Nhiều rào cản khi sinh viên trở lại học trực tiếp: Cần hỗ trợ từ nhà trường

Kiều Phương

(Dân trí) - Việc đến trường học trực tiếp cũng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh hay những hội chứng hậu Covid -19 xảy đến với sức khỏe.

Ngày 24/2, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phối hợp với Công đoàn ĐHQGHN tổ chức tọa đàm "Trở lại trường sau đại dịch - biến thách thức thành cơ hội".

Tham gia tọa đàm có PGS.TS Phạm Kim Chung - Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN); PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) và TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN.

Ở nhà quá lâu khiến sinh viên mất đi kỹ năng

Hiện tại, trên cả nước, nhiều trường cao đẳng, đại học đã lên kế hoạch đón sinh viên, học viên trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, ứng phó với đại dịch.

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tuyến hoàn toàn sang hình thức trực tiếp/kết hợp trực tuyến và trực tuyến đã tạo nên những thách thức, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, nhanh chóng từ phía giảng viên và sinh viên, học viên.

Nhiều rào cản khi sinh viên trở lại học trực tiếp: Cần hỗ trợ từ nhà trường - 1
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trước những rào cản mà sinh viên phải đối mặt khi quay trở lại trường học trực tiếp, thầy cô và nhà trường cần có sự trợ giúp, can thiệp đúng lúc. (Ảnh chụp màn hình)

"Sau thời gian dài học trực tuyến, khi phải đến trường, đối diện với một môi trường với nhiều thứ bất định, thông tin chưa rõ ràng, nhiều sinh viên sẽ cảm thấy lo lắng, bất an và nảy sinh luồng suy nghĩ tiêu cực.

Trước tiên, do ở nhà quá lâu nên đã hình thành nề nếp, khiến các bạn sinh viên, học viên mất đi kỹ năng, không có động cơ tham gia vào bất cứ hoạt động nào khi bắt đầu trở lại trường. Chưa hết, nhiều bạn còn cảm thấy tủi thân, thất vọng khi phải rời xa nhà, rời xa môi trường vốn thân thuộc, an toàn và thoải mái.

Việc đến trường học trực tiếp cũng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh hay những hội chứng hậu Covid -19 xảy đến với sức khỏe.

Trở lại trường học, bên cạnh cảm giác xa lạ với trường lớp, thầy cô, bạn bè, một số bạn cũng phải đối diện với các vấn đề liên quan đến cơm áo gạo tiền, nơi ăn chốn ở, các tình huống bất định như bắt nạt, nạn trộm cắp…

Sự tổn thương về sức khỏe tinh thần sẽ gây nên những hành vi cảm xúc mất kiểm soát, nhiều bạn trẻ trở nên bốc đồng, hành xử hung hăng hơn, từ đây ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như chất lượng cuộc sống".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trước những rào cản mà sinh viên phải đối mặt khi quay trở lại trường học trực tiếp, thầy cô và nhà trường cần có sự trợ giúp, can thiệp đúng lúc. Trong đó, để có thể giúp đỡ sinh viên, học viên một cách kịp thời, nhà trường cần xây dựng một hệ thống hỗ trợ, nhất là về mặt tâm lý.

Chuyên gia đề xuất, khi tổ chức cho sinh viên quay trở lại trường học tập, nhà trường cùng đội ngũ giảng viên cần sàng lọc xem có bao nhiêu phần trăm sinh viên đang ở mức thờ ơ, không tuân thủ các yêu cầu học tập; bao nhiêu phần trăm sinh viên miễn cưỡng phục tùng những quy định về học tập ấy; thậm chí là tỷ lệ sinh viên do quá sợ hãi, lo lắng mà nổi loạn, bỏ cuộc.

Từ sự sàng lọc này, nhà trường cần kích hoạt các dịch vụ tâm lý với sự tham gia của ban giám hiệu cùng các phòng ban khác như: Tổ chức Đoàn, Hội; Cơ quan an ninh địa phương, Cơ sở y tế địa phương hay các dịch vụ hỗ trợ tâm lý.

Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cũng có thể tự xây dựng một hệ thống tự đánh giá sức khỏe tinh thần, để bất kỳ sinh viên, học viên hay giảng viên của trường nếu xuất hiện những vấn đề về tâm lý thì có thể tự kiểm tra, đánh giá và nhận biết mức độ tâm lý mà bản thân gặp phải thông qua các câu hỏi.

"Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời sẽ giúp nhóm sinh viên ở mức độ thờ ơ, không tuân thủ các quy định học tập sẽ thay đổi nhận thức, cải thiện lên mức "hợp tác vui vẻ" để có thể thoải mái trở lại trường" - chuyên gia nhận định.

Để việc trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến trở nên thoải mái, theo PGS.TS Trần Thành Nam, bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên, đội ngũ giảng viên trong nhà trường cũng cần tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.

"Tôi cho rằng, các thầy cô cũng cần có sự cam kết và tự tin về việc quay trở lại trường bởi thực tế, nhiều thầy cô cũng đã mắc Covid-19 và cảm thấy hoang mang, lo lắng trước thông tin quay trở lại trường học trực tiếp. Là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta phải dũng cảm, sẵn sàng cho ngày quay trở lại, mặc dù đội ngũ nhà giáo cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và tổn thương.

