Nhà sử học Dương Trung Quốc nghĩ về việc học sử

Phải biết nhìn thẳng, nhận thức quá khứ một cách sâu sắc mới có thể đạt tới một tương lai tốt đẹp.

1. Câu chuyện này xảy ra cách đây đã hơn hai mươi năm về trước. Một hôm, con tôi về bảo: “Bố ơi, hôm nay học tiết sử có câu chuyện vua Quang Trung hành quân ra Bắc đánh giặc Thanh mang theo mấy trăm “thớt” voi. Có bạn hỏi: “Thớt là gì? tại sao gọi là thớt voi?”. Cô giáo nói rằng cô biết nhưng sẽ không trả lời mà yêu cầu các trò về nhà hỏi người lớn rồi đến tiết sau trả lời cho cả lớp nghe, ai nói đúng cô sẽ thưởng điểm cao. Vì biết tôi làm nghề sử, cô dặn riêng con tôi là phải về nhà hỏi bố bằng được.

Bất chợt nghe câu hỏi của con, đúng hơn là của cô giáo, tôi cũng giật mình vì chưa bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi như vậy để tìm hiểu, bèn nói đại cho vui: “Cuộc hành quân của quân Tây Sơn ra Bắc được gọi là thần tốc vì phải đi thật nhanh tạo yếu tố bất ngờ. Vì thế mới có chuyện 2 người võng một người để đoàn quân không lúc nào ngừng bước (câu chuyện này các đồng nghiệp của tôi sau này làm thực nghiệm chứng minh rằng nếu theo cách ấy thì mất sức và tốc độ hành quân còn chậm hơn nhiều là tự đi, tự nghỉ). Thế cho nên, trên mỗi lưng voi, quân ta có sáng kiến là đặt... một cái thớt để ông quản tượng tranh thủ vừa hành quân vừa thái thịt, băm rau để lo việc nuôi quân... ”.

Những tưởng đó là câu chuyện vu vơ trả lời cho xong chuyện... Nào ngờ, vài hôm sau, con tôi đi học về hứng khởi khoe bố: “Hôm nay cô giáo dạy sử thưởng cho con điểm cao vì con trả lời đúng”. Chết cha! Cái câu chuyện tôi bịa ra tưởng để nói cho vui con trẻ, nay cô giáo cũng tin, rồi đây đem ra dạy học trò!

Tôi vội tìm mấy anh bạn am hiểu chữ nghĩa và được giải thích cặn kẽ “thớt” là biến âm của chữ này, chữ nọ để rồi trở thành một đơn vị từ dùng riêng cho các “ông voi” là loại thú khổng lồ được thuần dưỡng, biên chế như một binh chủng trong quân đội xưa (tượng binh)... Rồi tôi thông tin những điều mình mới biết cho cô giáo biết để xí xoá câu chuyện làm bếp trên lưng voi... Sau này, có dịp gặp lại, cô giáo nói với tôi rằng cô đã dùng cả câu chuyện tôi bịa và cả cách giải thích khoa học về “thớt” voi ấy trong bài giảng của mình nên được học trò và các đồng nghiệp khen là làm cho tiết giảng trở nên sinh động...

Nhà sử học Dương Trung Quốc nghĩ về việc học sử  - 1
Ảnh cũng là tư liệu rất quan trọng để học sử. Trong ảnh: Các cô gái miền Bắc bán củi năm 1890.

2. Rồi đêm hôm qua, xem trên kênh truyền hình nổi tiếng “National Geographic” một bộ phim khoa học liên quan đến một trong những xác ướp nổi tiếng nhất của các pharaon Ai Cập là vua Tutankhamon. Xác ướp này được một nhà khảo cổ học người Anh phát hiện cách đây đã hơn 80 năm (1922) và câu chuyện xoay quanh xác ướp của vị pharaon thứ 18 chết cách đây đã hơn ba thiên niên kỷ luôn trở thành một đề tài sử học hấp dẫn không chỉ gắn với lịch sử Ai Cập cổ đại mà nó còn luôn luôn được làm mới nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ.

Ngay sau khi mới khai quật, ngoài giá trị của những cổ vật là sự xuất hiện của những giả thuyết hay truyền thuyết về vị vua, thời đại của ông và cả những lời nguyền mà nạn nhân đầu tiên là vị bá tước Carnarvon - người đã tài trợ cho cuộc tìm kiếm - cũng là người đã chứng kiến khi mở mộ để rồi bị chết sau phát hiện này có vài tháng...

Bộ phim cho biết, lúc mới khai quật, giả thiết về cái chết của pharaon 19 tuổi này là bị ngã vì khi tiếp xúc với thi thể sau khi mở nhiều lớp quan, quách, vải cuốn cũng như các hợp chất tẩm liệm đã phát hiện những vết nứt trên hộp sọ... Đến năm 1968, Đại học Liverpool (Anh) đã sử dụng thiết bị X quang chụp xác ướp cho thấy trong hộp sọ của vị vua này có những mảnh xương vỡ và có vết tụ máu để đưa ra kết luận về cái chết của Tutakhamon là do những tăng lữ trong triều đình muốn tuyệt diệt một dòng vua đã từ bỏ đa thần giáo truyền thống của người Ai Cập mà Tutankhamon là hậu duệ trực tiếp. Nhưng bước vào thế kỷ XXI, với những tiến bộ mới của công nghệ cắt lớp (CAT), Hãng Siemen đã cung cấp thiết bị cho Bảo tàng Ai Cập và Kênh truyền hình của Hội Địa lý Hoa Kỳ để tài trợ cho việc “chụp cắt lớp” các xác ướp đang lưu giữ ở Bảo tàng Cairo và đưa cả thiết bị đó đến “Thung lũng Thần Chết” để cắt lớp cho vị vua chết trẻ Tutankhamon.

1500 lát cắt thi thể của ông vua có chiều cao 1m68 đã cung cấp vô vàn dữ liệu cho việc nghiên cứu sử học, rồi với sự tham gia của các nhà khoa học của nhiều ngành đã chứng minh rằng những dấu tích trong hộp sọ chỉ là hậu quả của phương pháp ướp xác của người Ai Cập cổ đã làm tổn thương khi phải moi óc qua đằng mũi... Người ta còn phát hiện một chiếc răng “khôn” của nhà vua bị mọc lệch chắc làm ông vua trẻ đau đớn và một mắt cá chân bị tổn thương... nhưng nguyên nhân chính là một vết thưởng hở ở chân trái khiến xương cẳng chân bị gẫy lìa và bánh chè bị vỡ. Các dữ liệu mới còn làm sáng tỏ cái chết của những người có liên quan đến việc khai quật mà trước kia chỉ có cách giải thích duy nhất là do ứng với lời nguyền được ghi trong mộ v.v...

3. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vừa tổ chức tổng kết 5 năm thử nghiệm hoạt động của Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” dành cho các cháu học sinh phổ thông. Cùng với việc tổ chức các cuộc trưng bày lưu động để đưa lịch sử đến gần hơn các trường học, Bảo tàng đã tổ chức hình thức câu lạc bộ định kỳ để thu hút các bạn trẻ đến với Bảo tàng tham gia những sinh hoạt “vừa học vừa chơi” để chuyển tải những tri thức và cảm xúc lịch sử một cách sinh động, khắc phục phần nào sự đơn điệu và còn nghèo nàn của các bảo tàng Việt Nam, đặc biệt là với những bảo tàng lịch sử hiện đại và đương đại như chính Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Nhưng chính ở Bảo tàng này, không chỉ các em đến dự câu lạc bộ mà nhiều khách tham quan, kể cả khách tham quan nước ngoài thắc mắc rằng vì sao nội dung bảo tàng lại có những khoảng trống lịch sử thật khó hiểu. Vì sao mà cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc lại diễn ra ngay sau khi dân tộc ta vừa hoàn thành thắng lợi một sự nghiệp thiêng liêng là chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước. Đó là một cuộc chiến tranh không kém phần khốc liệt giữa lúc những hậu quả của 30 năm chiến tranh vừa chấm dứt mà chúng ta chưa kịp bắt tay vào khắc phục, giữa vòng vây thù địch và cấm vận của những thế lực thù địch cả cũ và mới.

Và những gì mà dân tộc ta đã vượt qua, không chỉ giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nêu cao đuợc ý chí tự chủ mà chúng ta còn đóng góp được cho thế giới một công huân đáng tự hào là tiêu diệt được chế độ diệt chủng Pol Pot. Thật đáng suy nghĩ khi chúng ta từng là nạn nhân trực tiếp rồi trở thành lực lượng có thể nói là duy nhất đương đầu để đánh bại tập đoàn diệt chủng này, góp phần quyết định bằng xương máu để nhân dân Cămpuchia thoát được khỏi chế độ diệt chủng. Làm sao chúng ta không suy nghĩ, giờ đây khi chế độ diệt chủng Pol Pot đang ngồi trước vành móng ngựa của Tòa án quốc tế về tội diệt chủng và thế giới coi việc xóa sổ chế độ này là một thành tựu của nhân loại thì chính Việt Nam chưa tự mình đánh giá đúng mức và ngay trong bảo tàng của chúng ta chưa thể hiện được rõ sự hy sinh cao cả ấy.

Không ai ảo tưởng sử học đứng ngoài chính trị nhưng lẽ ra phải biết nhìn thẳng, nhận thức quá khứ một cách sâu sắc mới có thể đạt tới một tương lai tốt đẹp thì dường như chúng ta lựa chọn một cái nguyên lý hời hợt hơn là “khép lại quá khứ” gần như đồng nghĩa với quên lãng quá khứ chỉ vì một nhận thức nông cạn nhằm đáp ứng một nhu cầu tế nhị đương đại. Một lịch sử thiếu công bằng như thế khó có thể tạo nên một niềm tin vào lịch sử, nhất là của giới trẻ.

Ai đã vào thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy có một số rất đông khách tham quan lại là người Mỹ, trong đó không chỉ có những cựu chiến binh mà cả giới trẻ thế hệ “sau Việt Nam”. Những người phát hiện và mong muốn giữ gìn chứng tích nạn đói năm Ất Dậu (1945) ở Việt Nam, trong đó có tội ác của chủ nghĩa phát xít Nhật lại chính là những bạn Nhật, trong đó có các nhà sử học Nhật Bản. Lẽ đơn giản vì họ coi sai lầm của những thế hệ trước, những người gây ra chiến tranh và tội ác là những bài học sâu sắc, sự hổ thẹn cần được tiếp thu để dân tộc Nhật Bản không lặp lại những sai lầm của quá khứ và vươn xa hơn trong sự tôn trọng của nhân loại.

4. Trên một tờ báo được nhiều bạn đọc biết đến của Thông tấn xã Việt Nam, mới đây có bài báo dưới nhan đề “Mỹ cũng khủng hoảng giáo dục!” đề cập tới một vấn đề cũng đang “nóng” như ở nước ta, đó là những lỗ hổng to tướng về kiến thức lịch sử trong học đường của cường quốc giáo dục này.

Cũng vẫn những con số (tuy không đến nỗi tệ như kết quả cuộc thi vừa qua ở Việt Nam mà dư luận đang sôi nổi bàn luận): chỉ có chừng 20% học sinh lớp 4 và 17% lớp 8 trong cuộc thi sát hạch về môn sử năm 2010 đạt điểm “khá” hay “giỏi”, còn có trên 50% học sinh bị “trượt”. Bài báo cũng cho biết “chính lịch sử là môn học bị học trò Mỹ... sợ nhất”. Tác giả bài báo cũng nhấn mạnh khi viết bằng dòng chữ đậm nét: “Một cuộc kiểm tra toàn quốc trong môn sử cho thấy học sinh Mỹ đầu hàng trước những câu hỏi sơ đẳng” (những câu hỏi ấy được cụ thể hoá như Abraham Lincohn là ai? Tuyên ngôn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời ngày nào?).

Đấy là trên một đất nước mà nền giáo dục quy củ đến mức: cứ 4 năm một lần chính phủ cho kiểm tra kiến thức học sinh bằng một bộ câu hỏi sát hạch liên quan đến 8 bộ môn được coi là kiến thức cơ bản của công dân: Đọc, viết, toán, xã hội, khoa học tự nhiên, địa lý, kinh tế và lịch sử. Nhưng bài báo viết “kết quả cho thấy một sự thật phũ phàng: học sinh Mỹ trượt gần hết” và Bộ Giáo dục Mỹ trấn an bằng một so sánh “điểm bình quân trong khối lớp 4 của môn sử năm 2010 cao hơn năm 1994!”. Và đó cũng điều mà nhiệm kỳ của Tổng thống B.Obama muốn thể hiện là đã cố gắng khắc phục tình trạng nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bush đã coi môn sử nằm ngoài các bộ môn tạo “cơ sở của thành công kinh tế”. Bộ trưởng Giáo dục đương nhiệm của Mỹ cũng đã đưa ra quan điểm “phải tăng cường dạy sử cùng với hoà nhạc và sân khấu”...

Suốt tuần phải trả lời phỏng vấn và đọc những bài trả lời phỏng vấn liên quan đến kết quả thi môn sử năm nay, đến mức bão hoà pha chút hoang mang. Thuật lại mấy câu chuyện tản mạn này để bạn đọc cùng “nghỉ ngơi”, chẳng phải để góp vào cái bức xúc của dư luận trước ý kiến của ông bộ trưởng giáo dục nước ta vẫn cảm thấy chưa bức xúc lắm (bình thường!).

Theo Dương Trung Quốc
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm