Nguyên đại biểu Quốc hội: “Tôi sống chủ yếu nhờ dạy thêm”

(Dân trí) - Học thêm là một nhu cầu có thật của phụ huynh và học sinh, về phía giáo viên đáp ứng nhu cầu bằng việc dạy thêm để kiếm sống. Tuy nhiên, việc học thêm đang “tiếp tay” cho việc làm trẻ mất khả năng tự học và lười tư duy.

Những ý kiến này được đề cập tại tọa đàm chuyên đề về “Dạy thêm - học thêm” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức sáng 22/1.

Đại biểu Quốc hội khóa XII: "Tôi đang dạy thêm"

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho rằng học sinh (HS) có nhu cầu học thêm bao gồm HS yếu cần phụ đạo, HS có khả năng muốn ôn luyện để thi vào trường chuyên. Với bậc tiểu học còn xuất phát từ nhu cầu phụ huynh muốn có người giữ con sau giờ học và tâm lý của phụ huynh luôn muốn con mình phải giỏi hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Cúc: Tôi sống chủ yếu nhờ vào dạy thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, đại biểu Quốc hội khóa XII: "Tôi sống chủ yếu nhờ vào dạy thêm".

Còn GV đi dạy thêm xuất phát từ việc phụ huynh có nhu cầu cho con theo học GV dạy con ở trường vì các cô nắm rõ nhất hạn chế của trẻ và muốn tăng thêm nhu nhập để trang trải cuộc sống. Bà Điệp cũng nêu ra vấn đề rất nhiều GV tiểu học hiện nay dạy thêm cho HS yếu kém không lấy tiền, thậm chí nhiều cô trông giúp con cho phụ huynh sau giờ học không lấy thù lao.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, đại biểu Quốc hội khóa XII - cho biết bản thân bà cũng sống chủ yếu nhờ việc dạy thêm tại trung tâm luyện thi đại học. Nhu cầu đi học thêm của HS trong thời điểm này là hoàn toàn chính đáng khi các em muốn thi vào các trường phổ thông chất lượng rồi vào các trường ĐH. Trong khi việc thi tuyển vào các trường rất căng thẳng mà nếu chỉ học ở lớp thì ít ai yên tâm để thi, trừ một số em thật sự giỏi, có khả năng tư duy và được định hướng.

Sau giờ học, nhiều PH có nhu cầu cho con đi học thêm. 
Sau giờ học, nhiều học sinh được bố mẹ cho đi học thêm. 

“Con tôi khi học lớp 9 cũng đi học thêm vì lo không đỗ được vào trường chỉ nằm ở top 10 của thành phố, chứ chưa nói đến các trường chuyên. Hiện nay, một HS trung bình hay khá thi ĐH với các môn trắc nghiệm chỉ có thể làm được 50%, còn nữa các em tích đại. Muốn đỗ, các em phải “gò” đi học thêm để biết cách làm bài”, bà Cúc nói.

Ngoài ra theo bà Cúc, chất lượng đội ngũ hiện GV cũng có sự chênh lệch, không phải lớp nào GV cũng giỏi nên HS có nhu cầu muốn được học với các thầy cô giỏi là hoàn toàn chính đáng. 

Học thêm làm mất khả năng tự học

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu và đại diện phụ huynh có chung ý kiến, việc GV “nhũng nhiễu” ép HS đi học thêm không phải là không có nhưng con số này rất ít. Còn phần lớn việc HS đi học thêm chủ yếu là do phụ huynh muốn con phải học thật giỏi, thấy con người khác đi học thêm nên cũng bắt con mình học. Họ không lường được rằng ngoài giờ học ở lớp, còn phải đi học thêm trẻ mất đi khả năng tự học cũng như khả năng tư duy.

Ông Đỗ Đức Huyến, Chủ tịch Hội động Quản trị Trường THPT dân lập Ngôi Sao cho rằng nhiều phụ huynh kỳ vọng một cách quá đáng vào con, mang tâm lý con mình phải giỏi hơn con người khác nên “ép” trẻ đi học thêm mà chẳng biết con mình học được cái gì.

Nhiều ý kiến cho rằng, học thêm nhiều làm học sinh mất đi khả năng tự học. 
Nhiều ý kiến cho rằng, học thêm nhiều làm học sinh mất đi khả năng tự học. 

“Điều tôi lo lắng nhất của việc học thêm - dạy thêm tràn lan như hiện nay chính là làm mất đi sự phát triển tự nhiên, mất đi khả năng tự học ở HS. Ngồi ở lớp quá nhiều, nghe như một cái máy các em còn mất luôn khả năng tư duy”, ông Huyến nói.

Đại biểu này cũng thở dài khi nói rằng việc dạy thêm đang làm tổn thương uy tín nhà giáo, nhiều GV bị xem thường do ép HS đi học thêm và mất đi sự công bằng trong giáo dục. Nhưng điều nguy hại hơn, ông Huyến chỉ ra: “Tất cả những điều này đang làm mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, không chỉ đối với nhân dân mà ngay cả với tri thức, cán bộ nhà nước. Thế nên họ đang làm mọi cách để con được đi du học ở nước ngoài”.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM cho rằng việc dạy thêm - học thêm tràn lan làm tổn thương cả nhà giáo lẫn HS. GV mang nặng tâm tư nguồn thu nhập hạn hẹp, làm thêm đúng chuyên môn của mình thì bị coi như là tội phạm. Còn HS thì bị cha mẹ ép học thêm môn này đến môn khác, học đến mụ mị, đến kiệt sức đến sợ học do chương trình ôm đồm, thi cử nặng nề... và cả do phụ huynh chạy đua. 

"Các em được mơm mớm sẵn mà không tự nhai, không tự tiêu hóa nên kém phát triển, sau này rất khó trưởng thành", ông Hùng ví von. 

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc bày tỏ, hiện ở bậc THPT đề cập đến phương pháp học tập chủ động, tự học rất hay nhưng lại rất khó thực hiện vì đại đa số các em đã được “gò” học thêm từ nhỏ, không có khả năng tự học. Lên bậc cao hơn các em rất lúng túng, không thể tự học nên việc học thêm - dạy thêm lại tiếp diễn. 

“Những em có khả năng tự học, không đi học thêm các em đỗ rất cao, là thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Khi vào đại học, các em cũng rất nổi bật”, bà Cúc thẳng thắn.

Nhiều hiệu trưởng khẳng định, với những em có khả năng tự học, tư duy và phương pháp học thích hợp cùng định hướng của gia đình, GV thì không đi học thêm vẫn có thể học tốt. Còn với những HS yếu kém nếu không học thêm thì rất khó tiến bộ.

Nhiều phương án hạn chế tình trạng học thêm - dạy thêm được đề xuất như cải cách chương trình, thay đổi cách thi cử; xây dựng trường lớp đảm bảo HS được học 2 buổi/ngày; cải cách chế độ tiền lương xây dựng ý thức về sức mệnh của nghề giáo cho GV… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, kể cả khi những điều này được thực hiện nhằm giảm tiêu cực trong dạy thêm - học thêm chứ việc dạy thêm - học thêm vẫn sẽ tồn tại.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm