Nhức nhối “chạy” biên chế
(Dân trí) - Một cô giáo sẵn sàng "đổi tình" với hy vọng vào biên chế, một nhà quản lý lợi dụng biên chế như miếng mồi nhử cho những dục vọng của bản thân...
Thời gian qua, “biên chế” có thể nói là hai từ nóng hổi và gây nhức nhối, nhất là trong ngành giáo dục với nhiều vấn đề bỏ ngỏ.
Cách đây không lâu, Bộ GD-ĐT đã có ý định đề xuất bỏ biên chế trong giáo viên. Ngay lập tức, trong đội ngũ nhà giáo tràn lên làn sóng phản đối. Một lần thử chạm đến “tấm áo” của nhà giáo, có thể thấy, biên chế có sức nặng đến thế nào.
Thẳng thắn mà nói, việc giáo viên ra trường “chạy” vào biên chế không phải là cá biệt, hiếm hoi. Không dám nói là phổ biến nhưng đủ ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân.
Ở Nghệ An quê tôi, nhiều bạn trẻ học hành tốt muốn thi vào Sư phạm để thực hiện ước mơ, để sau này về gần nhà, xây dựng quê hương nhưng không dám. Bởi các em tự hiểu rằng, khi mình ra trường, cha mẹ không đủ khả năng để xin việc cho con/hoặc không chấp nhận “chạy việc” theo cách không ít người đang làm.
Quanh họ, có những gia đình, bán trâu bò, bán đất cát... lấy tiền xin việc cho con để có thể được đi dạy hợp đồng với đồng lương không đủ tiền xăng xe. Thời gian này lại xoay sở mọi cách để vào biên chế.
Và chắc chắn điều này còn xảy ra tại nhiều địa phương khác. Tại một hội thảo về giáo dục diễn ra tại TPHCM, một nữ Thạc sĩ từ trường Cao đẳng Sư phạm Long An đã thẳng thắn rằng, ở chỗ mình, nhiều sinh viên ra trường than các em phải có ít nhất vài chục “chai” mới xin được đi dạy để làm giáo viên.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra bất cập có thật ở nhiều địa phương là giáo viên “chạy việc” rất khó, nhiều người phải “mai phục” dạy hợp đồng mãi vẫn không được vào biên chế.
Những phát biểu đó chưa nguôi thì ngay trước thềm năm học mới, sự việc “đổi tình lấy biên chế” giữa giáo viên hợp đồng và hiệu phó ở Đắk Lắk cho thêm câu trả lời đau đớn và nhức nhối.
Cô giáo dạy hợp đồng đã có gia đình chọn cách quan hệ tình cảm, đi nhà nghỉ với hiệu phó khi ông này hứa hẹn nhận cô vào biên chế. Mọi giá trị, mọi lý lẽ về đạo đức vỡ bung ngay trong môi trường giáo dục. Người ta không chỉ “chạy” bằng tiền, bằng mấy chục "chai", bằng mảnh đất bán đi... mà còn bằng tình, bằng tấm thân.
Một cô giáo sẵn sàng đổi tình, bán rẻ nhân phẩm với hy vọng vào biên chế. Còn hiệu phó một trường học lợi dụng biên chế như miếng mồi nhử cho những dục vọng của bản thân.
Biên chế là một chính sách của nhà nước nhưng lại đang hiện hữu như một món hàng để nhiều người mua bán, đổi chác.
Trong điều kiện hiện nay, nhà giáo muốn vào biên chế để yên tâm công tác cũng dễ hiểu. Thế nhưng, con đường để vào biên chế trong môi trường giáo dục dường như không thấy yếu tố năng lực, nỗ lực trong công việc, trong chuyên môn. Mà phải là những - thứ - gì - đó - khác.
Thế mà rồi bao nhiêu người cứ phân tích, mổ xẻ vì sao người giỏi "quay lưng" với Sư phạm. Nó hiện hữu thế kia...
Nói như một nhà quản lý một trường đào tạo Sư phạm ở TPHCM, nhiều người giỏi bỏ Sư phạm không chỉ vì lương thấp, công việc khó khăn mà phần lớn do “đầu ra” sau khi học Sư phạm để vào các trường đi dạy còn u ám và tăm tối lắm.
Hoài Nam