Để giúp sinh viên cũng như giúp đỡ chính bản thân mình, các thầy cô cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần của người học cũng như bản thân, nhận diện về các nhóm vấn đề chính, các chiến lược quản lý stress, chiến lược phục hồi cũng như truyền thông về những ứng phó tích cực, gửi thông điệp yêu thương…

Ngoài việc nâng cao nhận thức, thầy cô và nhà trường cũng cần lên một kịch bản cụ thể về việc đón sinh viên quay trở lại trường. Kịch bản ở đây có thể bao gồm các hoạt động hội nhập, kết nối; thông báo rõ kế hoạch kết thúc năm học để giảm tối đa tính bất định; hay bình thường hóa lo lắng và định hướng chú ý vào những gì có thể kiểm soát được" - chuyên gia Trần Thành Nam cho biết.

Thay đổi quan điểm về việc học và đánh giá

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nghiêm Xuân Huy bày tỏ, trong quá trình sinh viên trở lại trường, bên cạnh việc ổn định cảm xúc, tâm lý cho người học, nhà trường cùng đội ngũ giáo viên cũng cần quan tâm đến việc dạy và học sao cho đạt hiệu quả nhất.

Theo TS. Nghiêm Xuân Huy, gắn với bối cảnh hiện tại, một vấn đề nổi cộm, xảy ra trong quá trình học trực tiếp đó là khi lớp học ghi nhận tình trạng F0, F1 thì sẽ ảnh hưởng đến sĩ số, dẫn đến tình trạng người học trực tiếp, kẻ học online.

Nhiều rào cản khi sinh viên trở lại học trực tiếp: Cần hỗ trợ từ nhà trường - 2
TS. Nghiêm Xuân Huy chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện nay, hình thức live - phát hình trực tiếp từ lớp học cho các bạn đang học trực tuyến có thể theo dõi được nhiều trường áp dụng và dần trở nên phổ biến, nhưng Tiến sĩ Xuân Huy cho biết, hình thức học tập này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khi ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của người dạy, hay thầy cô không thể một lúc "phân thân" vừa quan tâm đến các bạn học trực tiếp trên lớp, vừa theo dõi, kiểm soát tình hình học tập của các sinh viên học online.

"Để khắc phục điều này, tôi cho rằng nên sử dụng hệ thống quản lý đào tạo và học tập LMS (Learning Management System). Đây là công cụ giúp dạy học kết hợp. Chúng ta có thể sử dụng LMS trong bất cứ bối cảnh nào, dù dạy học trực tiếp hay dạy học trực tuyến, hệ thống này cũng đều cần thiết và đem lại giá trị.

Không chỉ kiểm soát quá trình học tập của sinh viên, hệ thống quản lý đào tạo và học tập LMS còn là nơi lưu trữ mọi dữ liệu học tập. Theo đó, thầy cô có thể tải lên hệ thống mọi tài liệu liên quan đến việc học để người học truy cập, theo dõi và tự học; từ đây chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao; học viên không còn quá phụ thuộc vào giảng viên".

PGS.TS Phạm Kim Chung cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Chung cho biết, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các vấn đề liên quan đến đào tạo, giảng dạy, thầy cô và nhà trường cũng cần có sự điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, khả năng tiếp thu của sinh viên.

"Một câu hỏi đặt ra là làm sao để công bằng, minh bạch trong quá trình đánh giá, ngay cả việc đánh giá những sinh viên vì một số lý do như mắc Covid-19, trở thành F1… không thể đến trường học trực tiếp?

Để làm được điều này, tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi triết lý. Thay vì kiểm tra sinh viên thông qua những bài viết hay câu hỏi vấn đáp, hiện nay, ta cần hướng đến việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thông qua các sản phẩm mà sinh viên tạo dựng. Đó có thể là các bài viết tổng hợp nội dung kiến thức hay video thuyết trình về một vấn đề nào đó. Để việc đánh giá này trở nên hiệu quả, giáo viên cần lưu ý đưa ra một quy chế đánh giá sản phẩm của sinh viên để các bạn hiểu và thực hiện theo đúng yêu cầu".

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Kim Chung, việc đánh giá kết quả học tập thông qua các sản phẩm và sinh viên xây dựng cũng tồn tại một vài hạn chế, nhất là việc kiểm tra theo hình thức này sẽ gây "quá tải" cho giảng viên.

"Kiểm tra theo sản phẩm sẽ nảy sinh vấn đề là thầy cô nhận được "núi" bài tập từ sinh viên. Do lượng bài nhiều mà thời gian hạn chế, nhiều giảng viên vì vậy sẽ không thể đánh giá hay hồi đáp tất cả bài tập của người học. Đây sẽ là một thiếu sót lớn.

Để khắc phục điều này, giảng viên có thể sử dụng phương pháp đánh giá đồng đẳng, tức là để các em sinh viên đánh giá với nhau, từ sản phẩm của bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình. Và việc kiểm tra đánh giá cũng cần xác nhận thành tích, chúng ta cần tuyên bố trước cho sinh viên hệ số trong việc kiểm tra đánh giá đồng đẳng, sẽ có vai trò nào đó trong quá trình học tập của các em" - PGS.TS Phạm Kim Chung đề xuất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm