Nhiều hình ảnh, kiến thức trong sách giáo khoa còn khiếm khuyết
(Dân trí) - Để tìm ra những điểm khiếm khuyết của chương trình SGK cũ, các chuyên gia đã rà soát 3 cuốn sách giáo khoa cơ bản trong chương trình phổ thông hiện hành. Sau khi rà soát, các chuyên gia nhận thấy có rất nhiều hình ảnh và kiến thức còn khiếm khuyết, thể hiện sự bất bình đẳng giới cần phải chỉnh sửa.
Tại buổi gặp gỡ báo chí về Thực hiện Dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn” (do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức cùng UNESCO), nhiều đại biểu cho biết, sách giáo khoa phổ thông giữ vai trò quan trọng trong giáo dục và định hướng suy nghĩ của trẻ. Tuy nhiên, trong SGK phổ thông hiện nay, còn nhiều hình ảnh và kiến thức mang nặng định kiến và bất bình đẳng giới tính.
Do đó, Dự án đã lựa chọn 3 cuốn sách cơ bản, có nhiều hình ảnh và kiến thức thể hiện sự bất bình đẳng giới nhiều nhất trong chương trình SGK phổ thông hiện hành để rà soát. Trên cơ sở đó, sẽ có áp dụng chỉnh sửa và nhân rộng ra toàn bộ chương trình và SGK phổ thông trong thời gian tới.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm Bộ môn Xã hội học Giới và Gia đình, Đại học KHXH&NV Hà Nội): “Cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1 có khoảng 50% hình ảnh và kiến thức bất bình đẳng giới”
Để tìm ra những điểm khiếm khuyết của chương trình SGK cũ, các chuyên gia đã rà soát 3 cuốn sách giáo khoa cơ bản trong chương trình phổ thông hiện hành.
Các cuốn sách được đưa ra rà soát gồm: SGK tự nhiên xã hội lớp 1, Giáo dục công dân lớp 6 và SGK giáo dục công dân lớp 10.
Sau khi rà soát, các chuyên gia nhận thấy có rất nhiều hình ảnh và kiến thức còn khiếm khuyết, thể hiện sự bất bình đẳng giới cần phải chỉnh sửa. Cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1 có khoảng 50% kiến thức và hình ảnh thể hiện bất bình đẳng giới. Trong SGK Tiếng Việt lớp 2 và 3 chỉ có 9 trên tổng số 61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến là phụ nữ. Sách Giáo dục Công dân lớp 9, nữ nhân vật xuất hiện trong 5/20 trường hợp, nam nhân vật xuất hiện 15/20...
Các hình ảnh chiến sĩ công an, nhà khoa học, bác sĩ… là hình ảnh nam giới. Còn hình ảnh người đi chợ, nấu cơm, bế ru con, sinh hoạt nội trợ… là nữ giới. Các hình ảnh trẻ em đá bóng, vi phạm luật giao thông… là hình ảnh trẻ em nam. Trong khi hình ảnh bé gái thì làm các việc: quét nhà, thổi cơm, bế em…
Các câu ca dao, tục ngữ trong SGK cũng thể hiện sự đau khổ, than thân trách phận của người phụ nữ trong chế độ xã hội xưa; Một số đoạn trích trong Truyện Kiều cũng thể hiện sự đau khổ của người phụ nữ nên cần phải thay đổi.
Từ những bất hợp lý trên đây, các chuyên gia đã đưa ra 3 mẫu sửa đổi của 3 cuốn SGK trên đây để trình Bộ GD&ĐT. Sau khi Bộ GD&ĐT đồng ý, sẽ chuyển đến các tác giả biên soạn SGK chỉnh sửa và triển khai tập huấn đến các giáo viên để thực hiện việc giảng dạy ở các cấp học.
Ngoài việc thay đổi hình ảnh sao cho hài hòa giữa nam và nữ, trong 3 mẫu chỉnh sửa này còn có cả thay đổi nội dung. Chẳng hạn các câu ca dao tục ngữ không thể hiện thái độ than thân trách phận của người phụ nữ quá nhiều mà thay vào đó là các câu có màu sắc tươi sáng hơn, các bài giảng về số phận người phụ nữ cũng giảm thiểu các câu từ/hoặc thay mới bằng các đoạn trích tươi vui…
Do thời gian và điều kiện không cho phép, vì thế chúng tôi chỉ chọn lựa 3 cuốn sách cơ bản, có nhiều hình ảnh và kiến thức thể hiện sự bất bình đẳng giới nhiều nhất để rà soát. Trên cơ sở đó, sẽ có áp dụng chỉnh sửa và nhân rộng ra toàn bộ chương trình và SGK phổ thông trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc chương trình về giới của UNESCO tại Việt Nam: “Nhiều người có định kiến giới mà không biết”.
Khi chúng tôi tiếp xúc với các giáo viên, bản thân họ cũng nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhỏ, việc gia đình, đàn ông mới lo việc lớn.
Hay người phụ trách mỹ thuật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho biết khi vẽ tranh trẻ vui chơi, anh hay nghĩ đến vẽ bé trai. Nhiều người có định kiến giới lâu nay mà không biết.
Chúng tôi đưa các hình ảnh bất hợp lý này ra, nhiều đại biểu dự tập huấn đã ồ lên ngạc nhiên bởi lâu nay, người ta vẫn thấy các hình ảnh này bình thường nhưng khi đặt ra so sánh mới thấy quả thật đang thể hiện sự bất bình đẳng giới trong chính các cuốn sách.
Với văn hóa nho giáo trọng nam khinh nữ đã ăn sâu từ nghìn năm, nhiều người có định kiến về giới mà không biết. Vì thế, để thay đổi định kiến về giới là vấn đề không đơn giản.
Sách giáo khoa giữ vai trò quan trọng trong giáo dục và định hướng suy nghĩ của trẻ. Những hình ảnh mang nặng định kiến và bất bình đẳng giới tính như vậy cần có sự thay đổi.
Bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: :"Truyền thông có đóng góp to lớn vào sự tiến bộ của trẻ em gái và phụ nữ".
Dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn” gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là nâng cao năng lực quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo. Hợp phần hai là: Lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa cũng như trong thực tiễn giảng dạy. Hợp phần ba là: Nâng cao nhận thức cho các em học sinh, các bậc cha mẹ học sinh, thành viên cộng đồng và truyền thông.
Bằng cách giải quyết bất bình đẳng giới, tăng cường truyền thông có nhạy cảm giới và đưa tin bài, truyền thông có những đóng góp to lớn vào sự tiến bộ của trẻ em gái và phụ nữ và tăng cường hành động giải quyết bất bình đẳng giới.
Mỹ Hà
(Email: myha@dantri.com.vn)