Nguyễn Tuấn Tú - sinh viên khiếm thị nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi
(Dân trí) - Chàng trai khiếm thị Nguyễn Tuấn Tú - hoàn thành xuất sắc chương trình tiếng Anh kéo dài 20 tuần, sau đó nhận được học bổng toàn phần của trường để theo học chương trình cử nhân.
Yêu thử thách
Từ thuở bé, lựa chọn nghề nghiệp với Tú đã rất hạn hẹp, tuy điều này không có gì lạ với những bạn trẻ có khiếm khuyết.
Thị lực chưa đến 20%, Tú được tuyển thẳng vào hai trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh có chương trình học phù hợp cho sinh viên khiếm thị.
Vì chọn theo đuổi hứng thú với các ngành khoa học, Tú liều lĩnh nộp đơn ứng tuyển vào một số trường khác có ngành mà bạn thích – dù biết sẽ có nhiều thử thách và rủi ro.
Năm 2011, Tú vào học tại RMIT Việt Nam nhờ hỗ trợ của trường dành cho sinh viên gặp khó khăn trong học tập.
Bạn hoàn thành xuất sắc chương trình tiếng Anh kéo dài 20 tuần, sau đó nhận được học bổng toàn phần của trường để theo học chương trình cử nhân.
Tú quyết định “liều” lần nữa khi chọn học Cử nhân Kinh doanh (Hệ thống thông tin trong kinh doanh), ngành có nhiều môn học kết hợp giữa kỹ năng công nghệ thông tin và kiến thức kinh doanh.
Cậu bạn nhớ lại: “Mọi người nói với tôi rằng đó không phải là một quyết định sáng suốt”.
“Làm việc với đồ thị và dữ liệu lớn, phân tích và xây dựng các hệ thống thông tin kinh doanh phức tạp – những thứ mà sinh viên không khiếm khuyết còn sợ. Đây chắc chắn không phải là lựa chọn an toàn với tôi. Nhưng ngay từ đầu tôi đã không thích những lựa chọn an toàn”.
Tú tóm lượt những quyết định của mình bằng châm ngôn sống: “Luôn chấp nhận thử thách vì nhờ chúng bạn sẽ nhận ra những tiềm năng mà bản thân bạn cũng không biết”.
Siêng năng học hỏi
Đằng sau tính cách táo bạo chính là đam mê học hỏi và khả năng thích nghi đáng khâm phục của Tú.
“Những tuần đầu tiên vô cùng khó khăn,” Tú kể về khoảng thời gian mới vào đại học. “Tôi không thể vừa ghi chú bằng phần mềm hỗ trợ trên máy tính vừa tham gia vào các hoạt động trong lớp. Sau vài tuần, tôi thử không dùng máy tính nữa, thay vào đó chỉ tập trung nghe giảng và tương tác với bạn học. Sau mỗi tiết học, tôi mới nghe lại băng thu âm và bắt đầu ghi chép. Dĩ nhiên là tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng hiệu quả hơn”.
“Lúc đầu cán bộ giảng viên trường không biết làm sao để hỗ trợ tôi, nhưng họ sẵn lòng thử nhiều phương pháp khác nhau. Cũng phải mất một khoảng thời gian trước khi tôi tìm được phương pháp học phù hợp nhất. Hiện tôi vẫn tiếp tục điều chỉnh các phương pháp này để phù hợp với những môi trường mới”, Tú chia sẻ thêm.
Tú và cô Carol Witney, Quản lý bộ phận Dịch vụ bình đẳng giáo dục, cùng tham dự Lễ tốt nghiệp 2017 của RMIT Việt Nam.
Cô Sienney Liu, giảng viên Khoa Kinh doanh & Quản trị, có dịp dạy Tú trong lớp Thống kê số liệu kinh doanh.
Cô chia sẻ: “Vì khiếm thị, Tú không thể sử dụng những tờ công thức mà chúng tôi phát ra trong các kỳ thi giữa và cuối kỳ. Do đó, Tú phải thật sự hiểu và nhớ hết tất cả các công thức, đồng thời phải biết cách áp dụng chúng. Quyết tâm của Tú đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Tú là tấm gương sáng, không chỉ cho sinh viên, mà còn cho cả giảng viên”.
Tận tâm đóng góp cho cộng đồng
Tú rất năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá và điều này một lần nữa đã phá vỡ định kiến của xã hội về bạn. Tú có kỹ năng lãnh đạo nổi bật và được công nhận là cá nhân có nhiều đóng góp cho RMIT Việt Nam và cộng đồng lớn hơn.
Cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS), bộ phận hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt, cho biết: “Tú đã đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện trải nghiệm học tập của mọi sinh viên”.
Thật vậy, Tú đã tham gia vào nhiều sự kiện và dự án cùng ELS trong cũng như ngoài khuôn khổ trường.
Tú thiết kế và thực hiện những buổi cung cấp thông tin dạy và học cho các bộ phận hỗ trợ sinh viên khác nhau trong trường. Tú cũng là gương mặt đại diện thường xuyên trong những chiến dịch nâng cao nhận thức về khuyết tật do ELS thực hiện.
Tú còn là một người bạn và người hướng dẫn cho các sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt khác. Tú hỗ trợ các bạn trong giai đoạn chuyển tiếp từ trung học lên đại học, lên kế hoạch tiếp cận các tư liệu học tập riêng cho từng bạn, sử dụng hệ thống và phần mềm, cũng như cho lời khuyên về các vấn đề trong học tập.
Ngoài công tác với ELS, Tú tư vấn và hỗ trợ Đại học Sư phạm trong xây dựng và vận hành Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật hoặc Dịch vụ bình đẳng giáo dục.
Với chuyên môn về phần mềm ZoomText, Tú là người huấn luyện về Công nghệ hỗ trợ của ELS.
Dù được cán bộ giảng viên trường đánh giá cao, Tú vẫn xem việc mình đang làm là một phần trong hành trình tại RMIT Việt Nam.
Tú nói: “Tôi là sinh viên đầu tiên trải nghiệm dịch vụ của ELS tại RMIT Việt Nam và trở thành thành viên của nhóm kể từ ngày thành lập. Tôi thấy mình là người phù hợp để làm toàn bộ những việc này, và nói thật lòng, tôi thấy rất vui khi đảm nhận chúng. Phần thưởng lớn nhất với tôi là biết rằng mình đang giúp tạo thêm nhiều cơ hội cho những sinh viên như tôi được bình đẳng tiếp cận giáo dục”.
Tú vừa tốt nghiệp loại Giỏi và hiện là nhân viên tư vấn các vấn đề khuyết tật tại RMIT Việt Nam. Tú cũng đang nộp đơn xin việc đến các công ty khác và mong muốn nâng cao nhận thức về môi trường làm việc bình đẳng. Bạn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người bằng câu chuyện của mình.
Thanh Vân