Nhận diện điểm yếu của sinh viên sư phạm

Bốn điểm yếu của sinh viên sư phạm được PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - thẳng thắn chia sẻ. Nhìn thẳng vào những điểm yếu này, các trường sư phạm sẽ có những cách thức đổi mới hoạt động đào tạo phù hợp trong bối cảnh hội nhập.

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp.

Ý thức chủ động trong học tập chưa cao

Về nguyên tắc, sau khi đã tốt nghiệp các trường sư phạm, giáo viên phổ thông có đủ trình độ chuyên môn cao và sâu rộng hơn hẳn so với chương trình giáo dục phổ thông; và hơn thế nữa, họ còn có tri thức và kĩ năng sư phạm.

Vậy, họ phải có đủ khả năng để giảng dạy bất cứ chương trình và sử dụng bất cứ sách giáo khoa nào của bậc phổ thông, thậm chí có thể tự xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa, nếu như chúng chưa có sẵn. Nhưng thực tế, một bộ phận giáo viên chưa đạt được yêu cầu như vậy.

Khi giáo viên thiếu khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức chủ động trong tổ chức dạy học, sẽ việc rất khó giáo dục học sinh của mình về khả năng và ý thức đó trong học tập.

Rời trường phổ thông mang theo rất ít khả năng tự học và ý thức chủ động; trở thành sinh viên cũng chưa thực sự có môi trường rèn khả năng này. Nên, khả năng tự học, ý thức chủ động trong học tập có thể nói là điểm yếu cơ bản nhất của sinh viên sư phạm hiện nay.

Trình độ và khả năng sử dụng ngôn ngữ còn nhiều bất cập

Sau 12 năm học tiếng mẹ đẻ trong trường phổ thông, số đông các sinh viên đại học, cao đẳng vẫn chưa thật sự tinh thông tiếng Việt.

Dễ dàng nhận thấy điều này khi chấm bài tập, bài kiểm tra, bài thi, tiểu luận, luận văn của sinh viên, hoặc khi phê duyệt các đơn từ của họ.

Sự yếu kém về tiếng Việt chính là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều sự bất cập khác trong chất lượng đào tạo.

Các sinh viên yếu kém tiếng Việt sẽ ít hiểu bài giảng của thầy, không nắm bắt được các ý tưởng chủ yếu của môn học. Họ không thể đọc sách có hiệu quả, vì ít hiểu hoặc không hiểu nên không thể rút ra được các ý chính.

Do đó, họ không thể tự học bằng sách giáo khoa cũng như các tài liệu tham khảo. Khi cần trình bày một vấn đề nào đó, họ nói hoặc viết rất khó khăn vì khả năng diễn đạt kém, và thường phải quay về với những câu chữ có sẵn (điều này thường biểu lộ trong các kì thực tập sư phạm).

Yếu kém tiếng Việt là yếu kém về ngôn ngữ, cũng tức là yếu kém về tư duy. Các sinh viên yếu kém tiếng Việt thiếu khả năng tư duy để phân tích hay tổng hợp các vấn đề nhằm biến tri thức ở bài giảng, ở sách vở thành tri thức của mình.

Vì yếu kém ở mọi khả năng nghe, nói, đọc, viết, hiểu và suy nghĩ, các sinh viên này đành chấp nhận “phương pháp” duy nhất là học thuộc lòng câu chữ của các bài giảng, làm bài thi bằng cách chép từng đoạn nhớ được của bài giảng ấy (nếu không nhớ được thì đối phó bằng các thủ đoạn gian lận).

Và sau nữa, đã yếu kém về tiếng Việt, sinh viên còn yếu kém hơn nữa về phương pháp học và khả năng sử dụng ngoại ngữ.
 
Thiếu phương pháp học tập và yếu kĩ năng nghề nghiệp

Thiếu phương pháp học tập và yếu kĩ năng nghề nghiệp

Đã yếu kém về trình độ ngôn ngữ và khả năng tư duy, lại thiếu khả năng tự học và ý thức chủ động trong học tập, sinh viên không thể tự tạo cho mình một phương pháp học tập tốt.

