Nhiều tỉnh kiến nghị điều chỉnh định mức giáo viên, chỉ tiêu biên chế
(Dân trí) - Các địa phương thẳng thắn trình bày thực trạng bất cập về định mức giáo viên và kiến nghị xin thêm chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu cho công tác giáo dục ở địa bàn tỉnh.
Thực trạng thiếu giáo viên là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, trình bày kiến nghị tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sáng ngày 31/10 tại Hà Nội, trực tuyến ở 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố.
Dưới đây là kiến nghị được một số địa phương được trình bày tại hội nghị:
Yên Bái: Rà soát điều chỉnh quy định về định mức giáo viên, có phân biệt giữa vùng thấp và vùng cao
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bày tỏ nhất trí cao với những kết quả giáo dục trong năm học 2019 - 2020. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm bao trùm là đổi mới GD&ĐT. Đặc biệt năm học 2019 - 2020, dịch Covid-19 bùng phát, ngành Giáo dục đã điều hành linh hoạt đảm bảo chương trình năm học và chương trình sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, còn có những bất cập không thể tránh khỏi và cần ghi nhận những đóng góp của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, với đặc thù là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, có 9 trường phổ thông dân tộc (PTDT) Nội trú với gần 3.000 học sinh, có 54 trường PTDT Bán trú với gần 29.000 học sinh, tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2016 - 2020 Yên Bái đã dành khoảng 3.100 tỷ đồng cho giáo dục, trong đó dành cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên 1.900 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái còn có những khó khăn nhất định.
“Hiện tại không có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện định mức học sinh/nhân viên nuôi dưỡng và nguồn kinh phí để chi trả cho người nuôi dưỡng. Đối với trường PTDT Bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú chưa có đủ điều kiện chuyển đổi thành trường PTDT Bán trú, cán bộ giáo viên không được hưởng chế độ phụ cấp. Việc tính định mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh theo Nghị định số 116/2016 quá thấp, không phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Duy cho biết.
Từ thực tế khó khăn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị một Bộ GD&ĐT tiến hành tổng kết, đánh giá điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với các trường PTDT Nội trú, PTDT Bán trú, trường có học sinh bán trú theo hướng tích hợp chính sách trong bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát điều chỉnh quy định về định mức giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế, có sự phân biệt giữa vùng thấp với vùng cao, giữa các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau.
Nghệ An: Xin bổ sung hơn 7.800 giáo viên mầm non và phổ thông
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, do có 5 huyện miền núi cao, địa hình rộng lớn, hiện Nghệ An vẫn đang còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, phần lớn ở bậc biểu học. Để giảm điểm trường lẻ, Nghệ An chủ trương xây dựng mô hình trường học bán trú, nhằm gom nhóm học sinh về điểm chính. Vấn đề này, Nghệ An cũng đã đề xuất, xin làm thí điểm trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đầu tháng 10/2020.
Hiện, Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, tập trung ở 5 huyện miền núi cao. Về đội ngũ, tỉnh quan tâm bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng năng lực, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm 2019, Nghệ An là một trong những đơn vị đã chủ động bồi dưỡng cho 2.344 giáo viên tiểu học dạy lớp 1; 558 hiệu trưởng tiểu học triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện được khẳng định, chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học từng bước được nâng lên.
Để thực hiện hiệu quả định hướng giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ năm học 2020-2021, Nghệ An quan điểm lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là quyết định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng GD&ĐT làm trung tâm.
Đặc biệt, Nghệ An xin bổ sung hơn 7.800 giáo viên mầm non và phổ thông để đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2020.
