Nhà vệ sinh học đường: Chuyện nhỏ mà... không nhỏ!

Là góc khuất ít ai để ý, thế nhưng nhà vệ sinh lại là chuyện cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới không nhỏ tới sức khỏe và ý thức của học sinh, sinh viên. Vậy nhưng hiện nay, rất nhiều trường học vẫn cứ coi đây là chuyện nhỏ...?!

Oái ăm từ... cái toa let

 

Tại trường tiểu học P. (Q. Tân Bình, TPHCM), câu chuyện mất thời gian thảo luận nhất trong buổi họp phụ huynh đầu năm của khối lớp 1 khá đặc biệt. Gần 1/4 phụ huynh lớp phản ánh con em mình đến trường sợ nhất là... toalet. Một phụ huynh kể, buổi chiều khi đón cháu về cứ thấy con ôm bụng kêu đau, một hai giục mẹ mau về nhà. Thấy mặt con xanh xám, hỏi sao, cậu bé cứ ấm ớ: “Con mắc... tiểu”.

 

Quá hoảng sợ, chị đành liều "mất văn minh", dừng xe cho con tè ngay góc khuất của đường. Lý do ngay sau đó cậu bé lớp 1 cho biết là... “Con nín từ... trưa tới giờ chỉ vì hồi sáng vô toalet sợ quá. Hôi, bẩn và các bạn cứ xô nhau đi...

 

“Sợ” nhà vệ sinh mà “bĩnh” ra cả quần cũng là chuyện thường xảy ra đối với nhiều trẻ nhỏ. Một bảo mẫu trường tiểu học T tâm sự năm nào, vào đầu năm học, chị cũng giải quyết sự cố này cho vài cháu. Những cô cậu học trò này thà... bĩnh cả quần còn hơn ngồi toalet buồn ói!

 

Sự cố toalet không chỉ xảy ra ở học sinh lớp nhỏ. Chị Hoàng, phụ huynh một học sinh lớp 8, trường THCS V cho biết bé gái nhà chị đã đến tuổi có kinh nguyệt. 13, 14 tuổi còn rất vụng về trong việc vệ sinh, thế nhưng toalet trường không có phòng tắm, thay đồ cho học sinh gái. Con bé phải vào chỗ đại tiện thay. Lóng nga lóng ngóng té vào cả bồn cầu, dơ hết quần áo. Khóc quá trời khóc.

 

Một cán bộ của trường ĐH K, nay đã chuyển qua công tác ở một Viện nghiên cứu kể, cách đây ba năm, trường anh vinh hạnh đón tiếp một đoàn khách nước ngoài đến thăm. Sau buổi làm việc chính thức với ban giám hiệu trường, một thành viên trong đoàn cắc cớ xin phép nhà trường được tham quan hai điểm. Điểm tham quan thứ nhất là thư viện, còn điểm thứ hai là... nhà vệ sinh dành cho sinh viên. Anh cho biết hôm đó may mà cán bộ phụ trách đối ngoại của trường dẫn riêng vị khách này đến... nhà vệ sinh dành cho giáo viên và cán bộ trường, chứ nếu không, quả là ê mặt. Sau dịp, bị tham quan một danh mục quá ư bất ngờ này, trường mới... cơi lại cái toalet cho sinh viên, vì, nói theo vị khách kia thì đây là một tiêu chí để xác nhận sự văn minh của học đường.

Một trong những điểm nhấn của y tế học đường năm học 2005-2006 này của ngành GD-ĐT TPHCM là xây dựng nhà vệ sinh văn minh. Hiện ngành GD-ĐT TPHCM đang phối hợp với Sở Y tế xây dựng một barem tiêu chuẩn cho nhà vệ sinh trường học. Đây cũng sẽ là một trong những điểm để thi đua giữa các trường với nhau trong năm học này”.

Hầu hết nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn

 

Hiện, nhiều trường học ở TPHCM hiện khá chu đáo trong việc xây dựng nhà vệ sinh học đường. Ở trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, ĐH Kinh tế TPHCM, THCS College... phòng vệ sinh thiết kế khá đẹp, có cả gương soi cho HS, SV. ở trường THCS Nguyễn Văn Tố, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, mặc dù nhà vệ sinh nằm trong dãy lớp học nhưng vào cửa không bị bắt mùi.

 

Thế nhưng, theo tài liệu Nâng cao sức khỏe trường học của Sở Y tế TPHCM thì ngay cả những nơi gọi là tốt chưa hẳn đã đủ chuẩn, nhất là về mặt xây dựng. Theo tiêu chuẩn này quy định thì nhà vệ sinh ở trường học phải chia làm hai khu riêng: giáo viên và học sinh, nam và nữ; Số lượng học sinh của trường phải “tương xứng” với số lượng bàn cầu, mét dài hố tiểu và vòi nước. Cụ thể: ở trường có bán trú, phải đảm bảo trung bình 100 HS/ 1 bàn cầu, 50 HS/mét dài hố tiểu và 100 HS/ 1 vòi nước. Số lượng HS/ cơ sở vật chất vệ sinh ở trường học một buổi thì cao gấp đôi. Đặc biệt, ở các trường THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng vệ sinh kinh nguyệt cho HS nữ.

 

Việc các nhà vệ sinh trường học chưa đạt yêu cầu có nhiều lý do. Cơ sở vật chất, nhất là các trường nội thành, trường xây dựng lâu đời khá cũ kỹ, mặt bằng hạn chế, điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều trường sĩ số quá cao. Những nơi chưa sạch sẽ, chưa đảm bảo vệ sinh thì lại do... thiếu nhân sự dọn dẹp.

 

Tăng cường đầu tư cho nhà vệ sinh học đường, và có sự chế tài cụ thể với những vi phạm về vệ sinh, về phía các trường học là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết hơn là giáo dục ý thức của học trò.

 

 

Theo Mai Nguyên Vũ

Giáo Dục Thời Đại