Nhiều trường chủ động chỉnh sửa SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều
(Dân trí) - Trong khi chờ điều chỉnh nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, một số trường tiểu học ở Vĩnh Phúc chủ động điều chỉnh nội dung dạy học.
Chủ động điều chỉnh
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 Cánh diều (do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp thu góp ý và yêu cầu chỉnh sửa.
Trong khi chờ hiệu chỉnh, nhiều giáo viên chủ động thay thế các từ ngữ, bài học trong SGK sao cho phù hợp với địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 19/10, cô Nguyễn Thị Hải Quyên, chủ nhiệm lớp 1A3, khối trưởng khối 1, Trường tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết, với những từ khó hiểu, giáo viên tự tìm hiểu tư liệu trên mạng để chỉnh sửa, tìm từ thay thế hoặc hình ảnh chiếu màn hình cho học sinh dễ tiếp cận.
Về ý kiến một số bài học dạy học sinh thói khôn lỏi, thiếu bài học mang tính nhân ái, cô Quyên cho hay, nếu đặt mục tiêu bài học đó các con đánh vần được chữ gì, giáo viên sẽ chỉ dạy các con đánh vần, thay vì quan tâm nặng nề tới ngữ nghĩa.
Là giáo viên nhiều sáng kiến kinh nghiệm dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, chủ nhiệm lớp 1A4, Trường tiểu học Kim Ngọc cũng đồng tình với quan điểm, nếu từ ngữ chưa phù hợp có thể thay thế, chỉnh sửa để SGK tốt hơn.
“Ngay từ đầu năm học, chúng tôi được biết, SGK giờ không còn là pháp lệnh nữa nên giáo viên có thể linh hoạt thay đổi bài học, không quá lệ thuộc.
Trước khi chờ đợi chỉnh sửa từ phía tác giả và NXB, tôi đã tự tìm tòi từ ngữ, lựa chọn các văn bản khác để thay thế cho học sinh dễ hiểu hơn.
Các văn bản này được tham khảo từ bộ sách khác, các tài liệu cũ hoặc một câu chuyện bất kì nào đó sao cho phù hợp với học sinh và địa phương”, cô Hoa chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Trinh, chủ nhiệm lớp 1A1 Trường Tiểu học Lưu Quý An, TP Vĩnh Yên cũng tham khảo một số SGK khác để chỉnh sửa từ ngữ, các bài đọc hơi khó trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều.
Giáo viên chưa quen được “cởi trói”
Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, năm nay toàn tỉnh có hơn 20 trường học sử dụng SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều.
Sau khi có "lùm xùm" về bộ sách này, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo các trường cho giáo viên linh động chỉnh sửa ngữ liệu bài học sao cho học sinh dễ hiểu.
“Lần đầu tiên chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất.
Trong đó, SGK có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
Kể cả khi chưa có phản ứng của cộng đồng mạng, trong quá trình dạy, phần nào chưa ổn, giáo viên và nhà trường có thể thiết kế lại.
Việc này chúng tôi đã tập huấn rất kĩ. Thậm chí cùng một bài học nhưng giáo viên lớp này dạy thời lượng một tiết, giáo viên kia dạy 1,5 tiết đều được”, ông Huy khẳng định.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc bày tỏ, vài tuần đầu học chương trình SGK mới, giáo viên lớp 1 chưa quen được “cởi trói” nên vẫn giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh.
Thầy trao đổi với các cô, cần thay đổi phương pháp để giáo viên, học sinh và cả phụ huynh không áp lực.
Với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để GV có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với HS lớp 1, theo thầy Mạnh đây là sự cầu thị, trách nhiệm tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Quan điểm của hiệu trưởng này, những “hạt sạn” trọng SGK tiếng Việt 1 Cánh diều không phức tạp và hoàn toàn có thể khắc phục bằng nhiều cách.
Ví dụ bài A có ngữ liệu không hợp thì nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên có thể cùng ngồi lại bàn bạc lấy ngữ liệu khác phù hợp thay thế.
Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Quý An cũng mong muốn chỉnh sửa một vài ngữ liệu.
Trước mắt, nhà trường khuyến khích giáo viên điều chỉnh những từ khó hiểu, gây hiểu nhầm hoặc thay thế các văn bản trong SGK tiếng Việt Cánh diều còn gây tranh cãi.