiếp tục chia sẻ: “...Đây là bài toán “kinh điển” chứ không phải mới mẻ gì, tôi không nói trước như thế chẳng qua là để các bạn “tự do tư tưởng” với năng lực của mình”.
Bên cạnh đó, thầy Văn Như Cương cũng cho rằng nhiều bạn có nhận xét võ đoán, và không hiểu đấu loại trực tiếp là gì, trong khi đó, đã có những đáp ý đúng và đưa ra gợi ý cho câu hỏi này.
Mặc dù như vậy, không ít người vẫn không ngừng thắc mắc, trong khi thầy Cương đã đưa ra đáp án. Chính vì điều này, nhiều người đã cho rằng các bạn trẻ đã biến bài toán đơn giản trở nên phức tạp không cần thiết.
Đề Toán lớp 4 mập mờ
Với bài toán này, đa phần mọi người đều cho rằng dữ liệu không rõ ràng, cách hỏi thiếu logic, khiến học sinh khó suy luận ra được kết quả. Trong đó, cụ thể 2 vế làm cho người xem liên tục đặt câu hỏi: “Ngày thứ ba bán kém ngày thứ nhất thứ hai 178 kg gạo” và “Hỏi cả ngày cửa hàng bán được bao nhiêu kg gạo” là hỏi riêng ngày thứ 3 hay là cả ba ngày?
Đã có thành viên là sinh viên nhưng cũng phải “chào thua” trước “độ khó bá đạo” của bài toán: “Đúng là có vấn đề thật. Mình là sinh viên, đọc đi đọc lại mà vẫn khó hiểu. Đặc biệt là câu hỏi đưa ra rất mập mờ khiến cho học sinh không biết nên đi theo hướng nào”.
Không xác định được nguồn của đề toán này từ đâu nhưng với sự quan tâm của cộng đồng mạng và những nghi vấn đó, bài toán trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi gay gắt.
“3 trừ mấy bằng 4”, “7 cộng mấy bằng 5”
Đối với sự nghi vấn của mọi người, giám đốc của NXB đã cho biết: đây là sai sót của đơn vị liên kết phụ trách, chịu trách nhiệm về nội dung và bản quyền. NXB cũng đã có yêu cầu thu hồi cuốn sách này sau khi biết thông tin.
Cũng tương tự như sai sót trên, có một bài tập Toán khác cũng bị chỉ trích khá nặng nề: 2…1…1 = 1 trong việc in ấn. Một thành viên đã tỏ ra khá bức xúc: “Chỉ là một phép toán đơn giản, nhưng sự sai sót của người biên tập và nhà xuất bản chẳng khác nào đang đánh đố học sinh. Như vậy là không chấp nhận được”.