Người thầy lên tiếng vì sao giáo viên “lười học”

(Dân trí) - Thực hiện khảo sát đối với 10 giáo viên đã học Cao học, không có giáo viên nào có bài nghiên cứu đăng ở tạp chí khoa học. Và chỉ duy nhất 1 người có tham luận gửi tới hội thảo khoa học.

Khảo sát nhanh đó được ThS Huỳnh Văn Thế, giáo viên (GV) Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long thực hiện tại nơi mình đang giảng dạy. Là người trực tiếp dạy học, GV trẻ này có những phân tích, mổ xẻ thẳng - thật về thực trạng GV không mặn mà với việc tự học, tự nghiên cứu hiện nay.

Giáo viên “sợ” tự học, tự nghiên cứu

ThS Huỳnh Văn Thế cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là do GV không có thời gian để tự học, tự nghiên cứu. Những ai đang trực tiếp giảng dạy phổ thông sẽ hiểu họ phải ôm đồm rất nhiều công việc, trong đó nhiều việc mang tính hình thức, đối phó.

Người thầy lên tiếng vì sao giáo viên “lười học”
ThS Huỳnh Văn Thế có bài chia sẻ thẳng thắn về thực trạng giáo viên tự học tại Hội thảo "Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục". 
 

Một trong những việc được cho là “khủng khiếp” đối với GV chính là việc soạn giáo án. Đủ loại như giáo án theo lớp (lớp khá, lớp yếu phải khác nhau hoặc thể hiện sự khác nhau trong giáo án); giáo án tự chọn (chủ đề bám sát, chủ đề nâng cao), giáo án trái buổi, giáo án ngoài giờ, hướng nghiệp... 

Giáo án là cơ hội tự học, nghiên cứu nhưng GV phải đối diện 2 tuần kiểm tra một lần, nếu không kịp sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm. Vì thế GV khó nghiên cứu kỹ càng để có bài dạy hay, bởi có khi "GV chỉ cóp giáo án từ trên mạng, chỉnh sửa rồi in ra còn không kịp". 

Việc dạy bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 5. Tháng 6, 7 thì gác thi, chấm thi, rồi tháng 8 lại vào năm học mới.

Tại hội thảo Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” diễn ra tại TPHCM ngày 29/11, ThS Huỳnh Văn Thế nêu suy nghĩ, một Hội thảo đề cập về GV phổ thông nhưng mấy GV phổ thông biết để tham dự? Bản thân thầy biết đến hội thảo nhờ vô tình lên mạng đọc được nên đã liên lạc với ban tổ chức để đăng ký tham gia và viết bài báo cáo. 

Vậy thời gian rảnh GV làm gì? GV loay hoay hoay hết dự giờ đến thao giảng; viết sáng kiến kinh nghiệm; hồ sơ, sổ sách đủ loại như sổ hội họp, chủ nhiệm, phiếu liên lạc, sổ điểm lớn, sổ điểm cá nhân, vào điểm...

Ngoài việc dạy, họ phải đeo hàng loạt công việc như viết sáng kiến kinh nghiệm, công tác chủ nhiệm, theo sát tình hình học trò... cùng đủ các loại họp hành (họp tổ, hội đồng, phụ huynh, công đoàn...) kéo dài suốt năm. 

Khối lượng công việc nhiều nhưng đồng lương ít ỏi, nhiều GV phải dạy thêm, có bao nhiêu chữ trút hết để đổi lấy cơm áo. Không dạy thêm thì nhiều người phải kiếm thêm công việc khác. Và GV cũng như tất cả mọi người, còn phải lo công việc của gia đình trong vai trò người chồng/vợ, làm cha làm mẹ. 

Thầy Huỳnh Văn Thế chia sẻ về tác động từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến việc học tập của mọi người. Các trung tâm sinh hoạt văn hóa, thư viện quá ít, trong khi tụ điểm nhậu nhẹt, ăn chơi bùng nổ.

Nghiên cứu để... xếp xó?

Đối với GV phổ thông, viết sáng kiến kinh nghiệm là một cách tự học, tự nghiên cứu. Nhưng thầy Thế cho rằng, đây là nỗi sợ của nhiều GV. Có thể nhà trường chỉ yêu cầu số lượng, không cần chất lượng. Mỗi năm GV phải có sáng kiến kinh nghiệm cá nhân nhưng GV do không quan tâm nghiên cứu nên có thể họ copy lại của người khác, chỉnh sửa thành sáng kiến của mình. Họ không mặn mà vì sáng kiến kinh nghiệm thường thiếu tính thực tế, thiếu sự đánh giá khoa học và áp dụng vào thực tiễn.

Nhiều sáng kiến viết ra cũng chỉ đọc qua tổ, gửi về trường, trường lại khóa trong tủ. Nếu gửi về Sở GD-ĐT được xếp loại rồi cũng mang về xếp xó. Sáng kiến đơn thuần là để được xét chiến sĩ thi đua, còn hiệu quả đến đâu người viết không biết và không quan tâm.

Thầy Thế đặt ra vấn đề: Nếu GV nghiên cứu khoa học thì sẽ gửi về đâu? Để làm gì? Có lợi ích gì cho họ không? Họ không biết và cũng không ai chỉ họ. Thế nên GV cũng khó mà thiết tha với việc tự nghiên cứu.

Điều này được minh chứng bằng khảo sát đối với 10 GV ở trường THPT Mang Thít đã học Cao học. Kết quả: không có thạc sĩ nào có bài nghiên cứu đăng ở tạp chí khoa học. Và chỉ duy nhất 1 người có tham luận tham gia hội thảo khoa học.

Theo ThS Huỳnh Văn Thế, GV nhận thấy điều mình nghiên cứu không mang lại lợi ích trực tiếp cho bản thân. Ngoài ra, do thói quen thụ động, chờ đợi tập huấn, chỉ đạo từ lãnh đạo nên GV không quen tự tìm tòi, nghiên cứu. Ở trên nói xuống, nhiều vấn đề không hợp lý, họ cũng gật đầu làm theo một cách rất máy móc.

“GV chúng ta không tự tin. Động đến việc gì cũng hay đùn đẩy cho nhau theo kiểu “Thôi, anh giỏi anh làm đi, tôi dở không làm được đâu”, thầy Thế đánh giá. 

Hãy cho GV không gian vùng vẫy

ThS Huỳnh Văn Thế nhấn mạnh, tinh thần, tình yêu tự học của người thầy chính là tấm gương tự học lớn nhất đối với học trò. Để có tinh thần tự học, trước hết người GV phải xác định mục tiêu và kế hoạch học tập cụ thể, cũng như không thể thiếu nhiệt huyết, lòng đam mê.

Giáo viên phổ thông đang thiếu không gian cho việc tự học, tự nghiên cứu.
Giáo viên phổ thông đang thiếu không gian cho việc tự học, tự nghiên cứu. Trong ảnh: Giáo viên THPT tại TPHCM thảo luận về đề thi cùng học trò

Để GV thấy được giá trị của nghiên cứu khoa học, của việc tự học, thầy Thế đề xuất các trường ĐH khi nghiên cứu khoa học ứng dụng về dạy và học ở trường phổ thông nên mời những GV trực tiếp giảng dạy phổ thông cùng tham gia. Khi một bài nghiên cứu của GV có tính ứng ứng dụng tốt, được sự đánh giá cao của hội đồng khoa học, cần được nhân rộng chứ không phải để trong tủ kính.

“Hãy cho GV niềm tin và khoảng không gian để họ có thể vùng vẫy. Một GV biết tự học, tự nghiên cứu thì họ sẽ dám nghĩ đúng và dám làm đúng” - tâm tư của thầy Huỳnh Văn Thế.
 

“Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị để đổi sách giáo khoa nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tôi không nắm rõ về nội dung này nhưng là một GV trực tiếp giảng dạy, tôi băn khoăn, phải chăng chúng ta đang đào tạo con người mang tính nhất thời để đáp ứng một yêu cầu nào đó. Vậy nếu chúng ta đào tạo ra những thế hệ “rô-bốt” thì sao?

Trong suy nghĩ của tôi, đào tạo con người là sự nghiệp muôn đời, phải mang tính bền vững. GV dạy học trò là dạy cách ăn ở, cách sống trong cuộc đời, dạy tình yêu khoa học, khả năng sáng tạo”.

ThS Huỳnh Văn Thế

Hoài Nam

(Bài viết tổng hợp và chọn lọc từ báo cáo cùng chia sẻ của ThS Huỳnh Văn Thế tại Hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” diễn ra tại TPHCM ngày 29/11/2013).