Những bữa ăn học đường bị cắt xén

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi canh cánh của phụ huynh học sinh. Thế nhưng phản ánh trên Dân trí trong năm qua, vẫn có những bữa ăn của trẻ em lèo tèo do bị cắt xén.

Những bữa ăn của học sinh bị cắt xén

Bản tin tối 16/12 của VTV24 phát đi thông tin 11 trẻ em Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT TH) Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cai chia nhau 2 gói mì tôm chan cơm khiến nhiều người sửng sốt. 

Cụ thể, khẩu phần mỗi em được một gói mì tôm nhưng thực tế 11 em ăn chung 2 gói mì nấu loãng, chan cơm. Ngoài ra, thực đơn liên quan đến thịt, giò, rau xanh..., của trường này cũng được cho là có bất thường.

Theo báo cáo mới nhất của chính quyền huyện Bắc Hà, thông tin bữa ăn bán trú của học sinh trường này bị cắt xén là có cơ sở; phụ huynh chưa nhận được tiền ăn thừa và chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập của con em.

Những bữa ăn học đường bị cắt xén - 1

11 học sinh chia nhau 2 gói mì tôm chan cơm ở Lào Cai (Ảnh: VTV24).

Qua xác minh, nhà trường có nhiều sai phạm như: nhiều bảng kê giao, nhận hàng hóa thực phẩm chưa được hiệu trưởng ký; phiếu chi tiền mặt không có số; bảng thu mua thực phẩm hàng ngày không khớp với bảng tổng hợp nhập thực phẩm của tháng.

Quy trình giao nhận thực phẩm của nhà trường chưa đúng, người nhận thực phẩm không ký bất kỳ sổ sách, không kiểm tra khối lượng và chất lượng thực phẩm.

Qua xác minh tại một số cơ sở cung cấp thực phẩm, số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.

Trước đó, khoảng tháng 10 vừa qua, hình ảnh suất cơm bán trú lèo tèo chỉ một miếng giò, vài miếng cá, thịt, ít cọng giá..., tại Trường THCS Yên Nghĩa (TP Hà Nội) khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Qua kiểm tra của phụ huynh cho thấy, có sự thiếu hụt thực phẩm so với định lượng. Cụ thể, thực phẩm đầu vào cho 500 suất ăn của trường gồm: 29kg cá rô phi, 12,5kg giò nạc, 0,5kg nạc mông (dùng nấu canh). Biên bản kiểm tra nêu rõ, số cá thiếu so với định lượng là 3,5kg.

Đơn vị cung cấp suất ăn tại trường này bị ngừng hợp đồng ngay sau đó.

Những bữa ăn học đường bị cắt xén - 2

Bữa ăn học đường lèo tèo rau cá ở Trường THCS Yên Nghĩa (Ảnh: PHCC).

Sự việc ở Trường THCS Yên Nghĩa chưa lắng xuống, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin phụ huynh phản ánh suất ăn bán trú của học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trị giá 33.000 đồng, nhưng chỉ có 2 quả trứng ốp la, một ít giá hẹ xào, canh lõng bõng nước cùng vài cọng rau muống và cơm.

Phụ huynh này cho biết, đã nhiều lần phản ánh với trường về suất ăn trưa của học sinh không đảm bảo chất lượng, nhưng nhà trường không quan tâm. Do quá bức xúc, phụ huynh đành chia sẻ lên mạng xã hội cùng lên tiếng.

Thông tin với phóng viên báo chí, thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa cho biết, suất ăn với trứng ốp la được chia sẻ trên mạng xã hội có thể là suất ăn riêng của học sinh yêu cầu, do ngoài những suất ăn trưa thông thường của học sinh, thì có những em có nhu cầu ăn chay, ăn cháo…, được yêu cầu từ trước. Còn thực tế, suất ăn của học sinh nhà trường hôm đó gồm nhiều món khác.

Cách đây chưa lâu, việc cắt xén bữa ăn học sinh xảy ra tại cơ sở mầm non độc lập AMIS ở Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Với tiền ăn 70.000 đồng/ngày nhưng bữa ăn của trẻ vô cùng ít ỏi, lèo tèo, thiếu thốn nào là nước cam loãng như nước lã, trái cây chỉ là quả nho cắt đôi với vài lát chuối mỏng... 

Đặc biệt, hình ảnh bữa ăn nhà trường cập nhật rất đầy đặn nhưng khi phụ huynh tìm hiểu thì thấy rõ thực tế bữa ăn không giống như trường đăng tải. 

Những bữa ăn học đường bị cắt xén - 3

Suất nước cam loãng như nước lã của một cơ sở giáo dục mầm non có mức tiền ăn 70.000 đồng/ngày ở Hà Nội (Ảnh: PHCC).

Tủi hờn từ bữa ăn học đường

Trước sự việc 11 học sinh ăn hai gói mì chan cơm tại Lào Cai vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.

Có thể nói bữa ăn học đường luôn là nỗi canh cánh của phụ huynh học sinh. Chị Thu Hương (khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi đón con về tôi chỉ hỏi con hôm nay được ăn những món gì, có ngon không, con ăn hết suất không…, mà không biết sự thật bữa ăn ngày hôm đó của con thế nào.

"Chúng tôi mong cơ quan chức năng cần giám sát chặt quy trình hoạt động của bếp ăn bán trú để chi phí mà phụ huynh chúng tôi bỏ ra được tương xứng với chất lượng bữa ăn của các con", chị Hương nói.

Tại hội thảo về bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính. Thậm chí một số nơi còn xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến học sinh phải nhập viện.

Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học.

Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.

Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn.

Vì vậy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tại Nhật Bản, quy định về bữa ăn học đường được đưa vào luật từ gần 70 năm trước, quy định cụ thể tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn ứng với từng lứa tuổi, với hàm lượng vi chất, khoáng chất chính xác, tỉ mỉ.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cũng cần có điều luật tương tự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm