Bạn đọc viết:

Nhẹ nhàng cùng con bước qua lớp 1, tại sao không?

(Dân trí) - Đọc bài viết “Mất ăn, mất ngủ vì con chưa biết chữ trước khi vào lớp 1” của tác giả Loát Trần, tôi nghĩ đó cũng là nỗi lòng chung của đa số phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1. Nhồi chữ trước cho con khiến bố mẹ và con cùng ám ảnh nhưng không cho con học chữ trước lại lo ngay ngáy. Có cách nào cũng con nhẹ nhàng bước qua lớp 1 không?

Nhiều đứa trẻ xung quanh tôi rơi vào mớ bòng bong của áp lực học tập từ rất sớm. Có những bé cùng lớp mẫu giáo lớn sau một ngày học ở trường mầm non lại phải đến lớp rèn chữ vào chiều tối. Có bé mới học khoảng một học kỳ lại nghỉ hẳn để chuyển sang học chữ hoàn toàn cho “kịp chương trình”. Nhiều lần phụ huynh phàn nàn sao các cô giáo mầm non ít dạy chữ cho cháu và kiến nghị cắt giờ chơi buổi chiều để chuyển hẳn sang viết chữ, làm toán. 

Giáo viên lẫn ban giám hiệu trường mầm non đã giải thích về chuẩn kiến thức, kỳ năng cần đạt của các cháu nhưng dường như không làm phụ huynh yên tâm. Nhiều người vội vàng cho con cầm bút sớm, gò lưng bên bàn học suốt nhiều giờ để cố gò sao cho nét chữ tròn trịa trong khi nhiều nghiên cứu của chuyên gia đã chỉ ra rằng điều đó sẽ gây hại cho sự phát triển thể chất tự nhiên của trẻ.

Tăng giờ học thì siết giờ chơi, thử hỏi bọn trẻ mới lên 4, lên 5 tuổi ấy làm sao tìm được niềm yêu thích trong việc học? Đó là còn chưa kể đến việc con trẻ biết chữ trước, rành rọt các phép tính trước vô hình trung tạo ra khoảng cách khá lớn giữa các bé trong lớp khiến giáo viên cực kỳ khó khăn khi ổn định nề nếp học tập của tập thể.

Một điều cực kỳ nguy hại nữa chính là tình trạng học trước chương trình. Tôi bắt gặp khá nhiều phụ huynh luôn lo lắng con viết sai chính tả, điền sai từ cần tìm hoặc là không biết cách làm phép tính mới nên bao giờ cũng ép con phải viết chính tả trước, duyệt qua luyện từ và câu sẵn cũng như làm trước bài toán hôm sau sẽ học ở lớp.

Và chính việc dạy trước cho bọn trẻ ở nhà hoặc ở lớp học thêm dần dà làm nảy sinh tư tưởng chủ quan, ỷ lại, xem thường việc học trên lớp cũng như làm triệt tiêu sự tập trung chú ý, thái độ hứng thú tìm tòi và tư duy sáng tạo trong mỗi đứa trẻ. Cùng một bài chính tả, con phải viết đến mấy lần; cùng một bài toán, con phải cộng trừ đến mấy dạo, đừng bao giờ lặp lại sự chán ngắt trong cách học chỉ cốt không viết sai, làm sai ấy!

Lớp 1 là ngưỡng cửa đầu tiên chuyển giao giữa bậc mầm non vui chơi là chính sang bậc tiểu học lấy việc học làm trọng tâm. Những khác biệt lớn lao giữa hai cấp học cần được lấp đầy không chỉ bằng việc trang bị kiến thức cho trẻ mà cần hơn hết là chuẩn bị cho con một tâm thế tốt và rèn giũa những kỹ năng cần thiết.

Nhiều lần tôi chứng kiến mấy bạn nhỏ lớp 1 sáng sớm khóc um lên trước cổng trường không chịu vào lớp. Nhiều bạn nhỏ được bố mẹ cưng chiều quen thói nên không hề biết cách cầm muỗng tự xúc cơm, hở tí xíu là mè nheo đòi mẹ. Có trẻ còn bê nguyên thói quen làm nũng đến tận lớp học và thường xuyên đánh bạn, xem thường lời nói của cô giáo.

Bởi vậy nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn đều có lớp “tiền lớp 1” hoặc là các chương trình “chào bé đến trường” vui nhộn và lý thú nhằm tạo niềm vui đi học cho trẻ. Còn lại đa phần ở các địa phương khác thì chính bố mẹ phải là người chuẩn bị tâm thế, kỹ năng vào lớp 1 cho con.

Những cuộc đối thoại bên lề cuộc vui, bên mâm cơm về lớp 1 sẽ dần dà gieo vào lòng trẻ dòng cảm xúc tích cực về ngày đầu tiên đi học. Cùng con tẩn mẩn lựa chọn xặp sách, may đo áo quần, bao bọc sách vở… để con thấy rằng việc học quan trọng thế nào, vào lớp 1 thay đổi ra sao. Nỗ lực của bố mẹ cùng sự đồng hành trên mỗi bước chân con đi sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho một khởi đầu mới mẻ, đầy niềm vui.

Và quan trọng là xây dựng cho con ý thức học tập bằng một lịch học nhẹ nhàng trong hè. Hãy tạo cho trẻ tư thế ngồi học đúng, nhắn nhở con giữ gìn kỷ luật lớp, tập tành nề nếp ăn ngủ bán trú…

Cùng con nhẹ nhàng bước qua lớp 1, tưởng khó mà dễ lắm các mẹ à. Bằng sự kiên trì và nỗ lực đồng hành việc học của con, chúng ta sẽ khiến “vịt lạc đàn” nhanh chóng được “nhập đàn”…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm