TPHCM:

Nhà trọ tiền triệu “đón đầu” tân sinh viên

(Dân trí) - Đón tân sinh viên các trường ĐH, CĐ chuẩn bị nhập học, thời điểm này hàng loạt nhà trọ khu vực nội thành lẫn ngoại thành ở TPHCM đã đua nhau tăng giá. Phòng trọ không thiếu nhưng sinh viên lại không dễ tìm được chỗ ở hợp túi tiền.

Khắp mọi con đường, ngõ hẻm, đặc biệt những khu vực gần các trường ĐH, CĐ… nơi đâu cũng có thể bắt gặp tờ rơi cho sinh viên (SV) thuê nhà trọ dán trên tường, cột điện. Nơi đâu cũng có phòng trọ cho thuê nhưng SV lại không dễ tìm được một chỗ ở vì giá thuê cao, đều có giá tiền triệu. Hầu hết, giá phòng trọ ở nhiều nơi đã có mức tăng đáng kể, phòng nhỏ thì tăng 100.000 - 200.000 đồng,  phòng lớn được chủ nhà tăng cả nửa triệu.

Quanh khu vực trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kỹ thuật Công nghệ nhiều khu trọ ở đường D2, D5, Ung Văn Khiêm… được xây dựng khá đẹp, theo kiểu phòng mini khép kín. Phòng trọ có diện tích 15 - 20m2, giá xấp xỉ 2,2 đến 3 triệu đồng. Kể với mức giá như vậy nhưng cũng không dễ tìm phòng vì ở đây nhu cầu thuê trọ cao, các phòng đều đã có người "giữ chỗ". Những phòng còn trống thì thì giá "cực chát" chỉ dành cho những người "chịu chi".

Nhà trọ tiền triệu “đón đầu” tân sinh viên  - 1

Năm học mới, phòng trọ không thiếu nhưng giá tăng rất cao.

Một trong những nơi cho thuê nhà trọ tấp nập nhất là khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh, quanh trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Văn Lang... Trước đây, SV có thể tìm những phòng trọ nhỏ khoảng 12m2 ở đường Dương Quảng Hàm, Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị… với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng thì thời điểm này giá đã tăng thêm ít nhất là 200.000 đồng/phòng, nhiều nơi tăng cao hơn. Thậm chí những phòng trọ xập xệ cũng vào cuộc tăng giá. Như vậy, nếu một phòng 2 người ở, hàng tháng SV cũng đã gánh từ 700.000 đồng đến 1 triệu tiền phòng, chưa kể tiền điện nước.

Nguyễn Thị Vân, SV năm thứ 2 ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, cô và một người bạn cùng trường thuê phòng trọ diện tích chỉ 10m2 trên đường Dương Quảng Hàm với giá 1,2 triệu đồng. Mới đây, chủ nhà thông báo, sang tháng 9 sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng. Phòng tăng quá cao, một lúc vọt lên 300.000 đồng, nhiều người kham không nổi nên ở hết tháng 8 sẽ chuyển đi.

“Chủ nhà tăng giá đâu cần trình  bày lý do với người thuê trọ. Ai không ở được thì vì mùa này tân SV nhập học, người đi là có người đến ở ngay. Bọn em ở đây đã quen nên cũng ngại chuyển, hơn nữa, giờ phòng nơi khác cũng tăng, đâu tìm được phòng giá thấp hơn để chuyển”, Vân nói.

Phòng trọ không thiếu nhưng nhiều người vẫn không tìm được chỗ ở vì không “gánh” nổi giá. Người thuê trọ đi tìm nhà lúc này thường nghe chủ nhà hỏi lại “Phòng không thiếu nhưng giá cao có ở nổi không?”

Bác Lê Thị Lộc, quê ở Đồng Nai, có con vừa thi đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, hai mẹ con bác lên thành phố sớm hơn tìm nhà trọ để con yên tâm nhập học. Thế nhưng lang thang cả tuần nay, mẹ con bác dù gặp rất nhiều phòng trọ ưng ý  cũng phải lắc đầu quay đi vì giá thuê quá cao.

Bác Lộc trần tình: “Phòng nào cũng phải tiền triệu mới thuê nổi. Phòng ở được hai cháu thấp nhất cũng phải 1,5 triệu chưa kể điện nước. Mỗi tháng gia đình cố gắng lắm cũng chỉ gửi cho con 2 triệu, mình tính dành cho tiền trọ khoảng 500.000 - 600.000 đồng là hợp lý.  Nhưng với giá phòng thế này sẽ chiếm 1/2 tiền tiêu hàng tháng của cháu mất thì hỏi các sinh hoạt khác sao đủ được”. 

Nhà trọ tiền triệu “đón đầu” tân sinh viên  - 2

Dán quảng cáo cho thuê nhà trọ khu vực Q. Gò Vấp, giá thấp nhất cũng là 1,3 - 1,6  triệu cho phòng 10m2.

Bác Lộc cùng con trai cũng đã đi xem một vài phòng trọ có giá mềm hơn, trong khoảng 1 triệu đồng nhưng không thể ở được vì quá xa trường, lại lập xập, ấm ướt và thiếu an toàn. Nhưng nếu đường cùng, họ cũng phải chấp nhận thuê những căn phòng này.

Không chỉ ở những khu vực trung tâm, gần trường học mà nhiều phòng trọ ở xa như quận 12, Bình Tân rồi về các huyện như Hóc Môn, Củ Chi… dịp này cũng tăng giá. Rất khó để tìm phòng trọ giá vài trăm nghìn ở nơi ngoại thành, phòng có nhỏ đến thế nào cũng phải bỏ ra tiền triệu mỗi tháng mới có phòng để ở.

Hoài Nam