Nhiều vụ đánh hội đồng của học sinh đều giống cách hành xử của Khá “bảnh”

(Dân trí) - Những vụ đánh hội đồng, bạo lực trong học đường gần đây có đến 80% cách hành xử và quá trình xảy ra sự việc giống với cách mà Khá “bảnh”, cu Thóc dạy dỗ và dằn mặt “đàn em” của mình trong các video đăng tải.

TS Nguyễn Thanh Nga chuyên gia tâm lý học (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Đây là hiện tượng cực kì nguy hiểm và đáng báo động cho giới trẻ hiện nay về sự xuống cấp đạo đức và môi trường văn hóa học đường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng”.

Vết trượt dài, không ai quản lý

TS Nguyễn Thanh Nga cho biết, rất nhiều lần tôi mất hàng giờ đồng hồ để ngồi xem những đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội youtube về Ngô Bá Khá, biệt danh Khá “bảnh”; cu Thóc… những lời lẽ văng tục’ chửi bới; dằn mặt đòi nợ thuê; hù dọa thanh trừng của các cậu giang hồ mình đầy xăm trổ, tóc tai quái dị nhưng tuổi đời cực kì non trẻ.

Nhiều vụ đánh hội đồng của học sinh đều giống cách hành xử của Khá “bảnh” - 1
Các video theo mô tuýp “giang hồ mạng” của Khá “bảnh”, cu Thóc luôn thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận mỗi ngày. (ảnh minh họa)

Tuy những video đó không nói thẳng hay dạy dỗ các bạn trẻ phải làm gì, nhưng chính những câu chuyện ấy đã làm giới trẻ học theo, đua đòi muốn thể hiện mình theo cơn “sốt” mang tên “múa quạt”, bay lắc, hút cần, hút ke, xăm mình, bắt quỳ xin lỗi…

Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc xem và bình luận, nhiều bạn trẻ hiện nay đang coi Khá “bảnh” và cu Thóc là thần tượng sống, bắt chước theo những phát ngôn, đu theo cái gọi là chân lý sống “dởm đời” của những anh chị “giang hồ mạng”.

Lý do vì sao các bạn trẻ lại yêu thích những video này đó chính là ngôn ngữ; những ngôn từ được cậu Khá “bảnh”, cu Thóc sử dụng rất gần gũi, am hiểu và đánh đúng vào điểm yếu, thích thể hiện mình, hô hào xây dựng lối sống sành điệu mà chiếm lòng thiện cảm. Dần dần chính sự bỏ ngỏ của phụ huynh mà con trẻ tưởng rằng đó là hay ho và học theo.

Nếu lật ngược lại vấn đề, những vụ đánh hội đồng, bạo lực trong học đường gần đây có đến 80% cách hành xử và quá trình xảy ra sự việc giống với cách mà Khá “bảnh”, cu Thóc dạy dỗ và dằn mặt “đàn em” của mình trong các video đăng tải.

“Tôi xin nhấn mạnh, đây là hiện tượng cực kì nguy hiểm và đáng báo động cho giới trẻ hiện nay về sự xuống cấp đạo đức và môi trường văn hóa học đường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Dẫu biết rằng chúng ta luôn tôn trọng quyền quyết định của con trẻ, nhưng cũng không thể để các em bị ảnh hưởng bởi các lối sống đi ngược lại pháp luật và chuẩn mực xã hội như vậy” - TS Nguyễn Thanh Nga nói.

Cô giáo Trần Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng, Phú Thọ băn khoăn, không hiểu vì sao trong suốt thời gian vừa qua các cơ quan chức năng quản lý thông tin mạng ở đâu lại để hiện tượng “giang hồ mạng” mặc nhiên “lộng hành” tới vậy. Chính sự chủ quan của xã hội đã gây ra không những vụ bạo hành tập thể của các em học sinh tuổi đời còn non trẻ. Đây là sự đau lòng, là vết trượt dài trong giáo dục lối sống cho học sinh.

Còn nhiều hiện tượng Khá “bảnh” khác

TS Thân Hồng Đức, Khoa Xã hội học, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng những hiện tượng “giang hồ mạng” đã ảnh hưởng xấu đến nhận thức trẻ con, khiến con cái chúng ta học theo khi ngoài tầm mắt của phụ huynh. Nếu ngồi ở quán trà sữa hay căng teen trường học, dễ dàng chứng kiến hàng loạt các ngôn từ tục tĩu mặc sức văng ra từ các cô cậu học sinh mà không ai quản lý nổi.

“Không tự nhiên hầu hết các câu nói của bố mẹ những người phạm tội đều là “ở nhà cháu rất ngoan và chăm chỉ”. Xin thưa, chính những bạn trẻ càng ngoan hiền lại càng dễ bị “nhiễm khuẩn” từ mạng xã hội và bùng nổ bất cứ khi nào. Tôi xin nói để các bậc phụ huynh hiểu và tìm hướng dạy con trẻ tốt hơn, hoàn thiện hơn, không bị vẩn đục vì những hiện tượng “giang hồ mạng”, TS Thân Hồng Đức.

Ngày hôm nay, Khá “bảnh”, cu Thóc đã bị bắt giam vì dương tính với ma túy, tổ chức đánh bạc kiếm lợi bất chính… Nhưng cốt lõi của vấn đề chưa dừng lại ở đây, vì trên mạng xã hội có hàng trăm người như Khá “bảnh”, cu Thóc vẫn đang tiếp tục dạy sóng trong lòng giới trẻ.

Do đó, mong các bậc phụ huynh cũng đừng vội “kê cao gối” yên tâm khi những hiện tượng xấu này bị bắt, không được mất cảnh giác và cũng đừng chờ đến khi xảy ra rồi mới ra tay để xử lý, khi đó đã muộn màng.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia Tâm lý Giáo dục (trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) cho rằng, hiện tượng thần tượng các “giang hồ mạng” của giới trẻ hiện nay cho thấy những suy nghĩ vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức thông thường, là biểu hiện của sự phá cách thể hiện cái tôi trong tâm lý theo chiều hướng tiêu cực.

Điều này đang đặt ra bài toán về giáo dục giá trị sống và định hướng cho học sinh xử lý đúng cách thay vì bị ô nhiễm bởi những điều sai trái đang được tung hô thái quá trên mạng xã hội.

Ngay lúc này, phụ huynh cần quan tâm hơn nữa con mình, dành thời gian cho con, học cách làm bạn để hiểu ngôn ngữ, thế giới riêng của con trẻ.

Đồng thời kiểm soát việc theo dõi các trang mạng xã hội của con để kịp thời tham gia tư vấn, chỉ rõ điểm đúng và sai từ những video đó cho con tránh khỏi con a dua học theo cách hành xử. Cần tạo ra môi trường mạng xã hội “sạch” để bảo vệ con tránh khỏi những tác nhân xấu ảnh hưởng đến lối tư duy của con, PGS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Đồng thời, Nhà trường cần tăng cường giáo dục giá trị đạo đức lối sống và định hướng mẫu thần tượng cho con trẻ ngay từ khi bước chân vào lớp một để các em hiệu được giá trị đúng đắn và phù hợp với chuẩn mực xã hội. Mỗi thầy cô là người luôn bám sát, dõi theo hành động của học trò để thấu hiểu và kịp thời ngăn chặn các hành vi trái đạo đức, pháp luật ngay từ khi là mầm mống.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm