Bạn đọc viết:
“Nhìn mặt, đặt danh hiệu thi đua!”
(Dân trí) - Nhân bài viết “Giáo viên với thi đua, thôi đừng nhắc” đăng trên báo Dân trí, bản thân tôi cũng muốn góp một tiếng nói về công tác thi đua trong trường học. Có hay không tình trạng “nhìn mặt, đặt danh hiệu thi đua”? Có hay không sự cả nể, ưu ái những người có “chức sắc” trong nhà trường?
Có hay không sự phân biệt đối xử trong thi đua giữa người này với người khác?
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác thi đua khen thưởng trong một số trường học hiện nay chưa thật sự công bằng, dân chủ. Những danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực suốt một năm học của giáo viên. Tiền thưởng đi kèm danh hiệu không nhiều nhưng tính động viên, khích lệ lại rất lớn.
Vậy mà không phải lúc nào sự phấn đấu của một số cá nhân cũng được công nhận. Tình trạng làm nhiều hưởng ít, làm chẳng bao nhiêu lại được khen nức nở và các vụ lùm xùm khiếu kiện liên quan đến danh hiệu thi đua cuối năm học đã xảy ra ở một vài trường học. Tại sao ư?
Hội đồng thi đua nhà trường thường bao gồm ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, bí thư chi đoàn, tổng phụ trách đội, các tổ trưởng chuyên môn, thư ký hội đồng. Khi tính dân chủ không được phát huy, các danh hiệu Chiến sĩ thi đua dễ dàng “rơi” vào các thành viên hội đồng thi đua.
Đó không phải là chuyện hiếm gặp, nhất là khi tỉ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở đang bị siết chặt và ít ỏi hơn trước. Nói cách khác, ai có mặt trên bàn họp thi đua sẽ chiếm ưu thế hơn trong việc xét danh hiệu. Bởi vậy, ngay từ đầu năm học, mỗi khi đăng ký danh hiệu thi đua, thường thường ban giám hiệu, người đứng đầu các đoàn thể và các tổ trưởng chuyên môn nghiễm nhiên chiếm một xuất cho danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Còn giáo viên muốn đăng ký thì ngay lập tức được đồng nghiệp rỉ tai nhau: “Đừng bon chen!”.
Hậu quả của việc bình xét thiếu công bằng ấy là gì? Nỗ lực phấn đấu, cống hiến của nhiều giáo viên, nhân viên bị bào mòn và thui chột ít nhiều. Tự nhủ “chẳng bao giờ với tới các danh hiệu thi đua sang chảnh ấy”, làm việc cầm chừng, hoàn thành trách nhiệm được giao trong giới hạn vừa đủ… là những mầm mống cực kỳ nguy hại.
Tính chủ động, năng lực sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của người thầy bị một sợi dây vô hình trói chặt, đè nén, kìm hãm như thế thì những khát vọng cao đẹp của công cuộc cải cách, đổi mới giáo dục sẽ chẳng bao giờ đạt được.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng đáng buồn: Dân chủ còn rất hình thức, sơ sài, cá biệt có những trường hợp mất dân chủ trầm trọng. Những nghịch lý, những lỗ hổng đang tồn tại hiển nhiên theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng nhiều người vẫn ngại, né, tránh đề cập vì nhiều lý do. Dẫu biết “sự thật mất lòng” nhưng “thuốc đắng sẽ dã tật”…
Các giải pháp xây dựng cách thức đánh giá chính xác, khách quan; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng; thay đổi cơ chế bổ nhiệm, giám sát lãnh đạo đơn vị trường học… đã được đề xuất. Tuy nhiên, tính thực tế và hữu dụng của chúng vần còn nằm trên giấy.
Và khi công tác thi đua khen thưởng trong trường học chưa thật sự công bằng, khách quan như hiện nay thì vấn đề xóa bỏ biên chế trong giáo dục lại được đặt ra khiến người ta không khỏi trăn trở. Thực hiện chế độ giáo viên theo hợp đồng, có vào có ra và đánh giá giáo viên theo năng lực sẽ là một giấc mơ xa tầm tay…
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!