Nhiều đại học Mỹ không còn bắt buộc nộp điểm SAT
(Dân trí) - Ba năm trở lại đây, ngày càng nhiều đại học Mỹ thực hiện chính sách "SAT optional", tức không bắt buộc nộp điểm SAT với thí sinh dự tuyển.
Cùng với chứng chỉ tiếng Anh IELTS, SAT được xem là chứng chỉ quan trọng với học sinh muốn nộp hồ sơ du học Mỹ. Tuy nhiên, bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa này không còn là điều kiện bắt buộc trong việc xét tuyển tại phần lớn đại học Mỹ 3 năm trở lại đây.
Trong sự kiện giao lưu với 20 trường đại học tốp đầu nước Mỹ vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện các trường một lần nữa khẳng định sự thay đổi này trong chính sách tuyển sinh.
Đại học Boston cho biết thí sinh có thể tùy chọn nộp thêm điểm SAT, điểm ACT hoặc không. Như vậy, hồ sơ của thí sinh chỉ còn cần bảng điểm trung học, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận cá nhân và bài luận phụ, các hoạt động ngoại khóa và điểm chứng chỉ tiếng Anh.
Đặc biệt, ngoài hai chứng chỉ tiếng Anh phổ biến là IELTS (7.0 trở lên), TOEFL (từ 90 trở lên), Đại học Boston Uni chấp nhận cả chứng chỉ DuoLingo từ 120 trở lên.
Đại diện đơn vị tư vấn du học Summit đánh giá, chính sách này mở ra thêm cơ hội cho các thí sinh quốc tế không kịp thi hay không muốn nộp điểm SAT. Song điều này cũng có nghĩa là mỗi đại học top đầu sẽ nhận được thêm rất nhiều hồ sơ, "tỷ lệ chọi" tăng lên và tỷ lệ chấp thuận sẽ ngày càng giảm đi.
Các trường cho biết, trong một bộ hồ sơ, khả năng học thuật xuất sắc vẫn chiếm đến 70-80% quyết định của hội đồng tuyển sinh. Các trường mong muốn thấy thí sinh có năng lực, thế mạnh vượt trội về một môn hoặc nhóm môn học nào đó, có triển vọng thành công cao khi học tại trường và kể cả sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, khi lượng thí sinh đạt chuẩn về học tập quá lớn, rất nhiều thí sinh cùng đạt điểm A, điểm SAT/ACT cao, có nhiều giải thưởng học thuật, các trường sẽ thường phải "phân định" bằng cá tính, sự năng động, nét đặc sắc của thí sinh thể hiện qua hoạt động ngoại khóa, bài luận và phỏng vấn.
Đại diện Summit cho biết, hội đồng tuyển sinh các trường hiểu rõ các thí sinh Mỹ hay thí sinh quốc tế luôn có xu hướng "làm đẹp hồ sơ", thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng với hội đồng. Vì vậy, họ sẽ xem xét hồ sơ rất cẩn thận và có kinh nghiệm để xem học sinh có thực sự hứng thú và làm dài hạn, làm thực chất hay không.
Nỗ lực "đánh bóng" hồ sơ quá đà bằng những hoạt động, thành tích gần như phi lý so với độ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ khiến hội đồng tuyển sinh mất cảm tình và quan ngại, dẫn đến quyết định loại bỏ hồ sơ.
"Hồ sơ ngoại khóa được đánh giá cao là những hồ sơ nhất quán với tổng thể hồ sơ của thí sinh, có các bằng chứng, số liệu, kết quả rõ ràng, dễ kiểm chứng, các hoạt động có gắn kết với nhau, thể hiện mối quan tâm thực sự của thí sinh, khiến hội đồng cảm thấy tin cậy.
Thí sinh cũng nên thể hiện được rõ tại sao mình quan tâm tới một vấn đề, tại sao mình lại làm hoạt động ngoại khóa đó, mình đã rút ra được những bài học gì thay vì chỉ làm một cách hời hợt và tìm cách sao chép những hoạt động mà các thí sinh thành công khác từng làm", đại diện Summit đưa ra lời khuyên.