Để thực hiện quan điểm trên, giáo dục Nghệ An tập trung một số vấn đề ưu tiên: Huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chương trình giáo dục mầm non sau 2020 và khung chương trình quốc gia giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường, chương trình đào tạo nghề và chương trình giáo dục đại học theo hướng hiện đại, hội nhập; tập trung ưu tiên thúc đẩy và nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học và kỹ năng toàn cầu cho người học và người lao động;
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng có 3 đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương gồm: Bổ sung 7.843 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; hỗ trợ Nghệ An tăng cường xây dựng cơ sở, vật chất bổ sung trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hỗ trợ xây dựng mô hình xã hội hóa các trường PTDT nội trú, bán trú ở các huyện miền núi và vùng khó khăn.
Hà Nội: Cần hướng dẫn đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập
Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập. Tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về việc hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác chưa kịp thời tuyển dụng.
Quảng Nam: Nên hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp và đội ngũ giáo viên, nhân viên. Quá trình sắp xếp, sáp nhập đã giảm 47 trường, 301 điểm trường và hơn 2.000 biên chế. Chủ trương của địa phương trong sáp nhập trường học là ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên, nhất là các địa bàn miền núi chứ không tiến hành sắp xếp cơ học nên đã nhận được sự đồng thuận cao.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Quảng Nam đã nhanh chóng tổ chức triển khai dạy online hiệu quả. Mặc dù ngân sách tỉnh khó khăn nhưng địa phương vẫn triển khai Đề án hỗ trợ học phí cho học sinh thuộc diện khó khăn do ảnh hương nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. hỗ trợ học phí cho học sinh thuộc diện khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Quảng Nam cũng triển khai Đề án hỗ trợ sữa học đường cho học sinh tiểu học 6 huyện miền núi cao với sự hỗ trợ 100% từ ngân sách của tỉnh để cải thiện dinh dưỡng, thể chất thu hút học sinh đến trường.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình - sách giáo khoa lớp 1, địa phương với sự chủ công của ngành GD&ĐT đã chủ động tháo gỡ, không gây áp lực cho giáo viên.
Cơn bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh Quảng Nam, trong đó có ngành Giáo dục. Hàng trăm điểm trường ở Quảng Nam bị tốc mái. Mặc dù đã chủ động cho học sinh nghỉ học trước 1,5 ngày để các trường chằng chống bão nhưng bão quần hơn 6 tiếng đồng hồ đã gây nhiều tổn thất cho các trường học. Sau bão, các trường học và địa phương đã dồn lực khắc phục thiệt hại, một số trường đã giảng dạy bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường học, đầu tuần tới, học sinh mới đến trường trở lại do thiệt hại quá nặng nề. Quảng Nam rất mong Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có hỗ trợ kịp thời để khắc phục thiệt hại về trường lớp, đồ dùng, thiệt bị dạy học.
Quảng Nam sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên hằng năm để bổ sung giáo viên kịp thời. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển. Với vùng đồng bào dân tộc miền núi thì giáo viên của bậc học mầm non có trình độ trung cấp là được rồi, Tiểu học nên là giáo viên có trình độ Cao đẳng. Quảng Nam có 9 huyện miền núi rồi nên rất mong Bộ có quy định mở riêng đối với miền núi, khắc phục tình trạng số lượng đăng ký thi tuyển giáo viên thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng do khó khăn về nguồn tuyển.
Quảng Nam cũng đang xây dựng Đề án phát triển giáo dục miền núi, trong đó có sự đầu tư đặc biệt đến đội ngũ giáo viên, cấp dưỡng trường học bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp.
Tại hội nghị, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh đề xuất: “Cần thực hiện sắp xếp hệ thống các trường, đặc biệt là hệ thống đào tạo giáo viên là rất cần thiết để tránh chuyện đầu tư dàn trải mà không tập trung nguồn lực đầu tư để có những trường trọng điểm, dẫn đầu.
Trên cơ sở Nghị định 116, chúng ta phải cụ thể hóa để địa phương có thể đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm. Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai cùng với các trường đại học sư phạm. Nhưng tôi nghĩ rằng, riêng Bộ GD&ĐT, riêng ngành GD&ĐT sẽ không thể triển khai tốt nhất được nếu không có sự tham gia của các địa phương”.