Hà Nội:
Nhiều trường THPT cắt xén chương trình học
(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa thực hiện kiểm tra 28 trường THPT trên địa bàn thành phố, trong đó 14 trường công lập và 14 trường ngoài công lập, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều trường cắt xén chương trình học.
Chương trình GDPT của nhiều trường không được thực hiện nghiêm túc: Cắt xén chương trình ở một số môn như GDQP-AN, Công nghệ, Thể dục, Tin học (THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy). Dạy dồn chương trình kết thúc sớm một số môn GDCD, GDQP-AN và môn Thể dục, Tin học để luyện thi và tăng cường cho các môn khác mà tổng số tiết/môn/năm học không đảm bảo đủ theo quy định (THPT Vạn Xuân - Long Biên, THPT Đông Đô, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy); đã kiểm tra học kì II môn Lịch sử (THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy).
Cắt bỏ nội dung thực hành trong chương trình của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy). Môn Thể dục chỉ thực hiện 1 tiết/tuần, có trang thiết bị và đồ dùng dạy học nhưng chưa sử dụng (THPT Mairie Cuirie); không thực hiện giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo dục ngoài giờ lên lớp (THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy).
Xếp thời khóa biểu tùy tiện, ghép đôi, ghép ba các môn không đúng qui định. Giữa sổ ghi đầu bài, lịch báo giảng, thời khóa biểu không khớp. (THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy). Thời khóa biểu chưa rõ thời gian thực hiện để việc kiểm tra, đối chiếu thuận lợi. Cần xây dựng lại phân phối chương trình môn học theo hướng dẫn; bổ sung sổ phổ cập giáo dục. (THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất, Phú Bình – Quốc Oai, Phùng Khắc Khoan – Thạch Thất, Bắc Đuống, Marie Cuirie, Trần Quang Khải, Bắc Hà…).
Các loại hồ sơ sổ sách như sổ nghị quyết, sổ hội đồng, sổ sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, sổ theo dõi và sử dụng đồ dùng dạy học không có; hệ thống hồ sơ sổ sách chưa quy chuẩn. Lịch báo giảng tự chế; sự quản lý kiểm tra trong các sổ sách không được thể hiện(THPT Lương Thế Vinh - Cầu Giấy).
Việc cập nhật điểm trong sổ gọi tên ghi điểm chỉ được thực hiện 01 lần vào cuối học kỳ, cuối năm (THPT Đông Đô). Việc ra đề kiểm tra thường xuyên các môn nặng về kiến thức của lớp trên, nhất là môn Vật lý. Trường học 2 buổi/ngày, 4tiết/buổi của cả tuần là nặng, quá tải cho học sinh (THPT Đông Đô).
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh cho biết: "Trên đây là kết quả kiểm tra đợt 1. Sở yêu cầu các nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành chương trình GDPT đúng tiến độ. Sở tiếp tục kiểm tra và có báo cáo tổng thể vào đầu tháng 4/2014".
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp năm 2014. Theo đó, các trường THPT phải hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch đề ra và tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định để tổ chức ôn thi.
Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 thì Sở GD-ĐT các địa phương yêu cầu các trường THPT tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Chủ động triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó chú ý đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập và thi cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Cụ thể: Các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP. Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.
Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.
Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học; kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức. Báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.