Nhiều trường đại học lấy mạng xã hội là công cụ để "kiểm soát" sinh viên

Huyền Linh

(Dân trí) - Môi trường mạng đã ảnh hưởng nhiều đến học tập cũng như đời sống tinh thần của sinh viên. Thay vì cấm cản, nhiều trường đại học đã sử dụng Internet, mạng xã hội như công cụ để quản lý và giáo dục SV.

Nhiều trường đại học lấy mạng xã hội là công cụ để kiểm soát sinh viên - 1

Giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình 7 giờ mỗi ngày (Ảnh minh họa).

Mạng xã hội "con dao hai lưỡi"

Môi trường mạng hiện rất phong phú và đa dạng với nhiều dịch vụ khác nhau như: website tìm kiếm thông tin, tin tức, giải trí, học tập, dịch vụ trò chơi trực tuyến,… Đặc biệt, các loại hình mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok,… đã và đang thu hút các bạn trẻ mỗi ngày. Qua đó, giới trẻ có thêm nhiều thông tin bổ ích, học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin, việc làm, giải trí,...

Học tập, kết nối trong thời đại số đòi hỏi đa phần sinh viên cần sử dụng Internet và tham gia môi trường mạng. Các trường đại học đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, để sinh viên xem điểm thi, xem thời khóa biểu, xem lịch học, đăng ký lịch học, đánh giá rèn luyện, xin giấy xác nhận vay vốn, xác nhận đang học tập,…

Bên cạnh những mặt tích cực, môi trường mạng có thể khiến sinh viên sao nhãng việc học, hoạt động ngoại khóa, các mối quan hệ đời thường… Việc chia sẻ thông tin, hình ảnh riêng tư lên mạng có thể vô tình bị sử dụng vào mục đích xấu. Nếu thiếu tỉnh táo, cảnh giác, các em còn có thể bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, đầu độc.

Xác định mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại là phương thức giáo dục mới, tiếp cận nhanh và hiệu quả đối với thanh thiếu niên, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020", Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể trong đó có Đề án "Tăng cường quản lý, giáo dục Chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025".

Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với TW Đoàn trong việc nắm bắt tình hình thanh niên, HSSV thông qua mạng xã hội; khảo sát dữ liệu lớn về dư luận xã hội trong thanh niên từng bước được áp dụng hiệu quả.

Cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội, sau 2 năm, cả nước có gần 2,5 triệu tin tốt, câu chuyện đẹp được đăng tải. Trung ương Đoàn duy trì chuyên trang "Sống đẹp mỗi ngày" định hướng, đăng tải những câu chuyện đẹp, người tốt, việc tốt.

Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam duy trì hiệu quả fanpage "Sinh viên Việt Nam - những câu chuyện đẹp" nhằm lan tỏa những câu chuyện, thông điệp đẹp của sinh viên Việt Nam.

Các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội, lan tỏa những câu chuyện đẹp, gương tốt, góp phần làm cho xã hội, cho môi trường mạng tươi đẹp, lành mạnh hơn.

Nhiều sản phẩm tuyên truyền hiện đại, thu hút, hấp dẫn thanh niên, HSSV bằng hình ảnh đẹp, tranh minh họa sống động, video ca nhạc, clip ngắn gọn, hài hước nhưng sâu sắc để tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội như các video clip, bộ ảnh, video ca nhạc, poster cổ động, phóng sự, phim ngắn... nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, bước đầu được thanh thiếu niên yêu thích, đón nhận.

Nhiều trường đại học lấy mạng xã hội là công cụ để kiểm soát sinh viên - 2

Trang Facebook của trường ĐH Bách khoa Hà Nội dùng để tương tác với sinh viên

Dùng "dao" và dạy cách dùng

Các trường đại học, thay vì cấm cản, nhiều trường đã xác định phải thường xuyên nắm bắt tình hình kết hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên trên Internet và mạng xã hội.

Trên Facebook, nhiều trường thiết lập các "Fanpage" và "Confessions" để sinh viên thoải mái tìm hiểu, trao đổi, vừa là kênh truyền tải thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, lồng ghép giáo dục lập trường cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên.

ThS Trương Công Mỹ, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam chia sẻ, công tác này được triển khai trên nhiều kênh như trang thông tin điện tử của trường, của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các phòng, ban khoa, viện, khu nội trú, các diễn đàn mạng (Facebook, Zalo).

Tương tự, Trường ĐH Lạc Hồng xây dựng hệ thống mạng xã hội riêng cho sinh viên của trường; bao gồm hệ thống trang web tích hợp mạng xã hội và trang fanpage Facebook, kênh Youtube.

Hệ thống trang web kết hợp giữa trang web dạng truyền thống (hiển thị thông tin một chiều) với trang mạng xã hội (hiển thị thông tin đa chiều, chia sẻ hình ảnh, video, tạo nhóm…). Tất cả sinh viên được tạo tài khoản với tên ban đầu là mã số sinh viên khi vừa nhập học. Các em kết nối với nhau và với nhà trường, thầy cô, bằng cách chủ động tạo các "nhóm" hoặc tham gia các "nhóm" học tập, sở thích do nhà trường/khoa/giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập/sinh viên khác tạo ra.

Qua đây, nhà trường và sinh viên trao đổi thông tin chính xác và rõ ràng. Các vấn đề sinh viên cần làm rõ hoặc muốn phản ánh có thể thẳng thắn trao đổi; nhà trường đều tiếp nhận, phản hồi ngay.

Bên cạnh tạo lập kênh, ThS Trương Công Mỹ còn nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhân sự trực tiếp thực hiện công tác này. Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đã cử cán bộ và sinh viên quản trị các diễn đàn để kịp thời nắm bắt công tác tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và định hướng cho sinh viên.

Đây cũng là cách làm của Trường ĐH Lạc Hồng để có thể "hòa nhịp" trong nội dung bài viết, bình luận trên mạng xã hội.

PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã sớm tiến hành tập huấn đội ngũ sinh viên tham gia quản trị các trang mạng xã hội về Luật An ninh mạng. Đồng thời, "livestream" để toàn bộ sinh viên có thể tiếp cận được nội dung tập huấn.

Sau đó, để đánh giá mức độ tiếp nhận cũng như tăng cường nhận thức, tư tưởng đúng đắn, trường tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến với chủ đề đa dạng, trong đó, giao cho các quản trị viên lan tỏa thông tin tới sinh viên theo cách của sinh viên. Kết hợp với tính điểm rèn luyện và giải thưởng, các cuộc thi đã tạo sự hào hứng nhất định và thường thu hút hàng chục nghìn sinh viên tham gia.

Ông Hải chia sẻ, để đảm bảo tính chính xác, trường mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực tương ứng với chủ đề cuộc thi xây dựng bộ câu hỏi. Những kiến thức này nếu truyền đạt không khéo dễ trở thành giáo điều, kén chọn với các bạn trẻ. Bởi vậy, việc "mềm hóa" thông tin, dùng mạng xã hội tiếp cận sinh viên là cần thiết.

Cho rằng cách thức này không mới, theo ông Đinh Văn Hải, điều quan trọng là phải đồng bộ ba yếu tố: chính sách của nhà trường, bộ tiêu chí đánh giá và hoạt động cụ thể.

Trong đó, bộ tiêu chí đánh giá điểm rèn luyện sinh viên cần mềm dẻo, song song, trường tổ chức nhiều sân chơi để sinh viên có thể lựa chọn tham gia, đáp ứng các tiêu chí đó.

Vì "sinh viên mới hiểu rõ sinh viên", nên trường khuyến khích các em đăng ký tình nguyện viên tham gia ban tổ chức, đóng góp ý tưởng, thiết kế nội dung đến truyền thông, thực hiện.

Ông Hải cũng lưu ý, đơn vị được giao tổ chức các hoạt động phải dày công, không ngừng nghĩ và sáng tạo để đưa ra được các nội dung phù hợp, hấp dẫn sinh viên.

Là một sinh viên tích cực trong công tác Đoàn, Hội, Nguyễn Phương Anh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội mong muốn, trường tiếp tục duy trì và phát triển các kênh tương tác với sinh viên trên mạng xã hội, thông tin đa dạng, gần gũi, bắt kịp những xu hướng mới của giới trẻ hơn.

Thực hiện Quyết định số 1501-QĐ/TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020", Bộ GDĐT, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ban ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ GDĐT đã khen thưởng rất nhiều tấm gương học sinh, sinh viên có hành động dũng cảm và "Tấm gương người tốt, việc tốt". 100% thanh niên, HSSV tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động lao động tập thể.

TW Đoàn đã trao các giải thưởng, danh hiệu, hình thức tuyên dương cho trên 550.120 thanh thiếu nhi tiêu biểu trên các lĩnh vực. Đã có 12,3 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện.