Nhân văn từ chuyện “ngồi nhầm lớp”

(Dân trí) - Bấy lâu nay, cụm từ “ngồi nhầm lớp” được dùng để ám chỉ những học sinh không đủ trình độ mà vẫn được lên lớp. Nhưng, có những trường hợp, học sinh ngồi nhầm lớp lại mang “tính nhân văn cao, dù kiến thức ít” như phát biểu của nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai tại TPHCM chiều 15/11. Đó là trường hợp của những trẻ em khuyết tật hay chậm phát triển.

Học sinh không ngồi nhầm lớp có lẽ là một tiêu chí thi đua của các trường, nhất là ở cấp tiểu học. Ở những trường chuẩn quốc gia, tiêu chí này càng được làm ráo riết. Không ngồi nhầm lớp nhưng lại phải trung thực trong kiểm tra, thi cử, phải học thật thi thật. Nên một số học sinh phải lưu ban. Nhưng trong số này, một vài trường hợp không là đối tượng của việc ở lại lớp.  

Năm học 2006-2007, trường tiểu học B ở quận Bình Tân, TPHCM có 4 học sinh lưu ban: 1 là trẻ khuyết tật chậm phát triển, 3 còn lại là trẻ suy dinh dưỡng nặng. Dĩ nhiên, theo lời cô giáo chủ nhiệm thì các em này không thể nào tiếp thu kiến thức như những bạn khác. Vậy là các em phải lưu ban. Nhưng bà Đặng Huỳnh Mai trong buổi tọa đàm về các giải pháp giảm thiểu học sinh bỏ học cấp tiểu học đã có nhận định mang đầy tính nhân văn về những em học sinh này. Bà nói rằng: các em khuyết tật hay suy dinh dưỡng đó không nằm trong đối tượng của học sinh lưu ban. Nếu cứ để các em ở lại lớp hoài, từ năm này qua năm khác thì phụ huynh rồi sẽ đem các em về nhà, vì họ nghĩ để lại trường cũng chẳng ích lợi gì.  

Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT kể rằng trong một lớp học ở Úc, trong khi các bạn được học về biển, về lưới đánh cá thì 3 em khuyết tật chỉ cần pha được màu nước biển là cô giáo đã tuyên dương rồi. Bà Đặng Huỳnh Mai nhận định: “Ở đây tính nhân văn rất lớn mà kiến thức thì nhỏ thôi. Với trẻ khuyết tật, bỏ ra một bên thì dễ lắm. Nhưng phải định hướng để các em sau này lớn lên làm gì cho bản thân của chính các em”.  

Cũng có những câu chuyện vui khi mà các cô giáo quyết không để các em ở lại lớp. Bằng nỗ lực, bằng kinh nghiệm giảng dạy, các cô cố gắng để những con chữ, những phép tính vẫn còn ở lại trong tâm tưởng những em học sinh còn mê chơi hơn mê học. Thảo là học sinh khuyết tật về ngôn ngữ ở trường tiểu học An Lạc 3, quận Bình Tân. Mỗi khi đi học, em phải mang theo 2 bộ quần áo vì cứ ngồi học là nước miếng nhiễu ra ướt hết người. Lên lớp 5, cô Phượng Linh (ảnh dưới) cứ rủ rỉ nói chuyện, khuyên răn em Thảo: “Em lớn rồi, nhễu nước miếng hoài coi kỳ lắm”.

 

 

Nhân văn từ chuyện “ngồi nhầm lớp”  - 1
Rồi, cô giao em học sinh ngồi cạnh hễ cứ thấy Thảo sắp nhễu là khều một cái. Vậy mà lạ, sau một thời gian, phụ huynh em Thảo nói em đã hết mang 2 bộ quần áo, chỉ còn mang theo khăn thôi, vì em đã biết kìm chế hơn. Em Thảo hay tự ti nên ít nói chuyện với bạn bè. Trong những giờ sinh hoạt tập thể, cô Phượng Linh giao cho em gõ nhịp phách cho các bạn hát. Mỗi khi em giơ tay phát biểu, cô cho em trả lời bằng cách viết lên bảng. Đúng là cô khen liền. Em rất hay sai chính tả nên cô giáo chỉ cho em chép một đoạn ngắn thôi. Cô Phượng Linh nhận xét: “Từ ngày được động viên, em vui hơn hẳn”.

Còn cô Lý Thị Hồng Thuận, cũng ở trường tiểu học An Lạc 3 thì tận dụng những giờ ra chơi, những giờ vừa tan lớp để kèm cặp em học sinh yếu làm bài tập. Mỗi khi cho bài tập về nhà, thì em này không bao giờ làm. Hỏi ra mới hay, cậu học sinh này cứ về nhà là đi chơi game nên không làm bài tập. Vậy là cứ giờ ra chơi hoặc sau khi ra về, cô cho em ở lại một chút để làm bài tập về nhà. Kỳ thi học kỳ, em được điểm 7 môn Toán nhưng cô giáo vẫn không dám lơ là chút nào. Vì cô cho biết chỉ cần nơi ra là em lại học sút ngay.  

Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai nhận xét: các cô có những cố gắng cải thiện trình độ học sinh như vậy là đã có sáng kiến trong giáo dục rồi. Mặc dù, bắt các em làm bài tập trong giờ chơi là không tốt lắm vì sẽ làm em mặc cảm tự ti. Quan trọng là với các em học sinh yếu, thì mục tiêu đặt ra không phải trong một tiết học mà phải trong một buổi, một ngày học.  

Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm