1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nhọc nhằn chuyện thi đại học ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ma Long đứng giữa sân trường, bị kẹp giữa bố và mẹ, mặt đầy lo lắng, tay cầm chai nước chè lạnh và đợi để hoàn thành nốt kỳ thi của mình, kỳ thi quyết định đến cả tương lai sau này của cậu. Nhưng cậu chỉ là một trong 9,5 triệu thí sinh khắp Trung Quốc thi vào đại học năm nay.

Ở Trung Quốc chuyện học hành có vai trò quan trọng không gì sánh bằng. Hai ngày thi vừa qua (kết thúc vào ngày hôm qua 8/6) chỉ là một trong vài sự kiện hiếm hoi khiến cả đất nước rộng lớn này như phải ngừng lại. Các thành phố yêu cầu lái xe không được bấm còi, tất cả các khu xây dựng phải ngừng lại, mọi con đường gần địa điểm thi bị đóng, các đường bay phải chuyển hướng… Tất cả nhằm giảm tiếng ồn, tránh gây mất tập trung cho các thí sinh.

 

“Đây là thời điểm quyết định cho tất cả những năm học trước. Kỳ thi này sẽ quyết định phần còn lại của cuộc đời chúng”, Ma Jingshun, nói hộ cậu con trai 18 tuổi, to béo và vụng về của mình. Giọng cậu đã lạc đi vì lo lắng và hồi hộp.

 

Không giống như ở Mỹ, điểm thi đầu vào chỉ là một trong những nhân tố để quyết định xét tuyển vào trường. Nhưng ở Trung Quốc, kỳ thì vào đại học, hay còn gọi là “gaokao”, quyết định tất cả. Thí sinh sẽ đăng ký ba trường cùng chuyên ngành của họ, sau đó là hi vọng kết quả thi đủ cao để giành một suất vào đại học.

 

Các hoạt động ngoại khoá (như ở Mỹ có thể là các môn thể thao, năng khiếu), cũng như điểm ở trường trung học không được tính đến. Ngoài ra, kỳ thi này cũng không xét đến các hoạt động tình nguyện của thí sinh cũng như bài luận để thuyết phục ban giám hiệu nhà trường.

 

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ có 5,7 triệu thí sinh (tương đương 60% thí sinh tham dự thi) sẽ được vào đại học. Thí sinh nào trượt phải đợi đến năm sau thi lại.

 

“Gia đình nào cũng thế, một khi có con chuẩn bị thi vào đại học, thì tất cả mọi thứ đều dành cho nó. Cuộc sống gia đình chỉ xoay quanh chuyện học hành của nó”, Ma Jingshun cho biết thêm. Trước khi đi làm, ông cũng muốn nán lại để động viên thêm cho đứa con. Nhưng có vẻ như sự hiện diện của người cha càng làm cho cậu bé cuống lên.

 

Truyền thống học thi đã trở thành một nét nổi bật trong văn hoá Trung Quốc suốt 2.000 năm qua. Thời xưa, các sĩ tử phải vượt qua nhiều kỳ thi khắc nghiệt mới được bổ nhiệm làm quan.

 

Trong những thập kỷ gần đây, chính sách một con của Trung Quốc đã tạo ra một trào lưu mới, đó là các bậc cha mẹ cũng như ông bà coi đứa con cháu duy nhất của mình như những “hoàng đế nhỏ”. Trong kỳ thi như thế này, họ lại càng quan tâm đến “hoàng đế nhỏ” một cách thái quá. 

 

Ma Long chọn học ngành kỹ sư máy tính tại trường Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Trong khi chờ đợi bên ngoài phòng thi ở trường Trung học Bắc Kinh số 119, ngôi trường bị lọt thỏm giữa các nhà cao tầng, chân cậu bồn chồn không yên. Cậu đã từ chối trả lời một câu hỏi bằng tiếng Anh, mặc dù môn thi chiều nay của cậu là môn tiếng Anh.

 

Ren Peijie, một thí sinh 20 tuổi có cái nhìn thực dụng hơn về kỳ thi này. “Anh thi vào trường bởi vì khi ra trường anh có thể có việc làm và kiếm sống được. Không ai đi thi chỉ vì để thi không”.

 

Cha mẹ của Ren Peijie ngồi ở nhà. “Chúng tôi là người theo đạo Thiên chúa, vì vậy họ sẽ cầu nguyện Chúa giúp tôi”, anh giải thích.

 

Còn mẹ của Ma Long, bà Wang Chunlan, đã dành cả hai ngày ngồi ở ngoài trường thi để đợi con, giữa cái nóng hè oi bức. Cùng với hàng chục ông bố bà mẹ khác, họ cố gắng động viên, khuyến khích đứa con của mình trong giờ nghỉ ăn trưa.

 

Ở một số địa điểm thi khác, thậm chí các tình nguyện viên còn phát những chiếc quạt giấy có in dòng chữ: “Giấc mơ sẽ thành hiện thực”.

 

Bà Wang cho biết bà đã nấu sẵn các món ăn cho con trai, những món ăn được cho là rất tốt cho các thí sinh bị mệt, với nhiều rau và ít mỡ. “Thức ăn nhiều mỡ không tốt cho trí não, làm cho não hoạt động kém”, bà còn cho biết thêm thức ăn nhiều chất quá có thể gây buồn nôn.

 

Song tất cả cố gắng của bà Wang còn chưa thấm tháp vào đâu so với một số gia đình khác.

 

Vào sáng ngày hôm qua, thứ sáu, một bà mẹ còn đắp một nắm thuốc đông y lên thái dương con trai mình. Theo báo chí, các ông bố bà mẹ ở Thượng Hải thậm chí còn định mua thuốc Ritalin để kích thích sự tập trung của con.

 

Một số gia đình khác còn thuê hẳn cả những “vú em” đặc biệt, có kiến thức về giáo dục hoặc tâm lý để giúp con cái họ chuẩn bị cho kỳ thi, làm cho họ thoải mái, và nấu những món ăn bổ dưỡng.

 

Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, các khách sạn gần trường thi không còn một chỗ trống. Cha mẹ các thí sinh đã đặt trước để con cái họ có thể nghỉ ngơi chút ít trong 3 tiếng rưỡi nghỉ ăn trưa.

 

Tác động của kỳ thi còn vượt ra ngoài phạm vi của các thí sinh và gia đình các em. Bởi các nhà chức trách khắp Trung Quốc cũng làm mọi cách để có chỗ nghỉ cho các em bị mệt.

 

Ở nhiều thành phố, cảnh sát làm việc cật lực để tránh gây tình trạng tắc đường, có thể làm các thí sinh đến phòng thi trễ. Hôm thứ năm, ít nhất ba thí sinh ở Bắc Kinh đã được xe cảnh sát chở đến tận trường thi.

Càng gần đến 5 giờ chiều, càng đông các ông bố bà mẹ đứng dọc hai bên cổng trường số 119, xô nhau tiến đến gần cánh cổng để đón các con thi xong ra về.

Bà Li Yukun tay nắm chặt bó hoa hồng phớt, để tặng cho cô con gái 18 tuổi của mình. Từ khi cô bé vào trung học, bà đã thuê gia sư về tận nhà dạy tất cả các ngày nghỉ cuối tuần.

“12 năm qua là 12 năm cực nhọc. Những bông hồng này là để cho thấy tôi quan tâm đến nó, nó đã học hành vất vả, không được nghỉ một ngày nào”, người mẹ nói.

Nguyên Hạ

Theo AP