Hội đồng trường: “Tấm đệm giảm xung” cho trường đại học và hiệu trưởng
(Dân trí) - Hiện nay các trường ĐH Việt Nam cũng đã giống như các trường ĐH trên thế giới, đều lúng túng trước những vấn đề phải “đánh đổi” (trade-offs) với nhau, có thể nói gói gọn trong hai từ là “chất lượng và tài chính”.
Và đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn và ngày càng lớn của xã hội, trước hết là của SV và những “nhóm có lợi ích liên quan”, đè nặng lên các trường ĐH trong bối cảnh cơ chế “dân chủ cơ sở” ngày càng được mở rộng.
GS. Phạm Phụ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã có những phân tích cụ thể sâu sắc về vấn đề này trong bài "Cơ chế Hội đồng trường ở trường đại học", Dân trí xin trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Tại sao phải có cơ chế Hội đồng?
Đương nhiên câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là: “Tại sao lại phải có cơ chế hội đồng để làm cho việc quản trị của một tổ chức trở thành phức tạp hơn? Để tìm câu trả lời cho vấn đề này chúng tôi đã cố sưu tầm khá nhiều tài liệu về quản trị ĐH nhưng thực tình chỉ thấy thế giới tiếp tục thảo luận và tranh luận về phân chia thẩm quyền trong GDĐH, về trách nhiệm xã hội (Accountability) của trường ĐH, về kiểu và cơ cấu Hội đồng trường (HĐT) mới… mà chưa thấy tài liệu nào trực tiếp nêu ra những vấn đề liên quan đến câu hỏi nói trên.
Phải chăng, với thế giới, việc có hay không có HĐT còn là một câu hỏi và cơ chế HĐT là tất yếu?
Tuy nhiên có thể thấy rằng, một đặc điểm lớn của xã hội ngày nay là chủ sở hữu (CSH) của hầu hết các tổ chức này đều khá “mơ hồ”.
CSH hoặc là “Nhà nước” chỉ có tính chất danh nghĩa như ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc là một cộng đồng rộng lớn, hoặc là ai đó mà người quản trị tổ chức này đang được ủy thác, nhưng rất khó nói họ là ai? Và do vậy người ta gọi CSH ở đây là “CSH khuyết danh” hay “CSH cộng đồng”.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, phần lớn các “CSH cộng đồng” cũng không ý thức được mình là CSH (!). Ví dụ, ai là CSH của một trường ĐH công lập? là Nhà nước? Chỉ có tính chất danh nghĩa như đã nói ở trên và rất nhiều “CSH” cũng không nghĩ rằng mình là người có chủ quyền (Ownership) đối với trường ĐH đó.
Ngày nay người ta quan niệm “Những nhóm lợi ích có liên quan” như cơ quan chủ quản, thầy giáo, cán bộ công nhân viên, sinh viên, khách hàng, người tài trợ, trường ĐH bạn, người đóng thuế, nhân dân trong vùng… là những người có chủ quyền đối với trường ĐH.
Ở các tổ chức có tính chất “CSH cộng đồng” như vậy, thường có ba đặc điểm sau đây liên quan đến sự cần thiết của một Hội đồng:
Thứ nhất, nhiều vấn đề cần phải ra-quyết-định trong thực tế thường có tính chất “đa-mục-tiêu”. Khi đó, gần như không có khái niệm lời giải tốt nhất, lời giải đúng theo nghĩa thông thường mà chỉ có “lời giải thích hợp” phụ thuộc vào “sở thích” (Preference) của người ra-quyết-định. Sở thích ở đây phải là sở thích của “CSH cộng đồng”, mà hội đồng là những người đại diện cho họ chứ không phải của cá nhân người “thủ trưởng” của tố chức đó
Thứ hai,một tổ chức luôn luôn cần sự thay đổi để đổi mới. Nhưng mọi thay đổi luôn kèm theo “rủi ro”. Người thủ trưởng” thực thi, để yên vị được “chiếc ghế” của mình, thường không dám chấp nhận những rủi ro đó. Chỉ có HĐ đại diện của “CSH cộng đồng” mới dám chấp nhận những hành động “may nhờ rủi chịu” như vậy (Rủi ro có hệ thống càng lớn thì nói chung hiệu quả càng cao).
Chính vì vậy, người ta nói “ảnh hưởng chủ yếu của HĐ là tạo ra sự thay đổi”.
Thứ ba, ở các tổ chức này luôn có sự tách rời giữa quyền sử dụng (QSD) và QSH. QSD là của người quản lý nhưng QSH là của “CSH cộng đồng”. Vì vậy, như luôn có một “tổn thất” của “CSH cộng đồng” gọi là “tổn thất do giao quyền” (Agency cots). Sự tồn tại của cơ chế hội đồng gồm những đại diện của CSH còn là để hạn chế những tổn thất đó.
Có thể cho rằng, đó là một lý do vì sao lại phải có cơ chế Hội đồng.
Tại sao lại phải có Hội đồng trường trong các trường đại học Việt Nam?
Trong lịch sử Giáo dục Việt Nam, tất cả các HĐ ở trường ĐH kể cả HĐ khoa học và đào tạo, đều có tính chất của những HĐ tư vấn. Ở một số trường ĐH cũng có tổ chức “Hội đồng nhà trường” bao gồm hiệu trưởng, các trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, công đoàn, một số giáo sư… nhưng về bản chất đó vẫn là HĐ hành chính (executive body) “bên trong” của nhà trường, chưa phải là HĐT với tính chất là một HĐ quyền lực cao nhất của trường và có rất nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường.
Và về nguyên tắc, quyền lực cao nhất vẫn được tập trung vào vai trò của hiệu trưởng. Vậy tại sao, nay lại phải có HĐT trong các trường ĐH của Việt Nam?
Trước hết, có thể thấy rằng GDĐH Việt Nam trong 15 năm qua đã có một bước chuyển đổi hết sức cơ bản, từ một nền giáo dục đại học hoàn toàn được bao cấp từ Nhà nước nay đã có chính sách thu học phí.
Ở nhiều trường ĐH công lập, phần thu học phí đã chiếm đến khoảng 50% chi phí thường xuyên. Trường ĐH hiện nay, ngoài hai hoạt động có tính chất truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu đã có thêm nhiều hoạt động khác mang màu sắc “kinh doanh” như các chương trình đào tạo ngắn hạn, tư vấn theo hợp đồng, thậm chí cho thuê cơ sở vật chất…
Nghĩa là đã có nhiều nội dung cần phải ra-quyết-định vượt khuôn khổ của trường ĐH truyền thống, trong đó có vấn đề tài chính trường ĐH.
Một cách tương ứng, việc ra-quyết-định ở các trường ĐH Việt Nam không còn chủ yếu theo mô hình truyền thống (collegium) với quyền lực lớn nằm ở hội đồng giáo sư của nhà trường nữa mà chủ yếu lại là các mô hình của những tổ chức hành chính, quyền lực lớn nằm trong tay các nhà quản lý hành chính (Bureaucracy) và mô hình của các doanh nghiệp (Entreprenẻu).
Đây cũng là xu thế “giống như kinh doanh” (Business like) của GDĐH trên thế giới trong hơn 30 năm qua. Hơn nữa, GDĐH Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trạng thái “cầu” vượt trội rất nhiều so với “cung”, mới chỉ có khoảng 25% số người muốn học đại học được vào học ĐH hàng năm ở các trường ĐH, nghĩa là vẫn còn ở trạng thái “độc quyền”.
Trong bối cảnh đó, cần phải giao QSD tài sản và một phần quyền định đoạt lợi ích phát sinh cho một HĐT như một hội đồng quản trị ở các tổng công ty nhà nước.
Hơn nữa, hiện nay Nhà nước đang có chủ trương tăng “quyền tự chủ” cho các trường ĐH công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoán chi”. Điều đó có nghĩa, GDĐH đang từng bước chuyển cơ chế “phân phối thẩm quyền” từ mô hình có cấu trúc “Đầu nặng” (Top-heavy) sang mô hình có cấu trúc “Đuôi nặng” (Bottom-Heavy), nghĩa là thẩm quyền ra-quyết-định trong GDĐH sẽ được tập trung chủ yếu ở cấp trường ĐH.
Trong bối cảnh đó, trường ĐH phải biết tự mình đổi mới, phải biết chấp nhận rủi ro, phải tự đưa ra nhiều quyết định có tính chất đa-mục-tiêu… Chỉ có HĐT mới có thể đảm đương được những trách nhiệm đó như đã nêu ở trên.
Nói riêng về tổ chức Đảng, tuy Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng trên thực tế ở các trường ĐH, bí thư Đảng ủy lâu nay thường chỉ giữ chức Phó Hiệu trưởng lo công tác chính trị, tổ chức và bảo vệ nội bộ (hoàn toàn khác tình hình tổ chức Đảng ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện…).
Do vậy, chức năng của tổ chức Đảng về cơ bản khác với chức năng của HĐT như đã nêu ở trên. Hơn nữa, HĐT còn phải bao gồm được nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường.
Ngoài ra, GDĐH Việt Nam trước đây coi như chưa có chú ý đầy đủ về mặt “hiệu quả” (tài chính) và rách nhiệm xã hội”(Effectiveness and Accountability).
Nhưng hiện nay các trường ĐH Việt Nam cũng đã giống như các trường ĐH trên thế giới, đều lúng túng trước những vấn đề phải “đánh đổi” (trade-offs) với nhau, có thể nói gói gọn trong hai từ là “chất lượng và tài chính”.
Và đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn và ngày càng lớn của xã hội, trước hết là của SV và những “nhóm có lợi ích liên quan”, đè nặng lên các trường ĐH trong bối cảnh cơ chế “dân chủ cơ sở” ngày càng được mở rộng. Do vậy, phải có một “tấm đệm giảm xung” (Buffer) cho trường ĐH và hiệu trưởng. Đó là HĐT.
GS Phạm Phụ