Nhận 41,9 tỷ USD, ĐH Harvard có mức tiền tài trợ cao nhất lịch sử trường

Lệ Thu

(Dân trí) - Giá trị tài trợ của Đại học Harvard đã tăng thêm 1 tỷ đô la, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 41,9 tỷ đô la.

Trường đại học giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn. Hôm thứ 3 vừa qua, Đại học Harvard công bố lợi nhuận đầu tư là 7,3% trong năm tài chính vừa qua, ngay cả khi các cơ sở giáo dục đại học “ít giàu” hơn đang khao khát một gói cứu trợ của liên bang và một số đang phải đấu tranh để tồn tại.

Giá trị tài sản của Harvard đã tăng thêm 1 tỷ USD, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 41,9 tỷ USD, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6, Công ty Quản lý Harvard, công ty giám sát khoản đầu tư vào nhà trường, báo cáo hôm thứ Ba.

Nhận 41,9 tỷ USD, ĐH Harvard có mức tiền tài trợ cao nhất lịch sử trường - 1

Đại học Harvard là đại học có nguồn tài trợ nhiều nhất nước Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Đại dịch Covid-19 càng khẳng định tầm quan trọng của nguồn tài trợ này đối với các trường đại học và mở rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các trường đại học có nguồn lực và những trường không có nguồn lực.

Các tổ chức giáo dục với các khoản tài trợ lớn được tích luỹ qua nhiều năm có sức mạnh hơn các tổ chức giáo dục có ít tài sản và ít nhà tài trợ hơn, trong việc trang trải chi phí và sụt giảm doanh thu do đại dịch gây ra.

Các trường cao đẳng đã chi hàng triệu đô la để trả cho việc kiểm tra bệnh Covid-19 cho sinh viên và nhiều công nghệ hơn để tiến hành các lớp học từ xa.

Đồng thời, việc ít sinh viên sống trong khuôn viên trường hơn dẫn đến các trường đại học sụt giảm thu nhập từ phí ăn ở và thuê phòng của sinh viên.

Nhiều sinh viên đang trì hoãn một học kỳ hoặc một năm, thay vì ghi danh vào các lớp học chủ yếu từ xa, do đó, tổng số đăng ký đại học bị giảm. Các trường đại học cũng đang nhận được ít doanh thu hơn từ sinh viên quốc tế, nhiều người trong số họ vẫn ở nước ngoài.

Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ, ước tính rằng đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho các trường đại học, cao đẳng toàn quốc hơn 120 tỷ đô la và đang thúc giục Quốc hội dành nhiều tiền hơn cho giáo dục đại học trong gói cứu trợ tài chính liên bang tiếp theo.

Họ cảnh báo rằng tình hình đang rất nghiêm trọng: Một số trường đại học đã sa thải hoặc cắt giảm nhân sự và các chương trình giảng dạy.

Robert Kelchen, phó giáo sư về lãnh đạo, quản lý và chính sách giáo dục tại Đại học Seton Hall, cho biết, có một nguồn tài chính lớn với lợi nhuận mạnh mẽ có thể giúp các trường đại học vượt qua những thách thức này và giữ mức cắt giảm ở mức tối thiểu.

Các trường đại học thường sử dụng nguồn tài trợ của họ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên, giúp trả lương cho nhân viên và bù đắp chi phí hoạt động.

Trước Covid-19, một số trường đại học nhỏ ở bang New England đã đóng cửa hoặc sáp nhập vì bất ổn tài chính và các chuyên gia giáo dục lo ngại rằng nhiều cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc có thể gặp phải số phận tương tự nếu thua lỗ tiếp tục kéo dài trong năm tới.

Hôm thứ Ba, Harvard thông báo rằng do “hoạt động mạnh mẽ bất ngờ của nguồn tài trợ trong năm nay”, trường sẽ cung cấp thêm 20 triệu đô la cho các trường con của mình để bù đắp chi phí đại dịch.

Nhưng ngay cả Đại học Harvard cũng bày tỏ lo ngại về một gánh nặng liên quan đến đại dịch. Trong một lá thư gửi cho cộng đồng Harvard, Chủ tịch của trường, Larry Bacow, cảnh báo rằng trường đại học chỉ bị sụt giảm doanh thu lần thứ hai (kể từ Thế chiến thứ hai) vào năm nay. Lần cuối cùng trường đại học chứng kiến ​​doanh thu giảm là trong cuộc suy thoái năm 2008-2009.

“Harvard có nguồn lực tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể duy trì chi tiêu thâm hụt trong dài hạn,” Bacow viết trong bức thư. “Chúng tôi sẽ cần phải đưa ra những quyết định khó khăn trong tương lai nếu duy trì và thúc đẩy các ưu tiên liên quan đến sứ mệnh học tập cốt lõi của chúng tôi”.

Nick Ducoff, đồng sáng lập của Edmit, một dịch vụ tư vấn đại học có trụ sở tại Boston, cho biết đối với Harvard và nhiều trường đại học khác, lợi tức tài trợ là một điểm sáng trong tình hình tài chính ảm đạm.

Với hiệu quả hoạt động của quỹ tốt hơn, Harvard và các tổ chức khác có thể sẽ phải đối mặt với áp lực phải chi nhiều tài sản hơn để bù đắp các khoản cắt giảm.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2019, Harvard đã chi 1,9 tỷ đô la từ nguồn tài trợ của mình, chiếm hơn 1/3 doanh thu hoạt động của trường, bao gồm 193 triệu đô la cho hỗ trợ tài chính cho bậc đại học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm