Nhìn từ Úc, kinh nghiệm cải thiện xếp hạng toàn cầu cho ĐH Việt Nam

(Dân trí) - Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn “vắng bóng” trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu uy tín (QS, THE và ARWU). Nguyên nhân do đâu và làm sao để cải thiện xếp hạng đã được đưa ra với góc nhìn kinh nghiệm từ Úc - một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới.

Việt Nam không có tên trong 3 bảng xếp hạng toàn cầu

Ngày 26/10, Đại sứ quán Australia phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) và Trường Đại học Deakin, Australia tổ chức Hội thảo ASPIRES “Xếp hạng và Quản trị Đại học”.

Ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Sự cạnh tranh và hợp tác, trong đó có hợp tác quốc tế, là chìa khóa dẫn đến thành công của các trường đại học ở Australia”.

Theo bảng xếp hạng QS mới nhất, Australia có 7 trường đại học nằm trong top 100 trường đại học tốt nhất thế giới, trong đó ĐH Quốc gia Australia xếp hạng số 20. Nước này có 41 trường đại học và 130 cơ sở giáo dục bậc cao (không phải đại học) cung cấp các khóa học chuyên biệt.

Hơn 70 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và đại diện các trường đại học gặp gỡ, trao đổi.
Hơn 70 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và đại diện các trường đại học gặp gỡ, trao đổi.

Ông John Molony - Giám đốc Phát triển Quốc tế của ĐH Deakin, thành viên Ủy ban Cố vấn Bảng Xếp hạng QS (Quacquareli Symonds) đã mang đến một cái nhìn tổng quát về các hệ thống xếp hạng trường đại học thế giới, các tiêu chí đánh giá được sử dụng.

Theo đó, 3 bảng xếp hạng toàn cầu nổi trội gồm có: Bảng xếp hạng Thượng Hải - ARWU (ARWU Academic Ranking of World Universities), Bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings) và Bảng xếp hạng THE (THE World University Rankings).

Chuyên gia này cho biết, với các trường đại học Úc, bảng xếp hạng QS và THE phổ biến hơn cả. Và các bảng xếp hạng luôn gây ra nhiều tranh cãi, trong đó bảng xếp hạng Thượng Hải - ARWU thường gây nhiều tranh cãi hơn 2 bảng xếp hạng còn lại.

“Trong khi ARWU tập trung mạnh vào chỉ số nghiên cứu, số lượng giải Nobel, Field thì THE tập trung vào giảng dạy nhiều hơn. Nếu như QS sử dụng các dữ liệu được cung cấp (có 50% là thông tin có được từ giảng viên, nhà tuyển dụng), thì bảng xếp hạng Thượng Hải chỉ sử dụng những thông tin tìm được trên mạng. Đối tượng phỏng vấn của QS đa dạng, tất cả giảng viên đều có thể tham gia. Trong khi THE chủ yếu lấy ý kiến từ các giảng viên kỳ cựu…”, ông so sánh.

Hiện nay chưa có cái tên nào của Việt Nam lọt vào 3 bảng xếp hạng toàn cầu uy tín kể trên. Trong Bảng xếp hạng QS châu Á 2017, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM lần lượt giữ vị trí 139 và 142. Trong bảng xếp hạng theo ngành của QS năm 2017 cũng đã có mặt 2 trường đại học Việt Nam với ngành Ngôn ngữ học của ĐHQG Hà Nội và ngành Ngôn ngữ hiện đại của ĐHQG TP.HCM.

Các trường ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng QS Châu Á.
Các trường ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng QS Châu Á.

Đề xuất để cải thiện vị trí xếp hạng đại học cho Việt Nam

Giáo sư Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho rằng: “Trong kỉ nguyên toàn cầu hóa, xếp hạng đại học là một xu thế chung của giáo dục đại học trên thế giới. Chất lượng và quản trị là hai yếu tố tương quan giúp việc cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng”.

Ông John Molony nhấn mạnh, có 6 tiêu chí mà các bảng xếp hạng sẽ đánh giá gồm: danh tiếng của đội ngũ chuyên môn, danh tiếng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/ khoa, trích dẫn của từng khoa, tỷ lệ quốc tế hóa của khoa và tỷ lệ sinh viên quốc tế.

“Trong đó, tỉ lệ học sinh - giáo viên, số lượng các bài báo khoa học, và chất lượng của sinh viên khi ra trường là những tiêu chí thiết thực nhất mà các trường đại học Việt Nam nên ưu tiên để cải thiện thứ hạng của mình”, ông lưu ý.

Chuyên gia này đưa ra 3 đề xuất để cải thiện vị trí xếp hạng: cải thiện độ nhận diện của trường, sắp xếp dữ liệu, xây dựng tiềm lực nghiên cứu.

Để có mức độ nhận diện tốt về trường trong cộng đồng chuyên môn trong nước, quốc tế và nhà tuyển dụng, các trường nên năng động trong việc trao đổi, đối thoại với các tổ chức xếp hạng lớn; quảng cáo - đẩy mạnh danh tiếng trường thông qua việc giới thiệu thế mạnh nghiên cứu trong xếp hạng THE; đề cử các giảng viên và nhà tuyển dụng toàn cầu cho khảo sát của QS.

Về sắp xếp dữ liệu, các cơ sở giáo dục đại học cần sắp xếp dữ liệu về tỷ lệ sinh viên/ khoa, trích dẫn của mỗi khoa, tỷ lệ quốc tế hóa của khoa, tỷ lệ sinh viên quốc tế một cách khoa học, chi tiết.

Thành viên Ủy ban Cố vấn bảng xếp hạng QS cũng lưu ý các trường đại học Việt Nam: Tránh xuất bản dưới tên một tác giả, nên đồng xuất bản cùng các giảng viên từ nhiều trường, nhiều quốc gia khác; xây dựng tiềm lực nghiên cứu bằng việc tuyển dụng các nghiên cứu viên có tiềm năng, tuyển dụng nghiên cứu viên HI-CI… Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, những điều này không hề dễ dàng thực hiện.

"Các trường đại học Việt Nam có thể đủ điều kiện để tham gia các bảng xếp hạng theo ngành, vùng và độ tuổi của trường. Với QS, trường có thể lấy ý kiến của giảng viên qua hệ thống trả lời mở. Đây là cơ hội để tăng vị trí của mình. Điều này là không thể với bảng xếp hạng của Thượng Hải hay THE”, ông Molonny chia sẻ.

Xây dựng khung chuẩn chất lượng đại học

Nói về kinh nghiệm phát triển những trường đại học đẳng cấp thế giới, bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Australia nhấn mạnh: "Điều làm nên chất lượng của các trường đại học ở Australia là sự tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học. Các trường đại học phải thể hiện được độ sâu trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, chất lượng đạt chuẩn ít nhất 3 chuyên ngành”.

Bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Australia.
Bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Australia.

Bà Joanna Wood cho hay, Ở Australia, có 2 cơ quan đảm bảo kiểm định chất lượng ở bậc đại học, cao đẳng (đào tạo nghề) là TEQSA và ASQR. Hai cơ quan này được thành lập bởi Chính phủ nhưng khá độc lập, không nằm dưới Bộ Giáo dục Úc. Họ làm nhiệm vụ đảm bảo tất cả các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ở nước này đạt chuẩn trình độ chất lượng theo yêu cầu của khung trình độ quốc gia Úc. Nếu không đủ chuẩn thì không được cấp phép hoạt động.

Với hệ thống kiểm định đó, sinh viên của Úc dù học ở bất kỳ trường đại học, cao đẳng thuộc bang nào thì chất lượng luôn luôn đạt mức tối thiểu mà Chính phủ nước này yêu cầu. Và dù mỗi trường có thế mạnh hay sứ mệnh riêng thì chuẩn chất lượng chung đều được đảm bảo như nhau. Mặt khác, các chỉ số cụ thể về chất lượng (giáo viên, đầu ra, khả năng nghiên cứu…) luôn được công khai, minh bạch để phụ huynh và thí sinh tham khảo. Đó là lý do quan trọng giúp Úc trở thành một những quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm