Những câu hỏi xung quanh vấn đề tự chủ đại học
(Dân trí) - Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội rất quan tâm tới vấn đề tự chủ đại học, đặc biệt là với sự ra đời của ĐH FPT. Thế nhưng tăng quyền tự chủ này như thế nào trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì vẫn còn nhiều lúng túng, gây nhiều tranh luận.
Cần sớm tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH
Một trong những xu thế chung của giáo dục đại học ngày nay trên thế giới là tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt hơn những tín hiệu của thị trường lao động, yêu cầu của xã hội.
Mức độ được trao quyền tự chủ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, văn hoá , xã hội, môi trường chính trị. Hiện nay giáo dục đại học Việt Nam chưa có những bước chuyển động đáng kể trong việc gia tăng quyền tự chủ cho các trường đại học.
Các trường chưa được tự quyết định chương trình, nội dung, chỉ tiêu tuyển sinh, học phí, quản lý cán bộ... Số lượng các trường dân lập, tư thục, bán công còn ít. Tính đến hết năm 2005, trong số 311 trường ĐH, CĐ trên cả nước, chỉ có 37 trường dân lập, tư thục, bán công. Sự cạnh tranh giữa các trường còn thấp.
Bộ GD-ĐT cứ lo “quản” những công việc mà các trường hoàn toàn có thể làm được từ đó khiến các trường không chủ động trong công tác đào tạo. Chất lượng đào chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này là do tư duy về quản lý đại học còn nhiều bất cập không theo kịp yêu cầu của thực tiễn, không muốn giảm bớt quyền lựcở cấp Bộ quản lý.
Chính vì thế việc gia tăng quyền tự chủ đại học là việc hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Làm thế nào để gia tăng quyền tự chủ cho các trường đại học?
Việc tăng quyền tự chủ đại học phải giải quyết được yêu cầu: tự chủ đại học phải gắn liền với quản trị đại học. Quản trị đại học là nói đến cách thức quản trị để trường đại học có thể đạt được các mục tiêu đặt ra một cách hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm xã hội.
Trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, cộng đồng và nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch, trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng...
Để thực hiện yêu cầu tự chủ đại học phải gắn liền với quản trị đại học cần có hai điều kiện:
Thứ nhất, về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo cần thực hiện nhiệm vụ định hướng và đề ra chiến lược cho phát triển giáo dục, xây dựng lộ trình tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, ban hành các chuẩn mực thiết yếu của các trường ĐH (chuẩn mực hành chính, tài chính, các chuẩn mực học thuật), tiến hành công tác tổ chức kiểm định chất lượng đại học và kiểm toán tài chính độc lập, đảm bảo điều phối nguồn lực hiệu quả, thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và không can thiệp vào các công việc cụ thể của nhà trường.
Thứ hai, về phía các trường đại học cần phải có hội đồng trường để những quyết định đưa ra là vì lợi ích cộng đồng chứ không vì lợi ích của nhà trường hoặc một thế lực nào đó. Hội đồng trường là hội đồng quyền lực bao gồm cả sinh viên và các đại diện bên ngoài chứ không chỉ là các đại diện bên trong nhà trường.
Song Khuê