Làm thủ tục dự thi ĐH:

Nhiều sai sót được giải quyết nhanh

(Dân trí) - Sáng nay, hơn 900 nghìn thí sinh đăng ký thi đợt 1 (khối A, V) đến trường làm thủ tục dự thi và điều chỉnh những sai sót trong hồ sơ. Trong đó, sai sót nhiều nhất là thí sinh không nhận được giấy báo dự thi, thiếu ảnh, tên đệm...

Nhiều thí sinh không nhận được giấy báo dự thi

GS.TS Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ Lợi cho biết, sáng nay trường đã phải làm lại tất cả giấy báo dự thi, hồ sơ dự thi cho một thí sinh.

Thí sinh này quê ở TP Vinh, trường đã gửi giấy báo dự thi theo địa chỉ hồ sơ. Nhưng đến sáng nay, em lại đến hội đồng thi của trường ở TPHCM để làm thủ tục dự thi nhưng không có tên.

Lý do của em là vào TPHCM ôn thi và không nhận được giấy báo dự thi nên cứ đến trường để làm thủ tục. Đến giờ phút này thì chúng tôi không thể bắt em ra Vinh để thi. Nhà trường đã đối chiếu với hồ sơ gốc và làm lại giấy tờ cho em được dự thi ở TPHCM.

Ông Quý cũng cho biết, trong buổi làm thủ tục dự thi sáng nay có rất nhiều thí sinh gặp sai sót trong hồ sơ như tên đệm, ngày tháng năm sinh, mã ngành đào tạo, trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho thí sinh dự thi.

Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng, ông Nguyễn Minh Hùng cũng cho biết, rất nhiều thí sinh thiếu ảnh trong thẻ dự thi, các cán bộ coi thi đã dành thời gian chờ các em đi chụp ảnh để nộp. Được biết, năm nay trường có 13.315 thí sinh đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu của trường là 3.300.

Còn ở Học viện Bưu chính Viễn thông, có khoảng gần 50 trường hợp thí sinh không mang Chứng minh thư, giấy chứng nhận tốt nghiệp.

Nhiều sai sót được giải quyết nhanh - 1

Nhiều thí sinh thiếu ảnh trong hồ sơ

 

Ngoài những lỗi của thí sinh mắc phải thì cũng có nhiều lỗi của Ban Tuyển sinh của trường như ĐH Mỏ - Địa chất đã dán nhầm ảnh cho một thí sinh và đã điều chỉnh ngay trong sáng nay. Bên cạnh đó, nhiều em chưa nhận được giấy báo dự thi, thẻ dự thi của trường, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đã cho các em làm biên bản cam đoan - ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết.

Với kinh nghiệm tuyển sinh và tránh những sai sót không đáng có trên, trường ĐH Cần Thơ đã có biện pháp là khi gửi giấy báo dự thi cho thí sinh, đồng thời thông báo luôn cho thí sinh muốn điều chỉnh những sai sót và mã ngành dự thi thì đến trường sẽ điều chỉnh trước ngày dự thi. Do đó, trong ngày làm thủ tục dự thi hôm nay, trường có rất ít thí sinh phải điều chỉnh sai sót - ông Đỗ Văn Xê, hiệu phó nhà trường nói.

Dành nhiều thời gian để nhắc quy chế

Kết thúc buổi làm thủ tục thi, tại một số HĐT ở TPHCM thí sinh đến làm thủ tục dự thi không nhiều.

Trường ĐH KHXH & NV TPHCM cho biết trong hơn 500 hồ sơ dự thi thì trong buổi sáng nay số thí sinh đến làm thủ tục chỉ chiếm khoảng 64.22%. Cụ thể: 320/508 thí sinh tại 9 phòng thi tại TPHCM, 20/27 thí sinh tại Quy Nhơn, 19/24 thí sinh tại Cần Thơ.

Còn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, thầy Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng đào tạo cho biết: “Kết quả sáng nay số thí sinh đến làm thủ tục dự thi cũng chỉ chiếm 67,12%”. (Đoàn Quý)

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đợt 1 cả nước có 901.573 thí sinh đăng ký dự thi vào 92 trường ĐH, CĐ và Học viện với 974 điểm thi, số phòng thi dự kiến lên đến 24.211 phòng.

Bộ đã yêu cầu tất cả các trường phải tập huấn kỹ quy chế tuyển sinh cho các giám thị và phải phổ biến thật chặt quy chế phòng thi cho các thí sinh.

Trường ĐH Thương mại đã dành hẳn 2 tiếng buổi sáng để phổ biến cho thí sinh. Ông Nguyễn Bách Khoa, hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết: “Chúng tôi phải làm thế vì nhiều thí sinh không nhập tâm, không biết về quy định phòng thi, vi phạm thì lại khóc, xin nhưng các giám thị cứ theo quy chế để làm”.

Trường ĐH Kiến trúc cũng dành hơn một giờ đồng hồ để các thí sinh nghe phổ biến quy chế rất cẩn thận như đến chậm quá 15 phút sau khi đã bóc đề thi không được dự thi; vắng mặt một buổi thi, không được thi tiếp các buổi sau.

Nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng com pa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.

Còn Học viện Bưu chính viễn thông còn làm hẳn biển về những vật dụng thí sinh không được mang vào phòng thi để ngay cổng trường để phụ huynh và thí sinh cùng biết.

Sáng mai, 4/7, thí sinh bước vào môn thi đầu tiên là môn Toán.

Cân nhắc kỹ khi chọn lựa ngành dự thi

Trong ngày làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ đợt 1, ngoài việc nghe phổ biến quy, rất nhiều thí sinh vẫn còn chưa biết nên đăng ký chọn vào ngành nào khi các em cùng lúc nộp nhiều hồ sơ dự thi vào nhiều ngành khác nhau, nhiều trường khác nhau.

Thí sinh Nguyễn Tuấn Anh, ở Hà Đông cho biết, em đăng ký cùng lúc vào ngành Công nghệ thông tin ở ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong sáng 3/7, Tuấn Anh đã phải “chạy sô” đến địa điểm thi ở hai nơi làm thủ tục dự thi, và cũng chưa biết ngày mai sẽ chính thức thi vào trường nào. “Đêm nay sẽ về bốc thăm, trúng trường nào thì thi trường đó”, Tuấn Anh vô tư nói.

Trao đổi với TS Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, tổng số thí sinh dự thi khối A vào trường trong đợt 1 là 17.650 thí sinh (khối B đợt 2 có 4532 thí sinh). Tuy nhiên, tổng số thí sinh dự thi vào trường nộp từ 2 hồ sơ trở lên là 853 thí sinh, thậm chí có em nộp đến 5 hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau của trường. Điều này cũng có nghĩa là chắc chắn có 1.000 “thí sinh ảo” dự thi vào trường.

“Nhiều thí sinh đến phút chót vẫn không biết mình nên dự thi vào ngành nào. Tôi khuyên các em cần có sự cân nhắc kỹ càng về ngành mình lựa chọn dự thi. Một lựa chọn đúng đắn là khi các em tự biết về sức học của mình có thể cạnh tranh vào ngành hay không, ngành nghề mình theo học có phù hợp với sở thích, khả năng của mình hay không bởi ngành nghề đó sẽ gắn bó với cả tương lai của các em sau này”, thầy Cam khẳng định.

Cũng như ĐH Khoa học tự nhiên, lượng thí sinh nộp cùng lúc nhiều hồ sơ khác nhau ở các trường đại học tương đối lớn, tạo nên một lượng “thí sinh ảo” ở các trường hiện nay.

 

Theo TS Bùi Duy Cam, mặc dù số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay của trường tăng 150% so với năm ngoái, nhưng số thí sinh dự thi thực dự đoán cũng không quá 65%. Số “hồ sơ ảo” này ở các trường khác cũng xảy ra tương tự, tuy nhiên không có trường nào dám cắt giảm điểm thi, phòng thi, đề thi, cán bộ coi thi nhằm tránh lãng phí. Đây cũng là bài toán nan giải đối với hình thức thi theo kiểu “3 chung” hiện nay của ngành giáo dục.

Hồng Hạnh - Sông Lam