TS. Vũ Hồng Vận:
Nhiều giảng viên rất hài lòng với biệt danh “tiến sĩ gây mê”
(Dân trí) - TS. Vũ Hồng Vận chỉ ra một thực tế buồn về cách giảng dạy của nhiều giảng viên đại học hiện nay trong hội thảo chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong bối cảnh hội nhập và tự chủ” do trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức ngày 6/10.
Nhiều giảng viên ru ngủ sinh viên
Tại hội thảo này, TS. Vũ Hồng Vận, Phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM chia sẻ rằng đổi mới phương pháp dạy và học là yêu cầu tất yếu thế nhưng thực tế đa phần giảng viên ở Việt Nam ít quan tâm đến điều này. Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, thực tế giảng viên thích làm gì thì làm, dẫn đến mỗi thầy cô có phương pháp khác nhau.
“Khi khảo sát, nhiều giảng viên còn cho rằng việc dạy kỹ năng là chuyện của người khác còn giảng viên chỉ dạy kiến thức và từ đó thực tế đã hình thành những giảng viên rủ ngủ sinh viên. Tôi cũng thấy lạ nhiều giảng viên thấy rất hài lòng khi sinh viên đặt biệt danh “tiến sĩ gây mê” cho mình. Thậm chí câu cửa miệng của rất nhiều thầy cô là “mấy chục năm dạy tôi dạy vẫn thế”, TS. Vận nói.
Hiện nay phương pháp dạy phổ biến của giảng viên chủ yếu là phương pháp thuyết trình, thầy truyền đạt những kiến thức của mình sang cho sinh viên, thầy đọc trò ghi. Ông Vận cho rằng phải thay đổi điều này nhưng đồng thời, bản thân sinh viên cũng thay đổi việc luôn thụ động ghi lại lời giảng của giảng viên một cách máy móc, hay coi lời thầy là chân lý.
Theo ông Vận, để nâng cao chất lượng đào tạo thì điều đầu tiên giảng viên phải thay đổi quan điểm. Phải hiểu rằng bản chất việc truyền đạt kiến thức, thì người giảng viên phải truyền cho sinh viên việc hình thành kỹ năng sau 4 năm học đại học. Bởi bây giờ nhiều nhà tuyển dụng không cho thời gian tập sự mà yêu cầu sinh viên ra trường phải làm được việc ngay. Do đó đòi hỏi môi trường giáo dục, thầy cô và bản thân chính sinh viên phải hình thành được kỹ năng đáp ứng được việc ngay khi ngồi trên nhà trường.
Dù vậy, ông Vận cũng thừa nhận rằng dù có thay đổi phương pháp dạy nhưng vẫn còn các rào cản trong việc đánh giá, kiểm tra. “Bản thân tôi làm giảng viên và đi dạy 17 năm, cái đầu tiên khi lên lớp là xem đề thi như thế nào, hình thức ra sao và đó là cơ sở để tôi làm hướng dẫn trên lớp. Tôi dạy hay đổi mới như thế nào đi nữa thì cũng chỉ quay lại mục đích các sinh viên thi là để lấy điểm. Hỏi nhiều lớp sinh viên, tôi hỏi các em học để làm gì thì 99% các em bảo học để lấy điểm mà trong khi đó báo cáo chuẩn đầu ra của tất cả các trường đại học là kỹ năng, kiến thức và thái độ. Hỏi kiến thức là gì, thì cũng được trả lời là điểm số. Trong khi đó gần như chưa có chuẩn nào đánh giá được kỹ năng, thái độ của sinh viên”.
Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ do trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức thu hút đông chuyên gia và lãnh đạo các trường ĐH.
Do đó, ông Vận kiến nghị, các trường cũng nên thay đổi việc kiểm tra, đánh giá kết quả theo hướng đánh giá cả quá trình lĩnh hội tri thức của người học thay cho cách làm hiện nay là đánh giá bằng những bài kiểm tra khô cứng và ít đem lại kết quả thực tế.
Phải “đập hết xây lại mới” chương trình đào tạo
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, nhà trường được quyền tự chủ và đó là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
“Chúng tôi “đập hết xây lại mới” toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường và tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Trường xây dựng và áp dụng chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà.
Nhà trường tham khảo chương trình các trường đại học hàng đầu thế giới (chương trình các trường top 100 cho bậc thạc sĩ, top 200 cho bậc đại học) để xây dựng chương trình; giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng giáo trình quốc tế. Các giáo trình này được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và 2 của bậc đại học, năm thứ 3, 4 bậc đại học và toàn bộ bậc thạc sĩ sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình gốc (tiếng Anh) do trường lựa chọn. Bậc tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải thực hiện luận án theo chuẩn quốc tế, khuyến khích viết bằng tiếng Anh và phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học được bình duyệt hoặc tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI hay Scopus.
Theo ông Nhựt, việc chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo đại trà trở thành chương trình tiên tiến quốc tế sẽ giúp cho sinh viên khi ra trường được thừa nhận trên thị trường lao động quốc tế và được liên thông tại các trường đại học nước ngoài.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cần phải tiếp tục đổi mới giảng dạy ngoại ngữ không chuyên. Theo ông Lý, biện pháp chủ yếu là tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh theo đúng trình độ và yêu cầu của chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên và đổi mới giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy ngoại ngữ…
Ông Lý cũng cho rằng bên cạnh đó, phải đổi mới, cập nhật, hiện đại hóa giáo trình và bài giảng ở tất cả các ngành học; lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước đối với một số ngành học.
Lê Phương