Ngay cả các sinh viên xuất sắc và giỏi, không mắc phải những điểm yếu trên, cũng không dễ dàng và mau chóng tìm được cho mình một phương pháp học tập tốt.

Trong khi đó, về phía các trường sư phạm chưa chú trọng nhiều đến vấn đề phương pháp dạy học nói chung và phương pháp học tập của sinh viên nói riêng.

Thêm nữa, do yếu kém về ngôn ngữ và tư duy, thiếu khả năng tự học và ý thức chủ động lại không được trang bị phương pháp học tập tốt, nhiều sinh viên hiện nay đang học tập một cách bị động, tiếp thu một chiều theo kiểu thuộc lòng câu chữ và nhồi nhét máy móc để đối phó với các kì thi.

Học như vậy không thể có hiệu quả tốt; kĩ năng nghề nghiệp yếu, không đảm bảo được chất lượng đào tạo và không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thiếu nhạy bén trong tiếp cận, ứng dụng CNTT

Quá trình dạy học ngày nay đòi hỏi người giáo viên phải có một số kĩ năng tin học nhất định phục vụ cho hoạt động chuyên môn như: Kĩ năng thiết kế giáo án điện tử, kĩ năng tìm kiếm tài liệu trên mạng, kĩ năng cập nhật thông tin...

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp khi về trường phổ thông vẫn còn yếu những kĩ năng này. Chẳng hạn, cần giáo án điện tử họ thường “copy” nguyên xi trên mạng và sử dụng không có chính kiến riêng của mình, hoặc nếu muốn thay đổi cho phù hợp với trình độ học sinh nơi giảng dạy lại không biết thao tác.

Và điều này đã dẫn đến một thực trạng cùng một “mẫu giáo án” được nhiều giáo viên trong một trường, ngoài trường thao giảng như nhau ...

Trong khi đó, tại các trường sư phạm, việc trang bị kĩ năng công nghệ thông tin cho sinh viên chưa được chú trọng. Số giờ lí thuyết đặc biệt là cơ hội để sinh viên thực hành trên máy còn khiêm tốn.

Điều này cũng dẫn đến tâm lí coi nhẹ môn học của sinh viên, khiến họ chưa chủ động tích cực tự học, tự trang bị những kĩ năng rất cần thiết này cho bản thân.

Vai trò quan trọng của người giảng viên

Khẳng định vai trò của người giảng viên rất quan trọng, PGS Nguyễn Văn Đệ cho rằng, giảng viên ngày nay cần phải như một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn; một người điều phối, thiết kế chương trình đào tạo và nội dung môn học; người tư vấn cho học sinh cũng như kiểm tra đánh giá hiệu quả giảng dạy.

Với vai trò nhà thiết kế, giảng viên không chỉ có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực chuyên môn mà còn hiểu biết tường tận những quy luật nhận thức diễn ra trong quá trình học tập. Từ đó, biết cách giúp đỡ sinh viên từng bước nắm vững môn học, biết cách giúp sinh viên vượt qua những khó khăn tất yếu của môn học.

Đồng thời, giảng viên phải dựa vào những đặc điểm của sinh viên để đưa ra những tài liệu, bài giảng kích thích được tính ham học hỏi, giúp sinh viên phát huy dần khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình.

Trong vai trò tư vấn, giảng viên phải nỗ lực để xác định một “tầm nhìn” và phải gắng tạo nên nhóm sinh viên có tinh thần đồng đội; phải tìm cách cổ vũ sinh viên, đưa ra được những lời khuyên kịp thời, có tính cách xây dựng để sinh viên hành động hướng tới đạt được tầm nhìn đó.

Là nhà quản lí quá trình học tập, đánh giá giáo dục, giảng viên phải biết cách thiết kế bài kiểm tra phù hợp với yêu cầu, mục đích và kết quả học tập của sinh viên bên cạnh yêu cầu đánh giá sinh viên và đồng nghiệp một cách công bằng, chính xác.

 

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm