Nhiều trường đại học thành lập Hội đồng trường để đối phó
(Dân trí) - Đến nay, nhiều trường đại học công lập ở Việt Nam không thiết tha với mô hình Hội đồng trường, nếu có cũng rất hình thức, đối phó, nguyên nhân vì sao?
Để thực hiện tự chủ đại học, Hội đồng trường (HĐT) là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của một tổ chức dân chủ. Theo đó, quyết định chiến lược của một trường đại học được đưa ra bởi HĐT - những người đại diện cho chủ sở hữu. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình nâng cao quyền tự chủ, qua đó nâng cao chất lượng GDĐH đáp ứng nhu cầu xã hội.
Khó chào đón Hội đồng trường
Theo khảo sát về tự chủ đại học (khảo sát Hội đồng trường ở những trường đại học đang thực hiện tự chủ) của nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế quốc dân, hiện nay, 8/12 trường đã tự chủ trên 2 năm có Hội đồng trường (HĐT), chiếm tỷ lệ 66,7%. So với các trường chưa tự chủ và toàn hệ thống, tỷ lệ các trường đại học tự chủ có HĐT cao hơn rất nhiều (tỷ lệ cho các nhóm trường chưa tự chủ là 32,1% và tổng thể các trường ĐH tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có HĐT).
Thực tế này xuất phát từ nhận thức của các trường đại học tự chủ về sự cần thiết phải có HĐT để phê chuẩn các chủ trương chính sách lớn thay cho việc báo cáo và xin chấp thuận của cơ quan chủ quản như trước tự chủ. Với các trường đại học đã tự chủ và có HĐT, các chủ trương lớn thường được thông qua nhanh hơn và triển khai hiệu quả hơn do nhà trường chủ động được quá trình xây dựng và thông qua các chủ trương lớn.
Tuy vậy, vẫn còn 4/12 trường được trao tự chủ nhưng chưa thành lập được HĐT. Việc chậm thành lập HĐT ở phần lớn các trường tự chủ hoặc có những trường vẫn chưa thành lập được Hội đồng trường xuất phát từ những nguyên nhân là do khung pháp lý về thành lập và hoạt động của HĐT đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng để tiến hành các hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới hoạt động của trường theo hướng tự chủ.
Bên cạnh đó, thiếu một chế tài đủ mạnh đối với trường đại học tự chủ nhưng không thành lập HĐT; Do các mô hình HĐT hoạt động hiệu quả ở Việt Nam còn khá ít, các trường không có điều kiện để kế thừa, học hỏi lẫn nhau; nhân sự Chủ tịch HĐT và các thành viên HĐT cũng là một trở ngại khi nhiều trường không dễ dàng tìm được nhân sự làm Chủ tịch HĐT thích hợp.
So với các thực thể có quyền quyết định đến chiến lược, chủ trương lớn khác bao gồm cơ quan chủ quản và Đảng ủy, HĐT sinh sau nhưng lại có thẩm quyền tương tự như những bộ chủ quản hay Đảng ủy. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, HĐT không phải lúc nào cũng được chào đón khi chưa có cơ chế phân định rõ ràng thẩm quyền của những cơ quan này.
Về hoạt động của Hội đồng trường, vẫn còn không ít trường chưa nhận thức đúng và đủ vai trò, chức năng của HĐT. Bên cạnh đó thiếu hướng dẫn cũng như các quy định liên quan tới HĐT cũng là một nguyên nhân dẫn đến vai trò mờ nhạt của HĐT.
Một số trường thì Chủ tịch HĐT là trưởng một đơn vị trong trường, là cấp dưới của Hiệu trưởng nên khả năng điều hành cuộc họp với thành viên là BGH thường hạn chế. Vai trò của Chủ tịch HĐT do đó thường bị lu mờ hoặc bị lấn át.
Ngoài ra, việc HĐT không có bộ máy giúp việc độc lập, không sử dụng tư vấn ngoài do đó thông tin để HĐT ra quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thông tin do BGH cung cấp. Điều này cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của HĐT.
Mờ nhạt trong hoạt động
Nhóm nghiên cứu cho biết, vai trò giám sát của HĐT rất mờ nhạt. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do phần lớn là thành viên HĐT là trưởng đơn vị cấp dưới trực tiếp của Hiệu trưởng nên bị xung đột lợi ích khi thực hiện vai trò giám sát.
Những thành viên HĐT này có xu hướng bảo vệ lợi ích của mình trong vai trò là Trưởng đơn vị thuộc trường (cấp dưới của Hiệu trưởng) hơn là ở vai trò thành viên HĐT. Đối với thành viên bên ngoài trường, việc có ít thông tin, hiểu biết về trường và nhiều trường hợp có quá ít thời gian cho hoạt động của HĐT nên việc tham gia hoạt động giám sát là rất hạn chế.
Ngoài ra, một số HĐT có đại diện cơ quan chủ quản không phải là người theo dõi hay phụ trách cơ sở/mảng giáo dục nên chưa hiểu rõ về trường, chưa có mối quan tâm thực sự hoặc không bố trí được thời gian cho hoạt động của HĐT, thậm chí ít tham gia các cuộc họp. Do đó, vai trò giám sát của cơ quan chủ quản cũng không thực sự rõ nét.
Quyền hạn bị "vô hiệu quá"
Nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chỉ ra những bất cập của Hội đồng trường hiện nay, cụ thể:
Sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách. Mặc dù đã có những quy định về thành lập và hoạt động của HĐT, nhưng, các quy định còn chưa thực sự rõ ràng, ăn khớp và bổ sung lẫn nhau.
Điều đó có thể đẩy Hiệu trưởng và Chủ tịch HĐT tới những mâu thuẫn về quyền lực hoặc HĐT bị vô hiệu hóa về quyền hạn. Hơn thế nữa, việc thể hiện của các văn bản cũng làm ảnh hưởng tới “vị thế” của HĐT khi luôn lấy chuẩn của BGH và Hiệu trưởng để gắn cho HĐT và Chủ tịch HĐT.
HĐT còn chưa được gắn với trách nhiệm giải trình và báo cáo, mọi mối liên hệ đến nhà trường đều thông qua BGH.
Thậm chí, Bộ GD&ĐT còn chưa phân công cụ thể một đơn vị/đầu mốitheo dõi và phát triển hoạt động của các HĐT.
Chủ tịch HĐT không được mời tham dự các hội nghị tổng kết năm học, không được tạo môi trường để trao đổi kinh nghiệm và nắm bắt thông tin về các hoạt động giáo dục đại học...
Mối quan hệ giữa Đảng uỷ và HĐT, thậm chí là với BGH chưa rõ ràng, chưa được phân định trong mối quan hệ giữa ba tổ chức trên.
Mô hình quản trị đại học của Việt Nam hiện nay đang tồn tại song song HĐT và Đảng ủy cùng định hướng và giám sát toàn bộ hoạt động của trường. HĐT được giao quyền lực rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm Hiệu trưởng (đây là quyền của cơ quan chủ quản). Vì vậy, Hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước HĐT.
Bên cạnh đó, Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với HĐT.
Hội đồng trường chỉ là hình thức
Sự khác biệt rõ ràng của Việt Nam so với các trường đại học thế giới là mối quan hệ giữa Đảng ủy – HĐT. Ở các trường đại học trên thế giới, hoạt động của trường đại học hầu như không gắn với tổ chức đảng. Cả HĐT và Đảng ủy đều quyết nghị những vấn đề chiến lược về sự phát triển của nhà trường, vì vậy cần phân định rõ những phạm vi quyết nghị để tránh chồng chéo.
Hiện nay, thông thường đa số các chủ trương đều phải thông qua cả ba cấp Ban giám hiệu, Đảng ủy, HĐT. HĐT có vai trò quản trị và hoạch định chiến lược nhưng chưa thể đảm bảo tính Quyết định một phần vì lý do trên, do đó, HĐT chỉ là hình thức.
Các cơ quan chủ quản cũng chưa quyết liệt trong việc thành lập HĐT. Có ý kiến cho rằng, các cơ quan chủ quản cũng chưa muốn “buông” các trường đại học, vẫn muốn “quản”, vì thế việc vừa có HĐT, vừa có cơ quan chủ quản là không cần thiết.
Việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và thực hiện đầy đủ quyền tự chủ vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, Hiệu trưởng các trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực. Hoặc trong nhiều trường hợp, Hiệu trưởng lúng túng khi vừa là thành viên HĐT, vừa là Bí thư Đảng bộ; Chủ tịch HĐT lúng túng khi thực hiện chức năng tổ chức quản trị và đại diện sở hữu của nhà trường.
Đặc biệt, tiêu chuẩn tham gia HĐT với những quy định chưa đủ cụ thể rõ ràng, đôi khi cứng nhắc làm ảnh hưởng tới khả năng lựa chọn các thành viên HĐT.
Theo nhóm nghiên cứu, hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Dường như tổ chức này đang đứng ngoài chưa thực hiện được hết chức năng quy định quá trình quản lý. Sự tham gia của HĐT vào một số hoạt động còn hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò giới thiệu nhân sự hoặc yêu cầu Hiệu trưởng giải trình.
Đặc biệt, nguồn kinh phí cho hoạt động của HĐT phục thuộc vào kinh phí của Nhà trường do Hiệu trưởng quyết định. Việc nhà trường chưa phân bổ kinh phí ổn định, trong khi thành viên trong trường tham gia HĐT lại kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ của mình dưới quyền của Hiệu trưởng, ăn lương do Hiệu trưởng chi trả.
Nhóm nghiên cứu kết luận, vì các lý do trên, cho đến nay, nhiều trường đại học công lập ở Việt Nam không thiết tha với mô hình HĐT, nếu có cũng rất hình thức, đối phó.
Hoạt động của HĐT vẫn còn có những lúng túng, thiếu cụ thể trong chức năng nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các quyết nghị.
Chính vì vậy, các đánh giá chung hiện nay đều cho rằng HĐT tồn tại khá hình thức, hoạt động chưa tương xứng, không có mô hình cụ thể, chủ yếu là các trường thực hiện một cách tự phát. Đặc biệt, so với HĐT của các trường đại học trên thế giới, hoạt động của HĐT Việt Nam còn thiếu mạnh mẽ và chưa phát huy được tính dân chủ trong nhà trường.
Nhật Hồng